THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:24

Nhận thức “có tầm” về tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư”, nhấn mạnh chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp... tạo sản phẩm có quy mô lớn, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhận thức “có tầm” về tái cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 1.

Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững

Nâng cao vị thế nông nghiệp

Với mục tiêu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, từ đó nâng cao đời sống cho người dân, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo được thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Để đạt được điều này, tỉnh Quảng Ninh đã có hướng quy hoạch tổng thể và chi tiết tất cả các lĩnh vực ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

Đây là các quy hoạch có tính chiến lược của ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt kết hợp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, các địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất từng lĩnh vực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các quy hoạch được lập và phê duyệt đã trở thành công cụ quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong việc định hướng chiến lược phát triển của ngành theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực.

Đồng thời, kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất đai, diện tích mặt đất mặt nước cho quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

Ở lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị, đồng thời duy trì một tỷ lệ thích hợp các cây lương thực, đặc biệt là cây lúa, để đảm bảo an ninh lương thực; Đa dạng và chuyên canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực và phát triển theo vùng sinh thái, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Còn đối với tái cơ cấu vật nuôi được xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Chăn nuôi phát triển ổn định; Tổng đàn lợn, bò, trâu và gia cầm tăng nhanh.

Kết quả phát triển lâm nghiệp trong 5 năm tiếp tục là những thành tựu nổi bật, giá trị sản xuất theo giá hiện hành tăng từ 770,1 tỷ đồng năm 2013 lên 8.372,8 tỷ đồng; Độ che phủ rừng toàn tỉnh tăng từ 53% năm 2013 lên 54,8% năm 2019.

Trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 63.723 ha (trong đó 2.803 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 60.920 ha rừng sản xuất), trung bình mỗi năm trồng được khoảng 11.600 ha; trồng được gần 468,5 ha rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp; diện tích khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng trung bình mỗi năm trên 42.000 ha.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, Quảng Ninh khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển.

Cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch đúng hướng, khai thác thủy sản thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác vùng gần bờ: Đội tàu khai thác xa bờ tăng hơn hai lần so với năm 2013.

Nhiều sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đã có thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường (Ruốc hầu, mực ống Cô Tô, Sá sùng Vân Đồn, cua Quảng Yên..); Công tác quản lý nhà nước từng bước được tăng cường, tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ chế chính sách phát triển ngành ngày càng hoàn thiện, chủ quyền an ninh vùng biển đảo được giữ vững. Đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, nhiều hộ giàu lên từ nghề thủy sản.

Vị thế ngành nông nghiệp được nâng cao

Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của tỉnh, Đề án đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới; chương trình xây dựng NTM thu được nhiều kết quả tích cực mang tính đột phá; đời sống của nông dân được cải thiện đáng kể.

Hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

KHCN được ứng dụng nhiều trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất giống; vai trò của doanh nghiệp, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn chiếm vị trí quan trọng; tập trung phát triển thông qua các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và Chương trình mỗi xã phương 1 sản phẩm (OCOP).

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), đã có 196/421 sản phẩm tham gia Chương trình đạt từ 3 - 5 sao, thu hút được 168 tổ chức kinh tế tham gia chương trình, đã dán tem điện tử nhằm quản lý, truy suất nguồn gốc cho trên 90% sản phẩm; các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và các hội chợ OCOP được tổ chức thường niên; thu nhập của người dân khu vực nông thôn là 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019), tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,8%, người dân giảm nghèo bền vững; Chương trình OCOP của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc.

Công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện phân cấp ATTP trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản cho các địa phương.

Nhận thức “có tầm” về tái cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 2.

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là một bước tiến trong nền nông nghiệp phát triển

Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án 196 và Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với cách làm riêng, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương và các tỉnh ghi nhận, lựa chọn là mô hình để nhân rộng ra cả nước.

Đến nay có 72/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 64,9%; 5 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019), tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015.

Phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM” được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng và lôi cuốn sự nhập cuộc của người dân vùng nông thôn, sự chung sức của các tầng lớp xã hội.

Một số chương trình phát triển kinh tế đang được triển khai quyết liệt như: Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản; Công tác quản lý nhà nước từng bước được tăng cường, tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ chế chính sách phát triển ngành ngày càng hoàn thiện; Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chủ quyền an ninh vùng biển đảo được giữ vững. Đời sống nhân dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét.

Phải khẳng định, sau 5 năm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước vươn lên thành một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

LÊ THỊ THU HƯƠNG (Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh