THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:19

Nhãn đi Mỹ: Con đường đầy khó khăn?

 

Khó ngay từ bước đầu !

Năm 2015, lần đầu tiên người nông dân trồng nhãn ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được đi học tập huấn về quy trình trồng và sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mặc dù, nhãn đã sắp vào vụ, thế nhưng vẫn còn rất nhiều hộ nông dân tỏ ra băn khoăn và lung túng với việc sản xuất theo đúng quy trình này.

Nhà có gần 1,2 ha nhãn, trong đó có gần 30 gốc nhãn được quy hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn mới. Bà Bắc đang tỏ ra lúng túng với việc sử dụng thuốc trừ sâu nào cho hợp lý và phù hợp với quy trình.

 

Quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân không biết nên lựa chọn loại nào cho phù hợp

Theo tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ, người nông dân không thể sử dụng một số thuốc trừ sâu độc hại như trước, nhưng trong các buổi đi tập huấn thì bà Bắc cùng người nông dân ở Khoái Châu chưa nắm bắt được thông tin về các loại thuốc trừ sâu nên dùng cũng như họ đều không biết mua chúng ở đâu và sử dụng liều lượng như thế nào cho hợp lý.

“Chỉ mỗi việc tìm thuốc trừ sâu thôi, tôi đã thấy khó khăn lắm rồi chứ chưa nói cho đến lúc, từ nay cho đến lúc quả nhãn được sang bên Mỹ”-bà Bắc than thở.

Ông Trịnh Văn Thịnh – Chủ tịch hợp tác xã nhãn lồng Hồng Lam chia sẻ, toàn xã có 180 ha nhãn, trong đó có 10 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn đi Mỹ. Sản xuất theo tiêu chuẩn này, người nông dân phải theo dõi sát sao, ghi chép nhật ký hằng ngày. Thế nhưng, trong cách ghi chép của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế còn lúng túng vì lý thuyết khác với thực tế.

 

 

Việc chăm sóc nhãn cho đạt tiêu chuẩn để xuất Mỹ đòi hỏi kỹ thuật cao cùng sự chăm sóc sát sao

“Tôi đã nhiều lần đề nghị trong các cuộc hội thảo, ở tỉnh cũng như ở huyện yêu cầu các cán bộ cử người có kinh nghiệm xuống tận vườn để hướng dẫn tại bà con, nhưng mà, tới nay chưa thấy động tĩnh gì” -ông Thịnh cho biết.

 Khó khăn chồng chất khó khăn !

Bà Bắc cho biết, năm nay vườn nhãn nhà bà thiệt hại gần 80% , bà cho rằng lý do dẫn tới việc này là do tại thời điểm nhãn ra hoa, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, cụ thể có nhiều trận mưa axít, dẫn đến việc nhãn không đậu quả như  ý. 

Ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội nông dân xã Hàm Tử cho biết, từ khi được cấp mã vùng và có kế hoạch triển khai xây dựng vùng nhãn xuất khẩu, địa phương chủ trương triển khai điểm, nếu thành công sẽ cho các hộ còn lại đến tham quan, học tập nắm bắt thực tế sẽ hiệu quả hơn là thực hiện dàn trải. “Tôi chưa biết quy trình xuất khẩu sang Mỹ như thế nào. Nếu các doanh nghiệp đánh đồng, mua cùng một loại giá với nhãn ở TP. Hưng Yên thì chúng tôi sẽ không chấp nhận vì chất lượng cũng như giá thị trường nhãn Hàm Tử hàng năm luôn cao hơn gấp 1,5 lần so với các loại nhãn khác” – ông Thế nói.

 

Những cơn mưa axit mang tạp chất bẩn trong luc lúc nhãn đang trổ hoa khiến cây không đậu được quả

Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, năm 2015, Hưng Yên có khoảng 3.000ha nhãn, với sản lượng ước đạt khoảng trên dưới 35.000 tấn. “Vụ nhãn năm nay, thị trường Mỹ đã mở cửa cho sản phẩm nhãn của Việt Nam, đây là tín hiệu rất đáng mừng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức do sản phẩm trong nước vẫn được bà con sản xuất theo cách truyền thống, khi áp dụng quy trình mới này vào sản xuất để có sản phẩm xuất khẩu sẽ còn gian nan, nên chắc chắn sẽ chưa xuất khẩu sang Mỹ được nhiều, mà vẫn tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính”- bà Chải nhấn mạnh.

Bà Chải cho biết thêm, ở hai vùng nhãn được quy hoạch xuất khẩu tại TP.Hưng Yên và huyện Khoái Châu sau khi triển khai thực hiện, trung bình mỗi tuần đều có cán bộ trạm Bảo vệ thực vật xuống kiểm tra hai lần ở nhà các hộ, đến nay theo báo cáo, phần lớn các hộ đều thực hiện và chấp hành tốt quy định, chỉ có một số hộ còn lúng túng, mù mờ về cách làm đang tiếp tục được cán bộ cơ sở hướng dẫn lại.

Trịnh Huệ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh