Nhân lực ngành du lịch: Thiếu và yếu
- Văn hóa - Giải trí
- 18:17 - 15/05/2019
Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp:
Theo GS.TS. Đào Mạnh Hùng-Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 43% tổng số lao động du lịch. Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 30% trong tổng số lao động và hơn ½ lao động làm việc trong khu du lịch không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động Du lịch ở Việt Nam bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan. “Có thể thấy, cái thiếu của Việt Nam không phải là nhân lực phổ thông mà là nhân lực chất lượng cao”-GS.TS.Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh
Hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2017, Việt Nam đứng trong top 20 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Đến năm 2025, ngành du lịch dự kiến đóng góp trên 10% GDP và mang lại thu nhập cho 6 triệu lao động. Để đạt mục tiêu này ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động có tay nghề và chuyên môn.
GS.TS Đào Mạnh Hùng-Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.
Về đạo tạo nhân lực ngành du lịch, các nhà khoa học cũng chỉ ra những thách thức trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên học viên. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng. Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững
“So với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đên chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp”-GS.TS. Đào Mạnh Hùng chỉ rõ.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch:
Trước thực trạng về nhân lực du lịch nêu trên, các nhà khoa học tại hội thảo chỉ ra rằng, để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đồi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực.
Nhiều giải pháp về đào tạo nhân lực du lịch thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 được các nhà khoa học đặt ra tại hội thảo. TS. Nguyễn Văn Lưu-Nguyên Vụ phó vụ đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, lĩnh vực chủ yếu tạo nguồn và có ảnh hưởng quyết định trực tiếp chất lượng nguồn nhân lực chính là công tác giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch.
Vì vậy, trước tiên cần phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo. Chú trọng mở rộng đào tạo trình độ đại học và sau đại học tại các cơ sở du lịch hiện có. Mặt khác mở rộng phát triển giáo dục nghề nghiệp du lịch. Đầu tư mọi mặt cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhà trường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch, công lập, ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa cho rằng, các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao. Hệ thống đào tạo cả nước cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch, một số nội dung cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành, nâng cao cơ sở vật chất đào tạo.