THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thực hiện Đề án 161 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN

Tại Hội nghị này, ngoài việc chia sẻ và thảo luận về các kết quả đánh giá thực hiện Đề án 161, các đại biểu còn được nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng; có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các chủ đề quan trọng như lịch sử của việc Việt Nam gia nhập ASEAN và lợi ích ASEAN mang lại, đặc biệt là chính trị - an ninh; những lợi ích về thương mại và đầu tư của ASEAN đối với Việt Nam; ý nghĩa của Đề án 161 và sự kết nối của Đề án trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành trực thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam chia sẻ về những ưu tiên trong Kế hoạch công tác khu vực của Cơ quan chuyên ngành, lợi ích đối với Việt Nam và những thách thức trong việc thực hiện.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN khu vực phía Nam.

Xây dựng một cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lấy người dân là trung tâm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, kết quả đánh giá sơ kết thực hiện Đề án 161 cho thấy sự chủ động và cam kết của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên nhiều phương diện.

Thứ trưởng nhận định, Đề án đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoảng trống như vấn đề truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cá cán bộ, nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng mức; kế hoạch triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương bị chậm so với dự kiến; cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; còn thiếu hoặc có rất ít nguồn lực riêng biệt đảm bảo cho việc thực hiện Đề án.

Các diễn giả và đại biểu tham dự tọa đàm tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thông qua các hoạt động hợp tác hướng đến con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy người dân là trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm tạo sự đoàn kết sự thống nhất lâu bền của các quốc gia. Thông qua đó, xây dựng một xã hội có bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, rộng mở, nơi mà đời sống phúc lợi của người dân được nâng cao.

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ cùng tập trung đánh giá trách nhiệm của Việt Nam, sự tham gia của Việt Nam để xây dựng bản sắc văn hóa chung của Cộng đồng ASEAN; đóng góp nhiều ý kiến để đề xuất tham gia, góp ý nhiều vấn đề từ trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, việc thực hiện nội dung của Đề án 161 đã có một số kết quả đáng kể. Trong đó, công tác triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân đã được thực hiện thông qua việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập ở các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc tăng cường, mở rộng và thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm và các chính sách y tế, giáo dục, trợ giúp đột xuất, hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác, thúc đẩy bình đẳng giới...

Toàn cảnh Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN khu vực phía Nam.

Các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững đã huy động được các địa phương thực hiện thông qua nhiều hoạt động, chương trình khác nhau, bao gồm cả huy động sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trưởng, tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa...

Bên cạnh đó, sau 3 năm triển khai Đề án, các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động đã được triển khai đạt các mục tiêu đề ra với việc xây dựng một xã hội mở và thích ứng, trong đó áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, khuyến khích các hoạt động tình nguyện và thúc đẩy hình ảnh của ASEAN, xây dựng một xã hội sáng tạo đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong ASEAN.

“Nội soi” vấn nạn bạo lực học đường

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xung quanh các nội dung: Vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ); Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giám sát trong ngành giáo dục; Nguyên nhân bạo lực học đường.

Theo các đại biểu, một trong những lý do khiến bạo lực học đường xảy ra với tần suất dày đặc trong thời gian gần đây là do sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng xã hội và mối quan hệ lỏng lẻo giữa các cá nhân trong gia đình (cha, mẹ bận làm ăn kinh tế ít quan tâm đến tâm sinh lý của con). Bạo lực chủ yếu xảy ra ở các em học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm môi trường trường học; chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa mà chưa quan tâm đến giáo dục văn hóa, đạo đức cho học sinh. Nhiều giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm. Bên cạnh đó thì sự phối hợp chưa được đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan, công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, vấn đề BLHĐ ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra nhiều vấn nạn xã hội nếu không có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhà trường nên cộng tác với Hội Luật sư và các tổ chức thiện nguyện trong công tác thúc đẩy bảo vệ quyền trẻ em; tổ chức tái hiện các phiên tòa xử mô hình trong các trường học cho các em học sinh xem. Tăng cường nói chuyện chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trường học đến các trường học; Phát hành các sổ tay bảo vệ quyền trẻ em, dạy kỹ năng sống cho trẻ em (ví dụ kỹ năng ứng phó với những kẻ biến thái, kẻ xấu, bạo lực); Hoạt động bảo vệ trẻ em trước tòa, giúp đưa ra ánh sáng nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực trong cuộc sống.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, để chấm dứt BLHĐ, cần đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách cũng như các cách thức đối với trẻ em. Cần phải tập trung vào việc tăng cường nhận thức và năng lực cho phụ huynh, học sinh, nhà trường. Cần phải phát triển các kỹ năng cho chính các em học sinh. Vấn đề đầu tiên hiện nay là cha mẹ hãy bỏ điện thoại xuống chuyện trò, tâm sự cùng con một cách thân mật và ấm áp nhất.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, bà Trần Thị Kim Thanh, trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ- TB&XH TP.HCM kiến nghị, phải có cán bộ làm công tác xã hội trong trường học. Cần có chỉ đạo làm truyền thông tích cực hơn a, bên cạnh truyền thông diện rộng, cần có truyền thông nhóm nhỏ; Bộ GDĐT, trong các cuộc họp phụ huynh cần có chuyên đề trao đổi về tâm sinh trẻ. Sự phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực cần chặt chẽ hơn nữa.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã tập trung vào việc phòng ngừa, đang áp dụng mô hình: Kỷ luật tích cực trong trường học, tác động 3 bên (giáo viên, phụ huynh, học sinh). Sau mô hình, nhiều giáo viên có thay đổi tích cực trong việc kỷ luật tích cực đối với học sinh. Dự kiến TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình và chú trọng từ cấp giáo dục mầm non. Bên cạnh đó TP.HCM đang tập trung vào xây dựng mô hình nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em...

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Nguyễn Thị Hà nêu rõ: “Qua hội nghị lần này, tôi thấy có rất nhiều cái mới, các đại biểu đã tham luận các vấn đề liên quan từ trong nước ra cả ngoài nước. Vai trò của gia đình và các cấp chính quyền rất quan trọng, toàn dân làm giáo dục thì BLHĐ mới có thể giảm đến mức tối đa, để tính nhân văn, yêu thương, giúp đỡ bạn bè được phát huy mạnh mẽ trong học đường và xã hội. Tôi mong muốn các sở, ngành phối hợp với nhau thực hiện tốt đề án 161 và các vấn đề xã hội bức xúc. Các Sở LĐ- TB&XH các tỉnh phải có chức năng, phải chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhau bảo vệ trẻ em, không để xảy ra BLHĐ”.

Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Theo đó, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2019, có 9/10 Bộ, ngành phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN tại Việt Nam và 58/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Đề án.

VIỆT HÙNG - XUÂN TRƯỜNG.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh