Nhiếp ảnh gia và gia tài ảnh người đẹp
- Văn hóa - Giải trí
- 22:33 - 21/06/2019
Nguyễn Hồng Vĩnh sinh năm 1973. Anh là con trai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mai Nam, người được coi là bậc “khai quốc công thần” của báo Tiền Phong. Tiếp nối người cha nổi tiếng, Hồng Vĩnh gắn bó với Tiền Phong từ khi còn là nhiếp ảnh gia có dáng vẻ thư sinh cho đến nay, khi đã trở thành một nhà báo nhuốm vẻ phong trần. Cha anh, nghệ sĩ Mai Nam là một trong những người đi tiên phong trong nghệ thuật ảnh khỏa thân ở Việt Nam và cũng là “người có công” với cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, tiền thân cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngày nay.
Nguyễn Hồng Vĩnh bên các người đẹp.
Như người thân của hoa hậu và “chân dài”
Xưa nay người ta cứ mặc định: Chỉ có đại gia mới nói chuyện được với người đẹp. Hồng Vĩnh xưa hay nay đều chưa từng là đại gia, song việc kết nối, làm quen với người đẹp đối với anh là “chuyện nhỏ”. Nhớ thuở Mai Phương Thúy mới đăng quang hoa hậu. Một buổi sáng mùa đông trời lất phất mưa, nhiếp ảnh gia đèo nàng hoa hậu đẹp như trăng rằm trên chiếc xe jupiter cũ đến một ảnh viện nằm trên phố Thái Hà để chụp hình cho bìa báo tết năm ấy. Tôi đoán rằng chiếc xe Jupiter ấy đã từng chở nhiều mỹ nhân Việt, chẳng riêng Mai Phương Thúy.
Chắc Hồng Vĩnh cũng không thể nhớ đã chụp bao nhiêu mỹ nhân Việt, song điều hay nhất, anh không để lại bất kể một điều tiếng gì. Các mỹ nhân khi gặp lại nhiếp ảnh gia này đều biểu lộ sự vui mừng, phấn khởi như gặp lại người thân. Họ cùng ôn lại kỷ niệm của một thời. Có dạo chúng tôi lên Tuyên Quang, Hồng Vĩnh vô tình gặp lại mỹ nhân một thuở, người mẫu Thanh Chấn (cùng thời với cặp chân dài song sinh Thúy Hằng - Thúy Hạnh). Lúc này, Thanh Chấn đã là chủ một nhà hàng sang trọng ở xứ Tuyên. Nhờ “lộc” của Hồng Vĩnh, anh em phóng viên được Thanh Chấn đãi một bữa ra trò.
Thấy Hồng Vĩnh thường xuyên chụp hình mỹ nhân, nhiều đấng mày râu ghen tị, cho rằng nhiếp ảnh gia có “số hưởng”. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Còn thực tế đôi khi đối nghịch, giống như câu thơ Nguyễn Du: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Lại nhớ năm nao, tôi với anh về Hải Phòng làm cuộc thi “Người đẹp đất Cảng”. Đi xe khách đến Hải Phòng trời đã sẩm tối, hai anh em chia nhau chiếc bánh đa mua bên đường để có sức đi tìm đến nơi thí sinh tập trung. Hay cuộc thi “Người đẹp thành Tuyên” nhằm tìm ra những gương mặt đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức, cũng là một ấn tượng khó phai với chúng tôi trên con đường tác nghiệp. Đêm chung kết tổ chức ngoài trời, mưa như trút nước, tôi chọn một chỗ mưa không tạt, ngồi theo dõi. Nhìn ra thấy Hồng Vĩnh dưới mưa, cố gắng săn những tấm hình đẹp nhất. Tôi mượn một chiếc ô che cho anh. Thương thân anh vừa phải, bởi trời cho anh một sức vóc khỏe mạnh, nhưng chiếc máy ảnh và túi đồ nghề lỉnh kỉnh của anh có thể bị nước mưa phá hoại, mà chúng vừa là “công cụ”, vừa là “gia tài” với anh. Đó là lần đầu tiên, tôi phát hiện ra, chiếc túi anh vẫn mang theo bên người, thậm chí ngay cả trong một số cuộc vui với anh em đồng nghiệp, hóa ra nặng đến vậy. (Trong khi phóng viên viết như tôi tác nghiệp nhẹ tênh, có khi chỉ mang theo chiếc máy ghi âm bé xíu hoặc chiếc điện thoại thông minh là đủ).
Nhờ thường xuyên góp mặt trong hành trình của cuộc thi hoa hậu Việt Nam suốt bao năm qua nên đôi mắt của anh dần tinh tường chẳng kém vị giám khảo chuyên nghiệp nào. Liếc qua dàn thí sinh anh có thể chọn ra những gương mặt sáng giá một cách khá chính xác, thậm chí nhiều lần dự đoán đúng người đẹp đội vương miện. Nhận thấy “biệt tài” của nhiếp ảnh gia nên những năm gần đây một số cuộc thi nhan sắc đã mời Hồng Vĩnh ngồi ghế giám khảo.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Vĩnh.
Những mỹ nhân làng nhạc
Không chỉ sở hữu kho tàng ảnh về giới chân dài ở thời kỳ thời trang Việt bắt đầu bung nở hay ảnh về những mỹ nhân bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hồng Vĩnh còn giữ kho tư liệu khá phong phú về không ít giai nhân làng điện ảnh, làng ca nhạc Việt Nam. Anh có bộ sưu tập ảnh Thanh Lam, khi “nữ hoàng” ở tuổi 36 - 37 đẹp nồng nàn. Tôi vẫn nhớ sự ra đời của bộ sưu tập ảnh “diva” làng nhạc Việt. Đó là một chiều mùa đông rét mướt, tôi nhờ Hồng Vĩnh đi cùng tôi để chụp bộ ảnh về Thanh Lam, phục vụ cho bài phỏng vấn chị. Chúng tôi cùng đến điểm hẹn, do Thanh Lam chọn, ở một nhà hàng sang trọng, gợi không khí cung đình vàng son, hẳn nhiên giá cả ở đó cũng “vàng son” không kém. Nhìn vào bảng thực đơn tôi không dám gọi gì, đàn anh biết ý liền “bao” mỗi người một tách trà, trong lúc đợi danh ca đến. Phải tiếng rưỡi, hai tiếng sau Thanh Lam mới xuất hiện, chị xin lỗi vì kẹt xe, sau đó nhanh nhẹn tạo dáng cho Hồng Vĩnh tác nghiệp. Hồng Vĩnh vui vẻ tác nghiệp, không một lời phàn nàn vì sự đến muộn của ngôi sao hay “phí” chờ đợi tốn kém. Đến kỳ lĩnh nhuận bút, tôi ngó tìm tên Hồng Vĩnh, ngậm ngùi khi thấy số tiền anh nhận được từ phần ảnh hỗ trợ bài viết của tôi chỉ đủ trả cho hai tách trà chờ đợi hôm ấy. Nhưng Hồng Vĩnh không than vãn. Anh vẫn nhiệt tình hỗ trợ tôi, cũng như những đồng nghiệp khác.
Lần khác, để hỗ trợ bài viết của tôi, anh theo tôi đến nhà ca sĩ Minh Thúy, giai nhân của làng nhạc một thời. Minh Thúy chính là người sắm vai chính cùng với Chí Trung trong bộ phim ca nhạc đầu tiên ở Việt Nam “Tìm em cô ca sĩ” (đạo diễn An Ninh). Khi đó, ở tuổi 37, tuy nhan sắc vẫn còn quyến rũ song Minh Thúy đã bắt đầu ái ngại về vấn đề cân nặng, chỉ sợ lên hình trông mập. Nhưng sự khéo léo của Hồng Vĩnh đã khiến đàn chị rũ bỏ tâm lý ái ngại, diễn tự nhiên trước ống kính. Bộ ảnh thực hiện ngay tại nhà riêng của nữ ca sĩ Minh Thúy. Khi hoạt động nghệ thuật của Minh Thúy yên ắng, những hình ảnh về chị ngày càng ít đi thì những bức ảnh của Hồng Vĩnh chụp năm nào đã trở nên giá trị, giúp khán giả ngày hôm nay có thể hình dung về nàng ca sĩ xinh đẹp gắn liền với những nhạc phẩm trữ tình: “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn); “Trăng chiều” (Đặng Hữu Phúc); “Tìm tên anh trên bờ cát” (Duy Thái)… từng làm điêu đứng trái tim người yêu nhạc một thuở.
Chất tài tử như ngày nào
Hồng Vĩnh đang bước tới ngũ tuần. Thời gian có thể khiến diện mạo của anh thay đổi, song niềm đam mê với cái đẹp, với nghề báo chưa khi nào nguội lạnh. Tết năm kia, tôi nhờ Hồng Vĩnh chụp cho bộ ảnh ở gia đình thi sĩ Đỗ Bạch Mai, phu nhân cố thi sĩ Bế Kiến Quốc. Đường đến nhà thi sĩ xa và bụi, đã vậy còn nằm trong ngõ sâu. Loay hoay rất lâu, gọi lại cho tôi nhiều lần, cuối cùng Hồng Vĩnh cũng tìm ra nhà thi sĩ Đỗ Bạch Mai và hoàn thành công việc. Ở tuổi không còn trẻ, anh vẫn như thuở tôi biết, nhiệt tình và không toan tính thiệt hơn với nghề. Là một nhà báo, hẳn nhiên Hồng Vĩnh không chỉ “săn” mỹ nhân hay văn nghệ sĩ, anh còn là một tay máy xông xáo ở những sự kiện chính trị, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Hoạt động đa diện nên trong bộ sưu tập ảnh chân dung người nổi tiếng của Hồng Vĩnh còn có cả chính trị gia hay tỷ phú tầm cỡ thế giới. Nhớ dịp tỷ phú Bill Gates lần đầu sang Việt Nam, cánh phóng viên các báo rộn ràng chuẩn bị tinh thần tác chiến. Tôi không được giao nhiệm vụ gì nhưng vẫn bám theo Hồng Vĩnh để xem không khí săn đón người giàu nhất thế giới ra sao. Chúng tôi lên sân bay đợi chờ mỏi mòn, sau đó có thông tin Bill Gates sẽ về khách sạn Hilton. Cánh nhà báo đua nhau trở về nội thành, lại tiếp tục trực chiến ở khách sạn Hilton. Và rồi Bill Gates xuất hiện quá bình dị khiến nhiều người ngác ngơ, tôi cũng chưa kịp định thần, ngoảnh sang bên đã thấy Hồng Vĩnh lao đi, máy ảnh trên tay anh hoạt động liên tục, tôi vội vã xách túi đồ nghề của anh, lật đật chạy theo hỗ trợ đồng nghiệp.
Nhiều năm trước tôi bất ngờ phát hiện một điều thú vị: Hồng Vĩnh có mối quan hệ họ hàng với tài tử Ngọc Bảo, anh gọi tài tử bằng ông. Tôi may mắn gặp tài tử Ngọc Bảo trong những tháng cuối cùng của cuộc đời ông. Tuy tuổi cao, hình thức đã già, tóc bạc, lông mày cũng bạc nhưng Ngọc Bảo vẫn thể hiện là một nghệ sĩ dạt dào tình yêu đời, yêu người. Ông từng hát tặng tôi mấy câu khiến tôi nhớ mãi: “Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần... Đôi tám xuân đi trên mái tóc/Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”. Cứ nhìn vào ông của Hồng Vĩnh, cha của Hồng Vĩnh, thì biết nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh này còn trẻ dai và gia tài ảnh của anh sẽ còn giàu có hơn nữa.
NÔNG HUYỀN DIỆU
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc