THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:06

Nhân rộng những mô hình hiệu quả phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Nhiều mô hình hiệu quả

Hàng loạt mô hình hay trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được chia sẻ tại hội thảo. Đó là các mô hình: “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái”, “Người cha trách nhiệm”, “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực với phụ nữ”, “Phòng điền tra thân thiện trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan tới người chưa thành niên”, “Ngôi nhà bình yên”, “Ngôi nhà Ánh Dương”, “Trung tâm một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại”…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Chia sẻ về hiệu quả công tác huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Lương Thị Đạo cho biết: Tại thành phố Đà Nẵng, điểm nổi bật trong xây dựng mô hình và huy động lực lượng nam giới tại cộng đồng tham gia phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em chính là Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em”. Được thành lập thí điểm từ năm 2014 từ dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em” do UN Women hỗ trợ kỹ thuật, đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tại cơ quan Công an thành phố và các quận, huyện, nâng tổng số lên 21 Câu lạc bộ. Qua đó, tăng cường vai trò nam giới trong phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em, xây dựng được lực lượng cốt cán, tích cực trong việc tuyên truyền và hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực phụ nữ và trẻ em tại khu dân cư. Đồng thời, vận động nam giới trở thành những người tiên phong trong vận động phòng ngừa bạo lực, chung tay xây dựng thành phố an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Các diễn giả chia sẻ về các mô hình hiệu quả trong xóa bỏ bạo lực

Các diễn giả chia sẻ về các mô hình hiệu quả trong xóa bỏ bạo lực

Một trong những mô hình được duy trì hiệu quả, lâu dài là mô hình “Ngôi nhà bình yên”. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền, mô hình “Ngôi nhà bình yên” tại Việt Nam chính thức ra đời năm 2007, nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững. Khi đến với “Ngôi nhà bình yên”, người tạm trú được cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm: Nơi ăn, ở an toàn; khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tư vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống. Nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại tình dục sẽ được hỗ trợ trong 3 tháng và nạn nhân bị mua bán trở về sẽ được hỗ trợ trong 6 tháng. Tuy nhiên, nếu các điều kiện về an toàn và những vấn đề liên quan chưa được đáp ứng thì người tạm trí sẽ tiếp tục được gia hạn thêm thời gian hỗ trợ. Sau khi rời ngôi nhà bình yên, người tạm trú sẽ được hỗ trợ và theo dõi hồi gia trong vòng 24 tháng.

Các đại biểu chia sẻ về các mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới

Các đại biểu chia sẻ về các mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới

Sau 16 năm hoạt động, “Ngôi nhà bình yên” đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.644 người đến từ 56 tỉnh, thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số. Các trường hợp đến với “Ngôi nhà bình yên” thường bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội (trung bình 16 lượt/người); tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ pháp lý (trung bình 7 lượt/người) nhằm bảo đảm các quyền lợi về nuôi con, phân chia tài sản, làm lại các giấy tờ pháp lý… Hoạt động nâng cao quyền năng thông qua việc cung cấp kỹ năng sống và kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp thường xuyên (trung bình 4 lần/người); hơn 90% trẻ em được hỗ trợ theo học kịp thời, không bị gián đoạn việc học (trừ trường hợp trẻ bị mất an toàn khi đến trường); 70% phụ nữ chưa có nghề đã được học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân. 

Cùng hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Khẳng định cam kết cùng hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Năm nay, Chiến dịch đoàn kết toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư tài chính cho phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Trên toàn cầu, ước tính việc thực hiện các chương trình phòng ngừa và ứng phó nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở 132 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 sẽ cần tới 42 tỷ USD. Việc đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa bạo lực từ sớm không chỉ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và hộ gia đình, mà còn mang lại những lợi ích bền vững cho nền kinh tế”.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Thừa nhận tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam vẫn tồn tại, cả trong gia đình và ngoài cộng đồng, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Khánh Lương nhấn mạnh: “Một trong các giải pháp hữu hiệu là phải duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, vận hành hiệu quả Mạng lưới đối tác hành động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời, xây dựng và phát hành Danh bạ các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về cơ sở cung cấp dịch vụ. Thời gian tới, Vụ Bình đẳng giới sẽ phát huy công tác tham mưu chính sách, nghiên cứu, sửa đổi Luật Bình đẳng giới, bổ sung khái niệm, các hành vi bạo lực trên cơ sở giới, cơ chế tiếp nhận và xử lý các vụ việc… Cùng với đó là đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành liên quan; tham mưu ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”…

Thời gian tới, trên cơ sở đúc rút các bài học kinh nghiệm hiệu quả của các mô hình, công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mới, trong đó, chú trọng phát huy mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, gắn kết chặt chẽ giữa bệnh viện - trung  tâm công tác xã hội, kịp thời tư vấn, cung cấp gói dịch vụ phù hợp trợ giúp kịp thời cho các nạn nhân trong việc nhận diện, ứng phó với các hành vi bạo lực, xâm hại, đồng thời, chủ động can thiệp và trợ giúp khẩn cấp đối với bệnh nhân của bạo lực nhưng không có khả năng tự bảo vệ bản thân, giúp giải cứu bệnh nhân./.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh