THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:04

55 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 -10/8/2016): Nỗi đau còn mãi

 

Toàn cảnh lễ mít tinh (ảnh Duy Linh )

 

Đến dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội và các tổ chức quốc tế.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Gần 5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam

Cách đây 55 năm (ngày 10/8/1961), Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang”, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Do đó, ngày 10/8 hằng năm đã trở thành Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Trong suốt 10 năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam (có chứa 366kg dioxin) xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Hơn 3 triệu héc-ta rừng núi, đồng ruộng và gần 26.000 thôn, bản đã bị rải chất độc hóa học. Đến nay, vẫn còn những “điểm nóng” ô nhiễm chất độc dioxin. Gần 5 triệu người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba.

Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, những năm qua, công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam đã được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã đi vào cuộc sống. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ; tăng thêm sức mạnh của phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.

Hơn 10.000 tỷ đồng/ năm hỗ trợ nạn nhân da cam


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ (ảnh Duy Linh)

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc ta phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Khổ đau, bệnh tật, nghèo túng đã và đang hiện hữu trong mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam. Có thể nói, không có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam; đó không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam mà còn là nỗi đau của nhân loại tiến bộ.

Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam. Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề da cam; xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.


Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt hoan nghênh các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam, làm ngời sáng thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tô thắm thêm truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, khắc phục hậu quả da cam đòi hỏi phải có rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân các nước trên thế giới thấy rõ thảm họa da cam ở Việt Nam; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tăng cường vận động các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện-nhân đạo, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam, đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.

 

 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ, với tinh thần “lắng nghe và hành động”, có các tuyên bố, cam kết mạnh mẽ hơn về tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học; tiếp tục phối hợp với Việt Nam triển khai các dự án tẩy độc và phục hồi môi trường ở các điểm nóng; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học về vấn đề chất độc da cam/dioxin; đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đồng thời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và làm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong tương lai.

Tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và chia sẻ nỗi đau mà các nạn nhân da cam phải chịu đựng, đồng thời mong muốn các nạn nhân da cam luôn có được niềm vui trong cuộc đời, niềm tin vào cuộc sống.

 

 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp cùng Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát động chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” lần thứ 8 bằng cách soạn tin nhắn DACAM gửi 1409.

Châu Anh / Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh