THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:14

Nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp người khuyết tật ở Quảng Ninh

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số gần 22.000 NKT, chiếm 1,7% dân số. Trong đó, NKT nặng và đặc biệt nặng là 18.000 người, tăng 26% so với năm 2017. Số NKT thuộc hộ nghèo là 1.133 người, chiếm 5,18% tổng số NKT trong tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2021, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Hội Bảo trợ Người khuyết tật- Trẻ mồ côi tỉnh cùng các địa phương đã vận động, ủng hộ bằng tiền và vật chất trị giá gần 12 tỷ đồng; ; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2021, Tháng hành động vì trẻ em và đầu năm học mới 2021-2022 với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua Hội đã có 60 học sinh, sinh viên mồ côi và người khuyết tật được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu với mức từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng, tăng 45 em so với năm 2020, một số em được các nhà hảo tâm cam kết đỡ đầu tới năm 18 tuổi hoặc hết đại học.

Lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà tài trợ trao tặng xe lăn cho NKT có hoàn cảnh khó khăn tại TX Quảng Yên ngày 12/3/2022

Lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà tài trợ trao tặng xe lăn cho NKT có hoàn cảnh khó khăn tại TX Quảng Yên ngày 12/3/2022

Tính chung trong 5 năm (2017-2021) bình quân mỗi năm, Hội Bảo trợ Người khuyết tật- Trẻ mồ côi Quảng Ninh đã huy động nguồn xã hội hóa đạt 10,7 tỷ đồng/năm để chắp nối hỗ trợ cho trên 12.000 NKT, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, như: Đỡ đầu học sinh, sinh viên khuyết tật, xây dựng mới nhà ở, tặng phương tiện dụng cụ hỗ trợ vận động, sinh kế...  Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã kết nối với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh đã trao tặng 344 xe lăn cùng 400 suất quà cho NKT trong tỉnh với tổng trị giá 730,8 triệu đồng.

Bên cạnh việc trợ cấp xã hội hằng tháng, những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo, bảo trợ cho NKT góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Điển hình là Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh về xã hội hóa việc xây dựng nhà ở cho NKT-TMC thuộc diện nghèo, cận nghèo và thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, ngày 16/7/2021 tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh với các mức chi cao hơn mức quy định chung của cả nước. Theo đó, giai đoạn từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/12/2022: Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 450.000 đồng/tháng; từ ngày 01/01/2023 trở đi: Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Về trợ cấp xã hội, đối tượng NKT nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi được trợ cấp hằng tháng số tiền 675.000 đồng/người; NKT nặng từ dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng. Trường hợp NKT đặc biệt nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi hằng tháng được trợ cấp 900.000 đồng/tháng; NKT đặc biệt nặng từ dưới 16 tuổi đến trên 60 tuổi được trợ cấp 1.125.000 đồng/tháng. Đối với người nuôi dưỡng là thân nhân NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ 450.000 đồng/tháng; còn NKT đặc biệt nặng mà không còn thân nhân được hỗ trợ 725.000 đồng/tháng. Trường hợp nữ NKT mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 450.000 đồng/tháng.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với NKT đủ điều kiện theo quy định và huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT cải thiện, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT thông qua lồng ghép với các chương trình, đề án của tỉnh: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình giải quyết việc làm; Chương trình hỗ trợ nhà ở... Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước và của tỉnh về NKT, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân NKT về vấn đề khuyết tật và NKT, phòng chống phân biệt đối xử đối với NKT; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp để tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin của NKT.

Minh Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh