Nhanh chóng kiểm soát Covid-19 giúp phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam
- Huyệt vị
- 15:54 - 18/03/2021
Tiếp tục tăng trưởng dương
Phân tích về những diễn biến của kinh tế Việt Nam gần đây, WB cho rằng, sự phục hồi kinh tế trong nước đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ ba.
Tính bình quân trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất kim loại và sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tiếp tục tăng lần lượt 8,6% và 3,2% trong tháng 2, nhờ nhu cầu cao trên thị trường thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tốc trở lại trong tháng 2/2021 sau khi tăng trưởng chậm lại vào tháng 1. Mặc dù có đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 2 vẫn tăng 0,3% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp tết.
Theo WB, dù vẫn thấp hơn trước khi có dịch Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng này cho thấy những biện pháp ứng phó có mục tiêu của Chính phủ với đợt bùng phát đã giảm thiểu việc tác động tiêu cực của những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với các hoạt động kinh tế lan sang các tỉnh ngoài tâm chấn.
Xuất khẩu giảm nhẹ trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên được ghi nhận trong 10 tháng. Trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia WB, hiện còn quá sớm để kết luận liệu điều này có thể hiện một xu hướng mới trong cán cân thương mại hàng hóa hay không.
Trong khi xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm thì máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc, kim loại và sản phẩm kim loại, gỗ và đồ nội thất vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Phân tích về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của WB cho thấy, FDI hồi phục mạnh mẽ vào tháng 2/2021 sau hai tháng chững lại. Sau khi giảm vào tháng 1/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI vào tháng 2/2021, cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp 3 lần giá trị vốn FDI ghi nhận vào tháng 2/2020.
Cần đặc biệt chú ý triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Sự gia tăng về vốn FDI này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động đăng ký cấp mới (tăng 265,7% so với cùng kỳ năm trước) và tăng vốn (tăng 273,0% so với cùng kỳ năm trước).
Sau nhiều tháng lạm phát liên tục giảm, giá cả trong nước đã tăng trở lại do kết thúc thời gian hỗ trợ giảm giá điện 10% và ảnh hưởng của nhu cầu trong nước tăng cao trong đợt Tết. Trong tháng 2/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,3% so với tháng trước và 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 12% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2/2021, tương đương tốc độ ghi nhận trong những tháng gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng này chỉ thấp hơn 1 - 2 điểm phần trăm so với trước khủng hoảng Covid-19, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế thực và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia của WB phân tích, chính sách tài khóa đang được điều chỉnh nhẹ do thu ngân sách được cải thiện trong 2 tháng đầu năm 2021, trong khi chi ngân sách giảm.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thu ngân sách 286,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này - lần đầu tiên tổng thu ngân sách nhà nước tăng kể từ đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 - phản ánh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra.
Về chi ngân sách, tổng chi giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 207,3 nghìn tỷ đồng do đầu tư công thấp hơn, ước tính đạt 23,5 nghìn tỷ đồng và giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đang thảo luận đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt 2.
Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước khoảng 115 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Nếu được thông qua và thực hiện tốt, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình duy trì hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo WB, việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới vào cuối tháng 1/2021 đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021.
Trong thời gian tới, cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cũng theo WB, Chính phủ có thể sẽ cần có thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân.