CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:58

Nhân vật phim truyện từ bàn biên kịch

 

Ngày nhỏ đọc Nam Cao, nhân vật Chí Phèo gieo vào tôi những ấn tượng mạnh khủng khiếp. Có lẽ đây là nhân vật duy nhất trong lịch sử văn học nước nhà sừng sững tồn tại trong cuộc đời như một tượng đài bất chấp thời gian. Khi Chí Phèo từ trang sách "nhảy" lên màn ảnh thì cái ấn tượng kia, kỳ lạ, vẫn không hề vơi giảm. Ai đã đọc Nam Cao, mê thích hoặc sợ hãi Chí Phèo đều khó cưỡng lại sự chấp nhận đến mặc nhiên hình hài diễn viên Bùi Cường thủ vai nhân vật này.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Bùi Cường là một diễn viên, đạo diễn có tài nhưng kể từ khi anh đóng vai Chí Phèo thì mọi sự anh làm, dù tài đến mấy cũng bị cái gã “du thủ du thực” kia che khuất lu mờ hết. Thậm chí, ở ngoài đời, Bùi Cường là người hiền lành nhưng cái bóng của Chí Phèo lớn đến mức khi tiếp xúc với anh bây giờ, tôi vẫn ngần ngại e sợ. Nói dại, lão mà nổi máu “Chí” lên bổ cho cái vỏ chai vào đầu thì có mà toi là cái chắc. Phải công nhận Bùi Cường diễn Chí Phèo tài, từ cái nhướng mày, cái nhếch mép nhất là cái sự di chuyển của anh “Chí” say, chao ôi sao mà đạt, mà giống. Cái sự giống này cũng thần tình rặt từ hình dung của mọi người nghĩ về anh “Chí” mà ra. Khiếp thế!

Lớn lên, theo đuổi nghề văn, cố gắng học hỏi làm mới, trường phái cách tân này nọ đến đâu thì bao giờ trước trang giấy tôi vẫn cứ lẩm nhẩm tâm niệm như một thằng ngộ cái câu đã trở thành thần chú: “nhân vật, nhân vật”... Khi học đòi chúng bạn chuyển sang viết kịch bản thì cái “nhân vật” này không chỉ còn là bức thiết, là ám ảnh mà thực sự là một yêu cầu bắt buộc, thậm chí là quyết định sự thành bại của tác phẩm. Vẫn biết tài thấp, xí xớn múa may chứ không thể theo được tiền bối để tạo dựng ra được những nhân vật để đời nhưng chí ít cũng phải cố gắng để nhân vật của mình người phải giống người chứ đừng giống ngợm hoặc nửa người, nửa ngợm.

Cái nghề làm phim trên giấy, ấy là nói công việc của biên kịch khi dựng câu chuyện lên thì quan trọng bậc nhất ấy là cái anh “nhân vật”. Khổ nỗi cái sự “dựng” này trong hình dung của mình, xây đắp của mình nhưng khi thực hiện nghĩa là mang đi quay thành phim thì công việc lại là của đạo diễn. Thành thử nhiều khi hình dong vóc dáng mình “sinh” một nẻo thì đạo diễn lại “dưỡng” một đằng, lắm khi tréo ngoe đến phát khóc. Thế nên khi đã có chút ít kinh nghiệm bao giờ cái thằng tôi cũng phải chọn đạo diễn “hâu hẩu” với mình để tránh cái chuyện cười ra nước mắt kia. Có được đạo diễn hẩu nghĩa là mình có sự đồng thuận vậy thì tốt nhất là chọn trước diễn viên cho cái nhân vật mình sắp viết cho chắc cú. Bởi sau mọi sự thì thành bại đều nằm ở khâu diễn viên này cả. Đấy, cái sự làm phim nó lằng nhằng thế đấy.

NSND Bùi Bài Bình và NS Kim Oanh trong phim "Ma làng"


Việc chọn trước diễn viên cho nhân vật bây giờ đã trở nên phổ biến. Phải công nhận việc làm này đắc lợi mọi bề. Khi bắt tay làm “Ma Làng” đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mặc định luôn một loạt nhân vật. Vai Tòng chắc chắn phải là Bùi Bài Bình rồi. Mặt Bùi Bài Bình hiền, lại đã đóng đinh ở vai chính diện liệu có hợp với vai diễn ác độc nham nhở kia không? Rồi cũng tìm ra lời giải, cái đểu đâu cứ phải hiện ra ở mặt, “trông mặt bắt hình dong” không phải lúc nào cũng đúng, người đểu, người ác nằm ở trong tâm không hiện ra mặt mới là cái đểu, cái ác đáng sợ. Quả nhiên Nguyễn Hữu Phần đúng. Bùi Bài Bình bằng tài năng, tâm huyết đã thể hiện quá xuất sắc nhân vật Tòng. Thừa thắng, đến “Gió làng Kình” Bùi Bài Bình lại được giao vai nhân vật trưởng thôn Khuếnh. Không còn gì phải bàn thêm, người khó tính nhất cũng không thể chê diễn xuất của anh. Tôi ngờ rằng tài đến mấy thì Bùi Bài Bình cũng khó có thể quay về những vai chính diện cũ được nữa. Mà không chỉ Bùi Bài Bình, diễn viên Hồng Sơn, tài năng thì đương nhiên rồi nhưng anh này cũng nổi tiếng ở những vai nghiêm chỉnh, chính diện, đánh đùng một cái vào vai anh nông dân Dỏ trong “Ma làng” say bí tỉ suốt ngày, cũng một dạng “Chí” bô nhếch. Bản thân diễn viên cũng thấy ngại vậy mà kết quả quá sự mong đợi.

Trong “Gió làng Kình” diễn viên Công Lý vào vai Khoái một kẻ lưu manh, một thứ mõ làng có chút ngu ngơ. Anh này có câu chửi cửa miệng “Thánh họ” là loại vai hài hài, nhộn nhộn cần thiết để giãn mạch truyện, giảm thiểu sự căng thẳng trong phim.

Nghệ sỹ Công Lý (trái), phim "Gió làng Kình"


Khi kịch bản chưa được chữ nào tôi đã nhắm đến Công Lý. Có điều tay này bấy giờ giở chứng rất ngại đóng phim chỉ thích lái xe rong chơi uống ruợu. Nghĩ đi nghĩ lại mãi chỉ có Công Lý mới phù hợp, tôi bèn nghiến răng bày một tiệc rượu mời Lý. Rồi chuốc, ly cụng chan chát, véo von hót ca chích chòe kích động, ruợu tầm tầm Công Lý vỗ đánh bốp vào tay tôi đầy hào sảng: “Xong!”. Tôi biết tỏng là rượu nói nhưng có nhân chứng là mấy diễn viên bạn, vật chứng là cả đống xương con ba ba hai cân chín, cộng với mấy vỏ chai rỗng có mà chối. Quả nhiên, hôm sau tỉnh ruợu, Công Lý gãi gãi cái đầu trụi tóc nom như con dúi già rụng lông tính lật kèo bằng võ bài bây nước đôi: “Nhưng em phải thích kịch bản mới đóng đấy. Để em đọc xong mới quyết định.”. Nhất trí, có mà chạy đằng trời. Công Lý vào vai cứ ngọt như không, tôi toan tính đợi xong xuôi “Gió làng Kình” mới tính sổ lại cái vụ “đầu tư” tốn kém kia.

Có không ít nhân vật đã được tạo ra từ những toan tính kiểu này. Diễn viên Hán Văn Tình có cái đầu rất lạ, trọc nhẵn thín một vệt từ trán đến đỉnh đầu và một khuôn mặt rất láu, tôi xem anh này đóng một vài vai ngăn ngắn trên truyền hình thấy thích, thấy thú vẫn bụng bảo dạ thể nào có dịp cũng tương anh ta vào phim. Đến khi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy viết kịch bản “Đất và Người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thì khuôn mặt Hán Văn Tình hiện lên rành rẽ và đầy thúc ép. 

Cố nghệ sỹ Hán Văn Tình trong phim "Đất và Người"


Tôi quyết định xây dựng nhân vật Chu Văn Quềnh cho Hán Văn Tình đóng. Nói xây dựng vì trong tiểu thuyết nhân vật Quềnh chỉ xuất hiện rất ít nên buộc phải tạo ra một Quyềnh khác, dày dặn hơn, khác cả về số phận lẫn tính cách.Tôi bèn gặp Hán Văn Tình mời. Anh này xưa nay chưa bao giờ gặp tôi nên có bất ngờ vì lời mời, dè dặt hỏi lại vai thế nào. Lúc đó dù Tình là người lạ tôi vẫn nói chắc như đinh đóng cột, đại loại vai hay dở thế nào tôi chưa biết nhưng chắc chắn anh sẽ mất tên.

Sau này Hán văn Tình đã là Quềnh rồi mới tâm sự: “Lúc bác nói, em nghĩ thằng cha này bốc phét chắc là một dạng thần kinh, làm đếch gì có cái vai ấy. Không ngờ…”. Hán Văn Tình sau khi “Đất và Người” chiếu đi đâu cũng bị thiên hạ gọi là thằng Quềnh. Mức độ mến mộ đến người trong cuộc cũng không ngờ. Dạo tôi sửa nhà, đám thợ nhất quyết đòi bằng được phải dẫn Quềnh về nhà. Rồi liên hoan, việc này việc nọ đến khổ cái thằng tôi lại phải nhờ vả Quềnh đến cho thông việc. Được cái Hán Văn Tình không như một vài diễn viên ngạo mạn khác khi thành công hay có tật chê bai từ kịch bản đến đạo diễn nhằm đề cao mình, anh luôn nhũn nhặn khiêm tốn. Nhưng nói gì thì nói những nhân vật kiểu như Chu Văn Quềnh này cũng vẫn chưa phải là nhân vật có sức sống lâu bền vẫn chỉ là hiện tượng nhất thời.

Lan man chuyện diễn viên để thấy diễn viên xứ ta không thiếu người tài. Cái thiếu chính là “nhân vật”. Vâng, đúng thế, nhân vật! Liệu bao giờ thì gã Chí Phèo của Nam Cao mất vị thế độc tôn? Đó mới là lúc văn học, điện ảnh xứ ta được mùa. Bao giờ?

THÀNH PHONG ghi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh