THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:22

Nhiều cơ hội cho thủy sản của Việt Nam tại các thị trường RCEP

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong hai ngày 30 - 31/5/2022 tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên RCEP tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022.

Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP, 

Tại phiên toàn thể hội nghị, các chuyên gia, nhà nhập khẩu, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số nước thành viên RCEP (Trung Quốc, Nhật Bản, Australia) sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu và cơ hội đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại các thị trường RCEP.

Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các Phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp từ các nước RCEP. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam giới thiệu, quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển thêm các mối khách hàng tiềm năng từ thị trường RCEP.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực;

Đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Cụ thể, với mặt hàng hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).

Thời gian qua, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan. Những thành tựu trong những năm qua cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho rằng, Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022 ngoài việc tạo diễn đàn giúp doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam tìm kiếm đối tác tại thị trường RCEP mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ hơn về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước RCEP.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh