THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:15

Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng

Bệnh nhân được tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết để điều trị bệnh kịp thời.

Bệnh nhân được tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết để điều trị bệnh kịp thời.

Theo bà Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), từ giai đoạn 2021 - 2025 không còn nguồn kinh phí để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2 cấp miễn phí cho người bệnh. Thay vào đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.

Nỗi lo vì không có thẻ BHYT

Biết mình mắc bệnh lao trong lần sàng lọc miễn phí từ sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao do SCDI triển khai trên địa bàn tại TP Vinh (Nghệ An), anh Nguyễn Văn L. địa chỉ tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh rất hoang mang vì không có thẻ BHYT. Được sự hỗ trợ từ dự án cũng như các tiếp cận viên anh đã có được tấm thẻ BHYT và được điều trị lao theo phác đồ.

Cũng giống như anh L, Minh Tuấn ở Hoàng Mai, Hà Nội mắc bệnh lao khi không có thẻ BHYT. Tuấn trở thành cậu bé mồ côi khi mới học lớp 4. Không người thân, không nhà cửa Tuấn trở thành cậu bé lang thang, tối đến ghế đá, vỉa hè là chỗ ngủ. Những vòi nước công cộng là nơi Tuấn có thể vệ sinh cá nhân. Tuấn phải tự kiếm sống bằng cách nhặt ve chai, đồng nát. Sinh ra có HIV, Tuấn được điều trị  tại Bệnh viện Nhi. Đến năm 18 tuổi  được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện 09 - nơi điều trị cho bệnh nhân HIV khó khăn nhất của thành phố.

Chia sẻ về hoàn cảnh của Tuấn, bà Nguyễn Thị Chắn, Tổ trưởng Mái ấm Hoàng Mai cho biết, Tuấn có chứng minh thư, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và điều trị bệnh miễn phí. Tuy nhiên, vì không người thân, không nhà nên Tuấn bị mất chứng minh thư, việc điều trị trở nên bập bõm. Với một người có HIV, việc không điều trị thuốc kháng virus đều đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị mắc các nhiễm trùng cơ hội, nhất là bệnh lao, và điều đó đã xẩy ra với Tuấn. Bệnh lao trên một người có HIV đã nặng hơn thông thường, thiếu ăn triền miên, Tuấn lại lâm vào suy kiệt khiến cho bệnh lao càng nặng hơn. Không có thẻ BHYT nên bà con lối xóm góp được 3 triệu mua thẻ BHYT và đưa Tuấn vào viện Phổi Hà Nội điều trị. Sau thời gian tuân thủ phác đồ điều trị Tuấn đã khỏe mạnh và ra viện tiếp tục đi lượm chai, nhựa để kiếm sống nuôi mình.

Vì mất giấy tờ tùy thân nên ông Nguyễn Văn Thêm, 65 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không mua được thẻ BHYT. Ông bị bệnh lao xương mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, tiền thuốc mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, mọi thứ đều trông chờ vào con cháu.

Nhờ chương trình sàng lọc lao miễn phí tại cộng đồng chị Thị Deo, Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Đăk Lăk đã phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao.

Nhờ chương trình sàng lọc lao miễn phí tại cộng đồng chị Thị Deo, Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Đăk Lăk đã phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao.

Đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT

Theo thống kê, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những “chi phí thảm họa” - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình.

Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động; khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6 - 8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Mặc dù từ tháng 7/2022, thuốc chống lao từ nguồn Quỹ BHYT được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Hiện, các nhà tài trợ đang chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh mua thuốc lao thành hỗ trợ mua thẻ BHYT. Trong một số năm đầu người bệnh chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, viện trợ hoặc từ ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, nhiều người chưa tiếp cận được chính sách BHYT do hoàn cảnh kinh tế cũng như thiếu giấy tờ tùy thân.

Trước những khó khăn của bệnh nhân lao, Trung tâm SCDI cùng  các tổ chức xã hội, đại diện ban, ngành, địa phương… đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ người yếu thế như: Tư vấn, tuyên truyền để bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT trong điều trị bệnh; ₫ối với người nghèo, chương trình triển khai tặng thẻ BHYT, tặng dinh dưỡng. Nhờ triển khai chương trình này rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị kịp thời và quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng, trong đó có những chính sách hỗ trợ để bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân lao… dễ dàng tiếp cận BHYT hơn.

Đây cũng là mong muốn của ông Thiêm, ông Liêm cùng nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao và mãn tính khác. 

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh