CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Nhàn đàm về tên đường

Tối 3/1 trong chương trình thời sự của VTV có đưa tin TP Hồ Chí Minh quyết định lấy tên các văn nghệ sĩ như Xuân Quỳnh, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Diệp Minh Tuyền, Thanh Nga, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu… và tên của 23 Mẹ Việt Nam anh hùng đặt tên đường. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt tên cho một tuyến đường tại quận 9 TP Hồ Chí Minh- Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, năm  2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố có nhiệm vụ, thông qua hội đồng tư vấn, lập ngân hàng tên đường, phố, lên danh mục các đường, phố cần đổi tên hoặc đặt tên mới và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình HĐND xem xét thông qua... Đó là văn bản pháp quy tương đối chặt chẽ, không thể hiểu sai và lấy đó làm cơ sở ngụy biện cho việc xuất hiện tên đường, phố không phù hợp quy định hiện hành.
Còn ở thế giới theo như sự hiểu (còn ít ỏi) của mình thì tôi biết một số nước như Mỹ, Anh thường đặt tên đường phố bằng cách đánh số, rất hiếm đường phố đặt bằng tên các danh nhân. Có một số nước châu Á đặt tên đường bằng các loài hoa. Trung Quốc đặt tên đường bằng rất nhiều hình thức vv và vv… Mỗi quốc gia lựa chọn cách đặt tên đường phố dường như để phù hợp với nếp nghĩ/văn hóa của dân tộc mình là chính cho nên đánh giá cách này hay cách kia dở có thể nói là hoàn toàn không nên. 
Trở lại việc đặt tên đường của Việt Nam sau năm 1975. Tạm tính mốc thời gian trong gần 40 năm qua. Chục năm đầu ngoài những tên danh nhân, anh hùng của dân tộc đã được sử dụng qua các thời kỳ lịch sử thì đường phố còn được đặt bằng tên các anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…ví dụ Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám, Mẹ Suốt, Phan Đình Giót… . 

Đoàn gia đình nhà văn Kim Lân chụp hình lưu niệm
trên phố Kim Lân- phường Kinh Bắc, Bắc Ninh - Ảnh Tuổi trẻ

Chục năm sau nữa, người ta đặt tên đường ở TP Hồ Chí Minh bằng tên những người có đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước ví dụ như Lê Văn Sỹ (Bí thư Thành ủy Sài Gòn) , Lê Thị Riêng (Anh hùng LLVTND) , Nguyễn Văn Bình (Tổng Giám mục tổng giáo phận Sài Gòn). Có lẽ cũng chẳng cần phải băn khoăn vì những cái tên đó rất xứng đáng được tôn vinh. TP Hồ Chí Minh lại còn rất thông minh khi đặt tên hai còn đường đối nhau trước Dinh Độc lập, một bên là Alexandre de Rhodes người khai sinh quốc ngữ VN, một bên là Hàn Thuyên người phổ biến, phát triển chữ Nôm ở Việt Nam. Thật nhã biết bao. 
Và mới đây, có chuyện tranh cãi kịch liệt khi tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được quyết định đặt cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh vì các nhạc sĩ “cách mạng” cho rằng như thế là không công bằng với những nhạc sĩ tên tuổi khác đã có cống hiến cho cách mạng và ông ấy viết ca khúc phản đối chiến tranh khi đang ở “phe kia”. Nhưng rốt cuộc, cái lý nhạc sĩ TCS là nhạc sĩ có nhiều tác phẩm phản đối chiến tranh được tôn vinh là đúng, căn cứ vào tác phẩm của ông có thể khẳng định ông thuộc về “phe nào” ông cũng vẫn phản đối chiến tranh. Cái “tầm” của ông là tầm suy nghĩ quan tâm đến chiến tranh hay hòa bình – thuộc về tầm tư tưởng vượt khỏi quốc gia và đã thuộc về thế giới. Tôi cũng mừng vì quyết định sáng suốt này của những người có trách nhiệm. 
Còn tên nghệ sĩ cải lương Thanh Nga? Nhà thơ Xuân Quỳnh? Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền? Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu ? vv và vv…? 
Đành rằng đóng góp cho đất nước không chỉ là hy sinh tính mạng như các anh hùng hay đóng góp trí tuệ như các danh nhân mà còn là đem tiếng hát, lời thơ, nhạc phẩm của mình đóng góp cho xã hội. Tôn vinh là đúng nhưng bề dày đóng góp, giá trị đóng góp của những văn nghệ sĩ nói trên đã xứng đáng tôn vinh bằng cách đặt tên đường hay chưa? Cá nhân tôi lại nghĩ nhà thơ Lưu Quang Vũ – chồng của Xuân Quỳnh xứng đáng tôn vinh hơn bà. 

Còn nữa, lần tôn vinh này có tên của 23 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôn vinh các mẹ là việc phải làm của các ngành, các cấp nhưng tôn vinh ở mức độ nào, bằng cách nào.. là việc cần phải cẩn trọng hết sức. Bây giờ, dân mình không còn thấy vui vì các thần tượng anh hùng như mẹ Suốt ngày xưa, không ai còn muốn mẹ Thứ sẽ được dựng thành tượng. Vì nỗi đau chiến tranh chẳng ai muốn nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Tôn vinh bằng cách tặng danh hiệu nếu các mẹ đã mất, quan tâm đến đời sống của các mẹ nếu các mẹ còn sống, như thế là đẹp đời, đẹp đạo. Và tôi dám chắc các mẹ nếu còn sống và tỉnh táo, chẳng ai muốn một ngày nào đó tên mình sẽ được đặt tên cho một con đường chỉ vì…có nhiều con phải hy sinh trong chiến tranh. 
Chuyện về những con đường sẽ còn dài và lắm khúc quanh y như những con đường mà chúng ta đã đi qua nhưng con đường nào đẹp đẽ, con đường nào đúng nhất dường như còn phải ngẫm ngợi rất nhiều! 

Thủy Hướng Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh