CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:58

Nhận thức về công tác an toàn lao động đã có nhiều thay đổi

Diễn tập PCCC tại kho Gas ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Sau 18 năm được tổ chức liên tục, Tuần lễ quốc gia đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể về công tác ATVSLĐ-PCCN đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách, văn bản quan trọng đã được Đảng và Chính phủ, các cấp, các ngành bổ sung và hoàn thiện nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ-PCCN như: Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Quốc hội cũng đã lần đầu tiên thông qua Luật ATVSLĐ với nhiều nội dung, chính sách mới, mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ, mở rộng đối tượng áp dụng đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; Bên cạnh đó, nhiều Luật liên quan đến ATVSLĐ cũng được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Xây dựng năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013.

Từ thành công của Tuần lễ quốc gia lần thứ nhất năm 1999 đến nay đã có 18 Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN được duy trì và tổ chức thành công với sự quan tâm và hưởng ứng rất tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Ở nhiều địa phương, Tuần lễ đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đến cả các cấp quận huyện, xã, phường; nhiều tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ ngày một nhiều hơn như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng…

Thông qua việc tổ chức Tuần lễ, công tác phối hợp, gắn kết giữa các ngành như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quốc phòng, Công Thương, Xây dựng… ngày càng được củng cố, tăng cường và thống nhất trong chỉ đạo đã góp phần tạo những chuyển biến đáng kể cho công tác ATVSLĐ-PCCN. Việc duy trì, tổ chức Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN hàng năm đã thu hút được sự quan tâm, tham gia ngày một sâu rộng và có hiệu quả của các cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương với hàng nghìn tin, bài; hàng trăm phóng sự, tọa đàm, đối thoại được đăng, phát sóng liên tục trong thời gian diễn ra Tuần lễ và không chỉ tăng về số lượng tin, bài mà chất lượng tin, bài cũng ngày một tốt hơn, có tính thời sự cao hơn.

Ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ được nâng lên. Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp như thành lập các hội đồng bảo hộ lao động, các phòng, ban, cử cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động; số lượng các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng hệ thống quản lý về ATVSLĐ-PCCN cũng ngày một tăng lên theo các năm (đến nay đã có trên 7.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ)…

Thông qua các hoạt động của Tuần lễ, nhiều hoạt động thiết thực về ATVSLĐ đã được củng cố và tăng cường như các hoạt động thông tin, huấn luyện về ATVSLĐ; các hoạt động rà soát, bổ sung nội qui, qui trình làm việc an toàn; các hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra trong các doanh nghiệp nhằm phát hiện các nguy cơ, rủi ro mất an toàn lao động. Đặc biệt đã có nhiều phong trào, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động đã được phát động và nhân rộng thực hiện trong các doanh nghiệp, cơ sở trong dịp tổ chức Tuần lễ quốc gia như phong trào “Ngày, Tuần không tai nạn lao động”; “Tháng An toàn lao động”; “Năm an toàn công nghiệp”; các phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; các cuộc thi vẽ tranh cổ động về ATVSLĐ-PCCN trong các ngành than, điện, xây dựng;

Chính từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, việc tổ chức Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN những năm qua đã góp phần làm giảm tần suất TNLĐ, BNN, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao (giai đoạn 2011 - 2014, tần suất TNLĐ chết người là 7,58/100.000 lao động giảm 4,89% so với giai đoạn 2006 - 2010, có tần suất là 7,97/100.000 lao động). Theo báo cáo từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, tần suất TNLĐ chết người bình quân chung cả 4 năm 2011- 2013 giảm mỗi năm 8,34% so với giai đoạn 2006 - 2010; các hoạt động huấn luyện, đo kiểm môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được người sử dụng lao động quan tâm, tổ chức ngày một tốt hơn (trung bình hằng năm đã tăng 8,16 % cơ sở giám sát môi trường lao động; tăng 14,81% số người lao động khám phát hiện BNN).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN


 Để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế TNLĐ, BNN, chăm sóc sức khỏe người lao động, từ năm 2017, Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN sẽ được chuyển thành Tháng hành động về ATVSLĐ. Tháng 5 hàng năm là đợt cao điểm để phát động tuyên truyền, trong đó tập trung vào thực hiện các qui định của Luật ATVSLĐ; các yêu cầu, chỉ đạo, định hướng trong công tác ATVSLĐ; các mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm TNLĐ, BNN, xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất năm 2017 sẽ được tổ chức tại TP Hà Nội.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh