Nhân lực chất lượng cao khi hội nhập ASEAN: Cạnh tranh gay gắt
- Bài thuốc hay
- 18:26 - 10/08/2017
Cơ hội lớn cho lao động, giáo dục nghề nghiệp
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), hợp tác lao động trong ASEAN được thực hiện trên các lĩnh vực như: Phát triển nguồn nhân lực; Lao động di cư; Tăng cường hệ thống thông tin thị trường lao động; Quan hệ lao động; An toàn vệ sinh lao động; Thanh tra lao động. Trong quá trình hợp tác, Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực các hoạt động chung của khu vực cũng như chủ động đưa ra các ưu tiên hợp tác, đề xuất các sáng kiến mới, đồng thời triển khai các sáng kiến quốc gia một cách có trách nhiệm.
Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất sẽ được tạo ra, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài. Việc lao động qua đào tạo sẽ được di chuyển tự do thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 ngành nghề, gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát/thăm dò, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch. Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia có trình độ từ đại học trở lên, thợ lành nghề), thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được di chuyển tự do hơn. Như vậy, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ có nhiều cơ hội để lĩnh vực lao động và giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển hơn.
Có thể nói, cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao. Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tiếp tục những nỗ lực của mình để thúc đẩy sự linh hoạt khu vực và công nhận lẫn nhau về chất lượng nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng. Theo dự báo của ILO, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 10,5% vào năm 2025. Trong đó, các ngành có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.
Ảnh minh họa
Điều đáng nói là lao động không có kỹ năng sẽ không được di chuyển tự do, với quy định này, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN và đây là áp lực buộc phải đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Do vậy trong dài hạn Việt Nam chắc chắn có sự chuyển dịch lớn về tỷ trọng lao động qua đào tạo. Khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, quy định cũng như các đạo luật khác trước hết để thích nghi đồng bộ với quy định về lao động của các nước trong ASEAN.
Cần nhìn thẳng vào năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận lực lượng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, trình độ CMKT của người lao động còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn quốc đạt 6,91; Ấn độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94...
Thứ hai, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập và có nguy cơ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo quy luật những người lao động trực tiếp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp. Khi Công đồng kinh tế ASEAN thành lập, chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 nhóm ngành nghề trên thì so với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động các nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) tổng số lực lượng lao động. Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ.
Có thể nói, cơ hội việc làm khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN chỉ đến với những lao động có kỹ năng và tay nghề, do vậy đối với những lao động giản đơn không thể tiếp cận việc việc làm. Đương nhiên lao động ở các nước khác thuộc Cộng đồng kinh tế ASEANcũng phải biết tiếng Việt mới vào cạnh tranh việc làm với lao động trong nước nhưng theo các chuyên gia, nếu chính người lao động trong nước không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thứ ba, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo đánh giá của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 2/5 so với Thái Lan và 1/5 so với Malaysia. Các nước láng giềng Indonexia, Philippines có năng suất cao hơn Việt Nam từ 1,8 đến 2,7 lần. Nguyên nhân là do các quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, vậy nên có năng suất lao động chung thấp hơn.
Thứ tư, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp (dưới 50% tổng số lao động), chỉ số phát triển con người khá thấp so với các nước ASEAN và không cao hơn đáng kể. Thứ năm, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Ngoài ra, vấn đề kỹ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục. Thứ sáu, có đến gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế ASEAN khác...
Việc gia nhập Cộng đồng AEC sẽ tạo áp lực lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Điều đó cho thấy cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam giữa lao động của ta và lao động các nước sẽ diễn ra rất quyết liệt. Hi vọng, việc nhìn thẳng vào những hạn chế của lao động Việt Nam sẽ tạo nên sự thay đổi. Và chắc chắn, Cộng đồng ASEAN sẽ tạo nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực lao động, giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...