CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Nhiều doanh nghiệp tạm dừng quảng cáo trên YouTube

 

Những kênh nội dung cổ xúy bạo lực, chửi tục, phản cảm trên Youtube bị phản ứng gần đây phần nào khiến doanh nghiệp lo ngại. Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây tuyên bố tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube để tiến hành rà soát sau khi quảng cáo của đơn vị này xuất hiện trong video của Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”). Ngân hàng này giải thích rằng chỉ lựa chọn quảng cáo trên những nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức và tích cực.

Nhiều doanh nghiệp quyết định từ chối hợp tác quảng cáo trên YouTube.

 

Ngân hàng MSB không phải là “nạn nhân” duy nhất của Khá “bảnh”. Bởi sau khi bị công an bắt giữ, Khá “bảnh” khai thời gian gần đây được YouTube trả tiền đăng video mỗi tháng lên tới 450 triệu đồng. Nguồn tiền này đến từ các doanh nghiệp chi quảng cáo. Các video này nội dung chủ yếu là bạo lực, chửi bới, tục tĩu, cổ súy lối sống đánh đấm.

Đáng buồn là chỉ sau khi chủ nhân của kênh này bị bắt, nhiều doanh nghiệp mới té ngửa khi phát hiện dịch vụ, sản phẩm quảng cáo của mình xuất hiện trên kênh Khá “bảnh” khiến ảnh hưởng đến thương hiệu nên cắt quảng cáo.

Câu chuyện của những đơn vị trên gợi nhớ lại làn sóng tẩy chay YouTube của các công ty Việt vào cuối năm 2017. Thời điểm đó hàng loạt ông lớn như Vinamilk, VietJet Air, FrieslandCampina Việt Nam, Vinasoy… đã chủ động rút quảng cáo trên YouTube. Lý do là thương hiệu của họ bị gắn vào các nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.

Vinamilk khẳng định thời điểm đó khi ký hợp đồng với công ty truyền thông có điều khoản quy trách nhiệm rõ là phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật quảng cáo, chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm việc không sử dụng quảng cáo trên các clip nhạy cảm và trái pháp luật. Nhưng do Vinamilk không ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với YouTube mà thông qua công ty truyền thông nên không thể kiểm soát được các phim quảng cáo được gắn vào các nội dung độc hại.

"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các nhà quản lý nội dung, mạng đa kênh do Youtube ủy quyền, nếu các kênh 'nhảm' đăng ký kiếm tiền thông qua họ. Không loại trừ khả năng có đơn vị đã lơ là quản lý nội dung hay thậm chí là tiếp tay cho những video bạo lực, phản cảm để thu hút người xem nhằm kiếm tiền quảng cáo", chuyên gia an ninh mạng và marketing Võ Đỗ Thắng bình luận.

Theo chuyên gia thương hiệu, việc nhiều đơn vị dừng quảng cáo trên YouTube là cách làm đúng vì không doanh nghiệp đàng hoàng nào muốn thương hiệu của mình gắn kèm với các nội dung giật gân, độc hại. Đặc biệt khi quảng cáo gắn vào những nội dung xấu sẽ dễ nhận được các đánh giá tiêu cực từ các khách hàng tiềm năng và một khi đủ lớn sẽ dễ dàng tác động đến cấu trúc kinh doanh. Để bảo vệ thương hiệu không bị ảnh hưởng trước nội dung độc hại trên YouTube, các doanh nghiệp phải đặt nhiều điều khoản ràng buộc trách nhiệm với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo. Một trong những cách nhanh nhất là ngừng quảng cáo trên YouTube nhằm tạo áp lực mạnh mẽ buộc họ phải tạo ra nội dung sạch, lành mạnh trên kênh quảng cáo của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp nên chủ động bảo vệ thương hiệu và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, không tiếp tay cho các nội dung độc hại. Như vậy mới chặn đứng được chúng từ gốc. Ngoài ra, ở góc độ cơ quan nhà nước phải có các điều chỉnh đồng bộ bằng các công cụ pháp luật nhằm ngăn chặn thông tin độc hại lên mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi ngày có hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội, chỉ tính riêng YouTube có tới hơn 5.000 video được đẩy lên. Và nhiều quảng cáo của doanh nghiệp đã bị gắn với video, clip phản cảm. Cơ chế của Youtube ưu tiên hiện càng nhiều quảng cáo trên các video càng 'hot'. Hầu hết đại lý tại Việt Nam lọc tốt các video chính trị. Trong khi, các kênh giải trí rất khó kiểm soát vì đó cũng là nơi có lượng xem cao, vốn có danh nghĩa "lành tính". Tuy nhiên, ngày càng nhiều video giải trí có bóng dáng bạo lực. Năm 2017, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử ước tính Google và Facebook chiếm đến 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Youtube có nhiều lựa chọn phát quảng cáo khác nhau, từ các video 6 giây, 15 giây chèn trước video nội dung, đến các banner nằm trên video, bên cạnh trình phát. Có đại lý chào mời chi phí chỉ 500 đồng cho một cú nhấp chuột vào quảng cáo. Một số đại lý cam kết loại trừ quảng cáo trên các video nhạy cảm bằng các công cụ theo dõi và kinh nghiệm thiết lập tùy chọn về chủ đề, từ khóa... Tuy nhiên, để 100% quảng cáo xuất hiện đúng nơi thì không ai dám cam đoan. Rủi ro về hình ảnh thương hiệu có thể xảy ra.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh