Nhân năm Sửu nói về các giống Trâu trên thế giới
- Văn hóa - Giải trí
- 14:31 - 11/02/2021
Tuy nhiên, trâu cũng có nhiều giống trâu khác nhau, được đặc trưng bằng màu sắc lông da và hình dạng cặp sừng. Trâu có ở Châu Á, Phi, Mỹ la tinh và cả châu Âu. Trâu được thuần hóa từ trâu rừng vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên. Ở châu Á có 3 loại trâu rừng đó là trâu Anoa, trâu Tamarao và trâu Arnee. Song, chỉ có trâu Arnee được thuần hóa thành trâu nhà, hai loại kia vẫn sống hoang dã.
Trâu Arnee có nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam, Lào và Campuchia. Chúng sống thành từng đàn lớn, gắn bó chặt chẽ với nước và dầm mình suốt ngày. Đây là loại trâu lớn, cao tới 1,4m, nặng gần 1.000kg. Lông da màu đen xám, xám sẫm hoặc nâu sẫm, sừng rất lớn, gốc sừng cách xa nhau, cong ra phía ngoài, tạo với xương sọ thành một góc 1300, uốn cong hình lưỡi liềm, chóp sừng hướng vào trong. Còn trâu Anoa là loại trâu nhỏ chỉ có ở đảo Celebes (Indonesia), sống đơn độc hoặc từng đôi, có sừng ngắn, chĩa thẳng về phía sau. Riêng trâu Tamarao, chỉ thấy ở đảo Mindoro thuộc Philippines, cũng là loại trâu nhỏ, màu sám đen hoặc nâu sẫm, sừng ngắn và khỏe, tạo với xương sọ một góc 60-700, sừng chỉ hơi cong, chóp sừng hơi vòng vào trong. Chúng sống trong các rừng tre nứa rậm rạp hoặc vùng đầm lầy thành từng đàn nhỏ. Hiện nay chúng còn rất ít.
Đặc biệt trâu nhà ở vùng Đông Nam Á rất gần với trâu rừng và rất giống nhau về hình dáng. Sự giống nhau đó được duy trì vì thường có sự giao phối giữa trâu nhà và trâu hoang trong các vùng núi. Chỗ sống tự nhiên của chúng là các đầm lầy hoặc các bãi sình, vì vậy được gọi là trâu đầm lầy (Swamp Buffalo). Trái lại, trâu của Ấn Độ, Pakistan được gọi trâu sông (Riverine Buffalo) vì chúng thường sống ở vùng có sông ngoài và ưa tắm giữa dòng nước sạch.
Trâu đầm lầy ở Đông Nam Á không dùng để sản xuất sữa nhưng chúng cũng được vắt sữa. Ở Penang, Kedah của Malaysia, ở Philippines hay Indonesia người ta đều vắt sữa trâu này tại các hộ nông dân và họ tự sản xuất một loại pho-mát mềm, rất ngon. Trái lại. Trâu Ấn Độ, Pakistan (trâu sông) là những giống trâu sản xuất sữa nổi tiếng thế giới. Những giống trâu này cũng thấy ở Tây nam Á và Đông Nam Âu.
Ở Châu Đại Dương, chỉ có Úc là nuôi trâu để lấy thịt, họ nhập trâu ở miền Timor (Indonesia) từ năm 1824, đó là loại trâu đầm lầy. Nó phát triển rất nhanh ở vùng đồng cỏ hoang vu vùng cực Bắc nước Úc có khí hậu nhiệt đới. Nhiều trâu được thả rông và trở thành trâu hoang vì không có người quản lý. Những trâu hoang này bị săn bắn để khai thác da. Ở vùng Cận Đông và Đông Nam Âu, loại trâu chủ yếu là trâu sông, sống rải rác ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irắc, Bungari, Ý, Hy Lạp và các nước Bắc Caucasus của Liên Xô cũ như Azerbaizan, Dagestan. Trâu Irắc sống ở các đầm lầy phía Đông Nam nước này. Lông da màu xám tuyền, số ít màu hung đỏ, đốm trắng ở đầu, chân, đuôi là rất phổ biến. Một số trâu có những loang trắng ở mình. Ở Châu Mỹ, chỉ có Braxin là phát triển nuôi trâu. Các giống trâu sữa đều nhập từ Ấn Độ, chủ yếu là trâu Murrah và Jafarabadi. Giống trâu địa phương của Brraxin là trâu Preto để lấy sữa và trâu Rosilo để lấy thịt. Chúng sống ở vùng châu thổ sông Amazon. Trong các nước vùng Caribê, chỉ có Triniđa nuôi trâu để cày bừa ở các đồn điền trồng mía và Guana nuôi trâu để kéo gỗ. Ở châu Phi chỉ có Ai Cập là có trâu nuôi. Họ có hai giống: trâu Beheri nuôi ở miền Nam và trâu Saidi ở miền Bắc. Giống Beheri to con, cho sữa tốt; giống Saidi nhỏ con, ít sữa, cày kéo khỏe.
Như vậy con trâu sống ở khắp các châu lục nhưng gần 90% trâu sống ở châu Á, trong đó Ấn Độ là "vương quốc" tuyệt vời của con trâu, có sản lượng sữa trâu và thịt trâu lớn nhất thế giới. Đối với nghề rừng ở nước ta, trâu là một con vật quý, nó kéo gỗ rất khỏe, trên những con đường chật hẹp, lầy lội trong rừng một cách dễ bảo. Khí hậu ẩm thấp của rừng nhiệt đới không mảy may ảnh hưởng đến sức khỏe của nó.
Cho đến nay, người ta thường đánh giá thịt trâu chưa thật chính xác. Phần lớn cho rằng thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Nguyên nhân chính có thể là: Ở những nước nông nghiệp cần sức kéo, người ta chỉ giết thịt khi trâu đã già, không còn lao động được nữa; lúc đó trâu khoảng 15-20 tuổi, thịt dai và thô. Công bằng mà nói, thịt trâu tơ không kém thịt bò. Thịt trâu có nhiều protein, phốt-pho, sắt hơn thịt bò, nên người ta thích ăn thịt trâu tơ hoặc nghé. Nhiều nước ăn thịt trâu khô, hun khói hay ướp muối, làm xúc xích.
Da trâu là một nguyên liệu quý cho công nghiệp. Da trâu thuộc rất bền và có sức đàn hồi lớn, thường được dùng làm dây cua-roa và các loại dây công nghiệp khác, làm vali, mũi giày, đế giày, v.v… Sừng, móng và xương trâu dùng sản xuất lược, ống điếu, thìa, nỉa, cúc áo, cán dao và nhiều đồ trang sức khác, đặc biệt đây còn là những loại phân bón quý cho nông nghiệp. Người ta còn dùng sừng trâu để sản xuất keo dính và mực tàu, mở trâu làm nến, xà phòng và xi. Ngoài ra, người ta còn dùng trâu để sản xuất vắc xin phòng bệnh đậu mùa. Con người đã nhận biết được rằng "ngưu đậu" là đậu mọc trên cơ thể trâu, bò không độc bằng đậu mọc trên cơ thể người. Các nhà dịch tể học đã dựa vào phát minh của nhà khoa học người Anh để trích lấy mủ "ngưu đậu" nhân giống vi trùng đậu, tạo thành vắc xin đậu mùa, rồi chủng lên cơ thể người, tạo ra cơ chế miễn dịch giúp con người đủ sức chống lại sự thâm nhập gây thành dịch của vi trùng bệnh "đậu mùa".
Từ đó cho thấy vai trò kinh tế của trâu rất quan trọng đối với đời sống con người. Vì vậy mà nghề nuôi trâu đã từ lâu phát triển rất mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là ở Indonesia, quốc gia quần đảo bao gồm 3.000 đảo xanh tươi mầu mỡ như một chuỗi ngọc, dọc đường xích đạo. Mặc dù nguồn gốc dân tộc Indonesia còn chưa được biết đầy đủ, sự pha trộn chủng tộc phức tạp của nó là kết quả của nhiều chuyến di dân trong một thời gian dài từ lục địa châu Á đến vẫn có một mối liên hệ chung giữa các dân tộc khác nhau như người Batak và người Minang Kabaus trên đảo Sumatra với người Toradjas trên đảo Salawesi. Tất cả đều thờ cúng tổ tiên và đều tôn vinh CON TRÂU NƯỚC như một biểu tượng lớn có vai trò thực sự trong cuộc sống thường ngày của họ. Như vậy, con trâu, con vật lao động cật lực của người châu Á, với người Batak, Minang Labaus và Toradjas còn gắn với các nghi lễ tôn giáo và nghệ thuật đân tộc.