THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 11:07

Nhân lực chất lượng: “Điểm nghẽn” lớn của ngành du lịch

 

Nhân lực du lịch “cao thiếu, yếu thừa”.

 

Nhân lực “cao thiếu, yếu thừa” 

Từ năm 1990 đến năm 2017, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 52 lần, khách nội địa tăng 72 lần. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng năm luôn duy trì ở mức 30% - con số khiến nhiều quốc gia ghen tị. Thậm chí năm 2017, du lịch Việt Nam vinh dự xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới.

Khách tăng, nhưng doanh thu du lịch chạy dài so với các quốc gia láng giềng. Cụ thể, năm 2017, du lịch Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, quá khiêm tốn so với 12,6 tỷ USD của Indonesia, 18,4 tỷ của Singapore và 52,5 tỷ USD của người láng giềng Thái Lan.

Nguyên nhân không chỉ là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít hơn các nước trong khu vực, mà còn vì chi tiêu của khách ở Việt Nam cũng “tiết kiệm” hơn. “So với Thái Lan, số ngày khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam không hề kém cạnh (9,5 ngày ở Việt Nam và 9,6 ngày ở Thái Lan), song khách đến Việt Nam chi vỏn vẹn có 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD, trong khi Singapore là 325 USD”, ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Anh chia sẻ.

Không chỉ đau đầu, làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn, vấn đề nhân lực cũng được quan tâm không kém. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Giảng viên Chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: Tình trạng đào tạo lệch chuẩn khiến nhân lực ngành du lịch luôn trong tình trạng “cao thiếu, yếu thừa”. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn đang cản đường doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, theo nhận định của các chuyên gia.

“Có vị giám đốc doanh nghiệp từng chia sẻ, vì kiên trì với mục tiêu xây dựng chuỗi nhà hàng, khách sạn với 100% nhân sự Việt Nam mà doanh nghiệp này phải "vơ bèo gạt tép” để tìm nhân sự. Những nhân sự mới ra trường hiện nay phần lớn là chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông. Điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực”, ông Thành cho biết.Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch 3 năm qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu chia cho tổng lao động tham gia vào ngành này thì tăng trưởng năng suất khá thấp. “Con số này không chỉ so với ngành du lịch các nước khác mà thấp hơn cả nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam. Thực tế, năng suất lao động trong ngành du lịch chỉ cao hơn so với lao động phổ thông”, ông Thành nói.

Thiếu đào tạo thực tiễn

Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên là ở khâu đào tạo cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... hiện đang đi vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ, thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch, thiếu đào tạo thực tiễn. Nếu như tại nhiều trường quốc tế, tỉ lệ giữa học lý thuyết và thực hành là 50 - 50 thì tại Việt Nam lại quá ít ỏi với 2 kỳ thực tập trong 4 tháng. Việc không nhất quán này dẫn đến có hơn 90% sinh viên ngành du lịch thiếu đi những kỹ năng cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, cần chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) phân chia theo 10 nhóm ngành du lịch. Hiện, chúng ta đã xây dựng được, nhưng thách thức là phải cải tiến và bắt kịp với những chuẩn mực nghề du lịch ở các nước trên thế giới. Đồng thời, cần khuyến khích xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn chuyên sâu chuẩn bị cho người lao động vào ngành du lịch và đào tạo mở.

Theo bà Đặng Bích Thọ, Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours, xu hướng đào tạo nhân lực cần gắn với những đổi mới trong công nghệ thông tin. Thay vì dùng ngân sách tài trợ cho chương trình của các trường, chúng ta có thể kết hợp với khu vực tư nhân, cả các công ty du lịch, trường đào tạo. Đặc biệt là các công nghệ để xây dựng trung tâm phát triển đào tạo nhân lực trực tuyến dựa vào công nghệ thông tin nhưng lại mang tính mở.

Hiện với sự xuất hiện của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với tiêu chuẩn chuyên môn cao, lao động đã được đào tạo chuyên nghiệp từ các tập đoàn này. Nhiều tổ chức tích hợp và giới thiệu chương trình đào tạo của các tập đoàn như vậy vào giáo trình đào tạo tại trường của mình. Đây là hướng đi tích cực, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa, cũng như liên kết mật thiết hơn với các doanh nghiệp, tập đoàn để đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp du lịch Việt thực sự “cất cánh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thanh Nhung - Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh