THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:29

Nhân lực - Nút thắt để ngành nông nghiệp “bùng nổ” trong thời đại 4.0

Bộ NN&PTNT cho biết, trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này.

Nhân lực – Nút thắt để ngành nông nghiệp “bùng nổ” trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Đào tạo chất lượng nhân lực ngành nông nghiệp.

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp dự kiến sẽ hình thành 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, khoảng 300 sản phẩm chủ lực cấp vùng và 2.500 sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, sản phẩm OCOP. Tăng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50.000 doanh nghiệp hiện nay lên 80.000 - 100.000 doanh nghiệp vào năm 2030. Tương tự, nâng số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả lên 30.000 hợp tác xã, 100.000 trang trại và tổ hợp tác vào năm 2030...

Để thực hiện được những mục tiêu này, việc đầu tiên là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông – lâm - ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. 

Không những vậy, lao động nông nghiệp đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng nguồn nhân lực trong nông nghiệp với tỷ trọng khoảng 46% chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Trong khi đó, một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện... 

Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

V.KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh