CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:22

Đường nhỏ đã thành đại lộ

 

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7.  Ảnh: TTXVN

1. Mười năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam (tháng 4/1975) tôi dường như vẫn không thấy một tín hiệu nào có thể nghĩ đến một ngày nào đó quan hệ Việt Nam và Mỹ, hai kẻ cựu thù trong một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm lại trở lại bình thường và tốt đẹp.

Khi đó chính quyền Mỹ đặc biệt dị ứng với Việt Nam về vấn đề giúp đỡ và hỗ trợ Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và đặc biệt những người lính của Việt Nam còn ở lại Campuchia, trở thành vấn đề quốc tế, ngăn chặn mọi giải pháp bình thường hóa quan hệ dù nhiều người Việt Nam đã phải tạm quên đi vấn đề hài cốt của những người lính hy sinh trong chiến tranh tại rất nhiều cánh rừng nơi chiến trường cũ để tập trung tìm hài cốt người lính Mỹ (MIA).

Vào khoảng những năm 1987, 1988, chúng tôi được biết có một số nhà văn Mỹ đã tìm đến Việt Nam. Họ là những cựu binh đã từng chiến đấu sống còn tại chiến trường Việt Nam trước đây, họ khao khát trở lại trong nỗ lực của nhận thức mỏng manh mà họ nhận được những ngày tham chiến là người Việt Nam dẫu phải cầm súng nhằm bắn thẳng vào kẻ thù nhưng trong trái tim vẫn ngời sáng và cháy bỏng giấc mơ muốn làm bạn với tất cả. Đó là các nhà văn thuộc trung tâm Wiliam Joiner thuộc Đại học Massachusetts ở Mỹ: Kevin Bowen, Fred Marchant… 

Rồi sau đó, Lê Lựu - nhà văn Việt Nam đầu tiên cũng là một cựu binh chống Mỹ sang nước Mỹ theo lời mời của trung tâm Wiliam Joiner. Trước đó ông đã có một cơ duyên hợp tác trong việc làm phim với Ngụy Ngữ và Hồ Quang Minh. Tiếp tục sau đó là các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Thiều… Sau những chuyến đi của họ là những câu chuyện rất sinh động thể hiện sự hòa hiếu giữa những người đối lập trên chiến tuyến năm xưa. Dù còn đầy những trở lại, thậm chí phản đối gay gắt, của những phần tử chống đối việc mở ra quan hệ Việt-Mỹ tại nước Mỹ nhưng tôi đã bắt đầu tin rằng, sẽ có ngày Việt - Mỹ sẽ trở lại quan hệ bình thường như những quốc gia khác đã từng có chiến tranh với Việt Nam trong quá khứ.

Sau những nhà văn đầu tiên này thì rất nhiều các nhà văn khác của Mỹ đã tới Việt Nam và rất nhiều nhà văn, nhà báo, văn nghệ sỹ Việt Nam đã được mời sang Mỹ theo nhiều kênh khác nhau. Tôi cũng đã được làm khách mời thăm Mỹ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng một đoàn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo: Dạ Ngân, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Vinh… Chúng tôi đã có những cảm xúc và ký ức mới thật đẹp đẽ và đều mong sẽ có ngày được trở lại nước Mỹ hay được đón những người bạn Mỹ tại đất nước của mình…

Tổng bí thư tặng quà lưu niệm cho cựu tổng thống Mỹ. Ảnh: TTXVN

2. Buổi chiều ngày 11/7/1995, tôi có cơ duyên được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Phủ Thủ tướng. Cuối buổi sáng hôm đó Thủ tướng đã lên truyền hình trực tiếp phát biểu truyền tải thông điệp về Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố trước thế giới về việc bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Ông Kiệt dường như đang còn rất tâm đắc với những cảm xúc sau phát biểu cuối buổi sáng trên truyền hình và kể cho tôi nghe câu chuyện: Một ông nông dân ở Đồng Nai sau khi nghe phát biểu của Thủ tướng trên truyền hình đã gọi điện về văn phòng Thủ tướng chia sẻ niềm vui…

Lúc đó, Thủ tướng đang trên đường từ đài truyền hình về nơi làm việc, thư ký đã ghi lại số điện thoại của người nông dân này. Đầu giờ chiều Thủ tướng đã gọi điện lại cho người nông dân. Hai người Việt Nam, một người đứng đầu Chính phủ, một người là nông dân ở một tỉnh phía nam đã cùng chúc mừng nhau về việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, là một hình ảnh đẹp về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Tôi đã kể lại câu chuyện này trên báo. Sau đó cả buổi chiều Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể chuyện cho tôi nghe về những mất mát của cá nhân và gia đình ông trong chiến tranh chống Mỹ: Vợ và hai người con nhỏ của ông đã chết trong chuyến tàu đi dọc sông Sài Gòn bởi một trận càn quét của trực thăng Mỹ. Xác của vợ con ông cùng với bao nhiêu người dân khác vẫn còn nằm đâu đó không thể tìm thấy dưới sâu hút dưới bùn cát đáy sông Sài Gòn.

Đứa con trai cả của Thủ tướng cũng đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Khu 9 ngay trước khi hiệp định Paris được ký kết (1973). Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một chính khách hàng đầu có công trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cùng với nỗ lực của rất nhiều vị khách khác như Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Mạnh Cầm, Lê Mai, Lê Văn Bàng... 

3. Tháng 6/2015, bà chị cả của vợ tôi, một cán bộ viên chức bình thường nghỉ hưu, đã cùng chồng đi thăm nước Mỹ theo một tour du lịch. Khi trở về rồi, bà chị nói: “Chị không nghĩ có một ngày, người bình thường như chị lại được đến nước Mỹ”. 

Teresa cùng các nhà văn, nhà thơ (từ phải qua): Nguyễn Quang Thiều, Hải Đường, Đàm Khánh Phương, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Sĩ Đại.

Mới đây, tôi có thêm một người bạn mới trở về từ nước Mỹ. Đó là Teresa Chúc Tuệ Mỹ. Cô là một nữ nhà thơ trẻ đang sống tại Mỹ. Cha cô là một quan chức có hạng trong bộ máy chính quyền Sài Gòn, sau chiến tranh ông đã từng ở trong trại cải tạo 9 năm. Teresa cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam cách đây 37 năm, khi cô mới 2 tuổi. Ký ức kinh hoàng trên chiếc thuyền giữa biển đêm mịt mùng ngày di tản đã đối lập hoàn toàn với cảm giác yên bình, vui tươi và chia sẻ khi Teresa trở lại và gặp gỡ những con người ở Việt Nam hôm nay.

Cô đã viết nhiều thơ và ghi chép về chuyến trở lại đất nước chôn rau cắt rốn như mơ của mình. Cô đã đi nhiều nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Vũng Tàu và đã đến cả nhà tù Côn Đảo. Qua email cô kể cho tôi biết là cha cô rất vui mừng với chuyến trở lại quê hương của con gái. Bà chị của tôi cũng như Teresa là những thí dụ trong muôn ngàn những người Việt Nam và Mỹ đang đi đến, trở về, qua lại giữa hai đất nước một thời nhìn nhau qua họng súng. 

Con đường bang giao Việt - Mỹ nay đã trở thành đại lộ bắt nguồn từ sự tôn trọng có từ nhiều thế kỷ trước đây. Ngay từ Lễ quốc khánh đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) đã trích dẫn từ bản tuyên ngôn bất hủ của nước Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng viết thư cho những người bạn Mỹ để tìm kiếm sự chia sẻ với chính quyền công - nông non trẻ giai đoạn đầu chuẩn bịp thành lập.

Có rất nhiều con đường nhỏ kết nên tình bang giao, trong đó các nhà văn, nhà báo, các nghệ sỹ, các nhà văn hóa… cũng đã đóng góp bằng tình yêu, sự nhạy cảm để mở ra một lối đi. Những con đường nhỏ ấy đã hợp lại để thành đại lộ giao thương hôm nay và tương lai vì sự phát triển và thịnh vượng của hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.

NGUYỄN THÀNH PHONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh