THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Nhận thức của người dân về bệnh Lao, nhìn từ dự án sàng lọc Lao cộng đồng

Sàng lọc lao chủ động cho người dân Phú cần, Krong pa

Sàng lọc lao chủ động cho người dân Phú cần, Krong pa

Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, đã có nhiều thiết bị y tế cận lâm sàng hỗ trợ việc chẩn đoán sớm bệnh lao, kể cả lao đa kháng đang được ứng dụng phục vụ việc điều trị. Tuy nhiên, để chiến thắng bệnh lao cần được phát hiện sớm trong cộng đồng, trong đó công tác truyền thông rất quan trọng và phải đi trước một bước.

“Lao không hề đáng sợ”

Đây là chia sẻ của chị Ksor H’Chuyên buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krong Pa, Gia Lai khi được hỏi về bệnh lao. Là người vừa trải qua quá trình điều trị lao chị Ksor H’Chuyên thẳng thắn chia sẻ: Lúc đầu vì không biết đến bệnh lao nên cũng hoang mang lắm. Lại nghe nói bệnh này dễ lây nên càng lo sợ nhưng sau khi được tuyên truyền hiểu về bệnh lao thì tôi đã yên tâm đi điều trị.Kể về quá trình điều trị lao của mình chị Ksor H’Chuyên cho biết, tháng đầu tiên điều trị liều tấn công nên người rất mệt. Lúc ấy cũng bi quan đến bước này lại được bác sĩ tận tình giải thích cùng với đó nhận được sự chăm sóc tích cực của bác sỹ nên sau tháng đầu tiên cơ thể đã dần khỏe lại. Đến giờ sau 6 tháng điều trị tôi đã khỏe mạnh hoàn toàn.Có mặt tại buổi khám sàng lọc lưu động miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với bệnh viện Phổi Gia Lai tổ chức đầu tháng 10, chị RCom H’Mit chia sẻ: Gần 1 tháng nay tôi có hiện tượng ho về đêm và sốt nhẹ buổi chiều cộng thêm việc chán ăn và sụt cân. Vì không biết đến bệnh lao, bản thân lại không có thẻ bảo hiểm y tế vì thế tôi chỉ ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc cảm cúm, hạ sốt để uống.

Niềm vui của người dân Phú cần.

Niềm vui của người dân Phú cần.

“Ban đầu tôi cũng biết thông tin có dự án khám lưu động miễn phí về thôn nhưng tôi không đăng ký vì không biết gì về bệnh lao và không nghĩ mình bị lao. Nhưng khi được Trạm trưởng y tế xã vận động, tuyên truyền tôi đã đăng ký để được khám sàng lọc. Bước đầu kiểm tra tôi đã có kết quả nghi mắc lao, tôi được chỉ định lấy dịch để gửi đến phòng lab của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai để xét nghiệm Gene-Xpert khẳng định bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không. Nghe đến đây tôi cũng sợ lắm nhưng sau khi nghe bác sỹ tư vấn, nếu phát hiện bệnh nhân lao mới, bộ phận y tế thôn bản sẽ mời toàn bộ người nhà của bệnh nhân đi khám sàng lọc, làm xét nghiệm, tiêm thuốc để tìm ra các đối tượng mắc lao tiềm ẩn, kịp thời điều trị không để phát triển thànhh bệnh lao. Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị, sinh hoạt cách ly, phòng tránh nhiễm bệnh cho người khác. Tôi thấy rất yên tâm và làm theo hướng dẫn”, chị chị RCom H’Mit.

Khám sàng lọc miễn phí cho người dân

Nhằm hỗ trợ Gia Lai trong công tác phòng chống bệnh Lao, từ tháng 5/2022 với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và sốt rét, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã phối hợp cùng BV Lao và Bệnh Phổi Gia Lai thực hiện khám sàng lọc lao chủ động tại 22 xã thuộc 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông. Mục tiêu của dự án là chủ động sàng lọc, hỗ trợ chuyển gửi và hoàn thành điều trị ca bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người có nguy cơ mắc lao. Cùng với đó là nâng cao năng lực và củng cố mạng lưới cộng đồng phòng chống lao và hỗ trợ chuyển gửi hoàn thành điều trị. Thực tế kết thúc năm 2022, thông qua triển khai dự án đã phát hiện hàng trăm ca mắc lao. Đáng ghi nhận nhờ việc triển khai dự án nhiều người dân đã có cái nhìn khác về bệnh lao và có thêm động lực để điều trị tích cực bệnh lao.“ Nhà nghèo lắm, nên khi phát hiện bị lao cũng lo nhưng được dự án hỗ trợ mua thẻ BHYT nên mọi chi phí đều đã có quỹ BHYT lo. Quá trình điều trị ở nhà thì được các cộng tác viên của Mạng lưới cộng đồng phòng chống lao CSET hướng dẫn và tuyên truyền mình biết cái bệnh của mình phải điều trị lâu dài và cần phải tránh để không lây cho con cho cháu...Sau thời gian điều trị tích cực mình đã khỏi hoàn toàn bệnh lao", anh Kpă Chức xã IaMlah, huyện Krông Pa chia sẻ.

Còn từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức 30 cuộc sàng lọc lao miễn phí cộng đồng tại 26 xã của 03 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Pa của tỉnh Gia Lai, trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện. Trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, SCDI phối hợp cùng y tế huyện Krông Pa tổ chức 32 cuộc sàng lọc cộng đồng cho hơn 9.500 người dân, giúp phát hiện 112 ca mắc lao và 113 trường hợp lao tiềm ẩn.

Là y sỹ có nhiều năm gắn bó với công tác phòng chống lao, y sỹ Ksor Đhun, Trung tâm y tế huyện Krong Pa cho biết, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao nhưng có thể chữa khỏi, do đó việc thay đổi nhận thức của người dân về bệnh lao được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh.Từ thực tế địa phương, ông Ksor Đhun cho biết, đa phần người dân không biết đến bệnh lao thậm chí nhiều người bị mắc lao không biết mình vì vậy việc sàng lọc lao tại cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Chính vì vậy, việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân góp phần tiến tới chấm dứt bệnh lao rất có ý nghĩa.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh