Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)
- Tây Y
- 20:40 - 24/06/2021
Sáng nay, ngày 24/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí, giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.
Theo Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam, với chủ đề "Năm hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam", các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021) sẽ diễn ra từ ngày 13/7 đến 10/8, trong đó có các hoạt động nổi bật như:
Tổ chức Đại hội điển hình tiên tiến vì NNCĐDC giai đoạn 2016 -2021; đẩy mạnh phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" năm 2021 gắn với sơ kết 10 năm (2011-2021), thực hiện phong trào "Hành động vì NNCĐDC" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam; kết hợp với gặp mặt tôn vinh nạn nhân vượt khó vươn lên, cá nhân tiêu biểu chăm sóc nạn nhân và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; cán bộ hội và tổ chức hội tiêu biểu ở địa phương.
Tổ chức triển lãm với chủ đề "Thảm họa da cam/dioxin- 60 năm nhìn lại". Tổng kết, trao giải cuộc thi viết do Trung ương Hội phát động về đề tài "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam lần thứ nhất", năm 2020 - 2021. Phối hợp với Cổng thông tin Nhân đạo Quốc gia phát động Chương trình nhắn tin từ thiện "Vì nạn nhân chất độc da cam".
Ngoài ra, trong dịp này lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp thăm và tặng quà cho nạn nhân trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam. Tổ chức đợt vận động cao điểm nguồn lực trong nước và quốc tế ủng hộ vật chất, kinh phí giúp đỡ NNCĐ da cam/dioxin, nhất là những nạn nhân nặng; gia đình có nhiều nạn nhân và nạn nhân đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các Trung tâm. Tổ chức điều tra, khảo sát cháu, chắt người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin trong toàn quốc, làm cơ sở tổng hợp, đề xuất chính sách trong thời gian tới.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam cho biết, nhằm hỗ trợ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC.
Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.
Hằng năm, Hội NNCĐDC /dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp NNCĐDC làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Vì NNCĐDC (10/8) hằng năm... cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...
Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các NNCĐDC.
Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho NNCĐDC.
Hiện, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng CĐHH.
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu.