THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

KIẾN TRÚC SƯ NGUYỄN HỮU THÁI:

Nhân chứng lịch sử ngày 30/4/1975

1 – DẤN THÂN TRANH ĐẤU VÀ BA LẦN BỊ CẦM TÙ

Sinh năm 1940, tại Đà Nẵng trong gia đình có tới 10 người con, là con cả, nên Thái được cha mẹ cho ăn học chu đáo. Những năm 1950 của thế kỷ XX, để học lên tú tài, Nguyễn Hữu Thái phải sang Huế trọ học. Tại Huế, Thái theo học Trường Thiên Hựu (trường Tây), được thành lập năm 1933 là một ngôi trường nổi tiếng, dạy tiếng Pháp theo chương trình tú tài Pháp. Năm 1958, sau khi đỗ tú tài, Thái thi đậu vào ngành kiến trúc (Học viện Đại học Sài Gòn) và là sinh viên trẻ nhất khóa.

– Chân dung KTS Nguyễn Hữu Thái.

– Chân dung KTS Nguyễn Hữu Thái.

Những năm tháng sống và học tập ở Sài Gòn hòa, vào không khí sục sôi biểu tình chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ của nhiều tầng lớp dân chúng (nhất là phong trào đấu tranh của HSSV), SV Nguyễn Hữu Thái hăng hái tham gia. Không chỉ tích cực tham gia phong trào, Nguyễn Hữu Thái còn khôn khéo vận động kêu gọi bạn bè SV cùng xuống đường đấu tranh. Từ những hoạt động tích cực đó, năm 1963, 1964 Thái đã được bầu làm Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Với cương vị thủ lĩnh, được đông đảo lực lượng SVHS ủng hộ, Thái càng hoạt động nhiệt tình hơn, mạnh mẽ hơn, luôn đi đầu trong những cuộc xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Năm 1964, anh bị bắt giam. Nhưng chính những ngày ngồi trong nhà tù của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Thái lại có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi, tranh luận và dần giác ngộ cách mạng từ những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Sau 4 năm bị giam cầm, khi được trả tự do Nguyễn Hữu Thái nhận được lời đề nghị của một viên quan chức Mỹ sẽ tạo điều kiện sang Mỹ du học. Tuy nhiên, Thái từ chối lời đề nghị ấy và dấn thân theo con đường cách mạng. Thời kỳ này Nguyễn Hữu Thái tham gia tổ chức nhiều hoạt động phong trào SV xuống đường biểu tình đòi Mỹ phải sớm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và lại bị bắt lần thứ 2, nhưng nhanh chóng được trả tự do. Năm 1972, Nguyễn Hữu Thái lại bị chính quyền Sài Gòn bắt giam lần thứ 3 do bị tố cáo thuộc “thành phần thứ ba”.  2 năm sau (1974) Thái được trả tự do.

KTS Nguyễn Hữu Thái với cuốn “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975” NXB Lao Động 2013) trong khuôn viên Dinh Độc Lập.

KTS Nguyễn Hữu Thái với cuốn “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975” NXB Lao Động 2013) trong khuôn viên Dinh Độc Lập.

2 – NHỮNG GIỜ PHÚT CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Trong cuốn sách “Lịch sử Công an nhân dân TP. HCM” (NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1997) ghi: “Anh Nguyễn Hữu Thái đã tiếp cận Dương Văn Minh trước khi minh làm Tổng thống. Anh đã có mặt tại DĐL từ sáng 30/4/1975, góp phần tác động Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn “chờ bàn giao trong vòng trật tự”, tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên ĐPTSG”. Nói về sự có mặt của mình ở DĐL và ĐPTSG vào thời khắc lịch 30/4/1975, ông Nguyễn Hữu Thái đã viết rất cụ thể, chi tiết trong cuốn sách “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975” do Nhà xuất bản Lao Động và Nhà sách Phương Nam ấn hành năm 2013.

– Bức ảnh lịch sử do nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên Hãng Thông tấn AP chụp ngày 30/4/1975, từ trái qua: Sinh viên Hà Thúc Huy (Điệp báo A10), nhà báo Đức Borries Gallasch, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh, Lâm (bộ đội), nhà báo Hà Huy Đỉnh (người chỉ tay), KTS Nguyễn Hữu Thái (áo trắng ôm tập giấy), Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải).

– Bức ảnh lịch sử do nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên Hãng Thông tấn AP chụp ngày 30/4/1975, từ trái qua: Sinh viên Hà Thúc Huy (Điệp báo A10), nhà báo Đức Borries Gallasch, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh, Lâm (bộ đội), nhà báo Hà Huy Đỉnh (người chỉ tay), KTS Nguyễn Hữu Thái (áo trắng ôm tập giấy), Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải).

Theo cuốn sách, bằng cảm nhận và nhãn quan của người trong cuộc, khi thấy Quân Giải phóng pháo kích dồn dập vào sân bay Tân Sơn Nhất từ đêm 29/4/1975, ông Nguyễn Hữu Thái nghĩ cuộc chiến đấu cuối cùng để giải phóng miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng đã bắt đầu. Nhưng qua nguồn thông tin khi ấy ông được biết một nhóm vũ trang phản động vẫn toan tính bám trụ chống cự tới cùng, còn Quân Giải phóng cũng quyết tâm sớm chấm dứt cuộc chiến. Nếu điều ấy xảy ra sẽ phải trả giá rất đắt cho sự hy sinh mất mát về tính mạng con người, lẫn cơ sở vật chất của Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông”. Suốt đêm thao thức trăn trở lo nghĩ về điều đó, ngay sáng tinh mơ ngày 30/4/1975, ông đã vội vã chạy xe đến chùa Ấn Quang gặp Thượng tọa Trí Quang (người rất có uy tín với Dương Văn Minh) nói: "Tình hình cấp bách quá rồi, xin thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn". Gặp gỡ Thượng tọa Trí Quang xong, ông nhanh chóng tìm gặp một số anh em sinh viên từng là những thành viên hăng hái xuống đường biểu tình đấu tranh trước đó trình bày: “Mục tiêu cấp bách hiện nay là phải tranh thủ chiếm Đài phát thanh trước một bước, nói lên tiếng nói hòa hợp, hòa giải của Cách mạng nhằm tránh cuộc đụng độ đẫm máu cuối cùng". Ngay sau đó, một số em sinh viên có trang bị vũ khí nhẹ lên xe ca đến Đại học Nông lâm súc để chuẩn bị xâm nhập vào ĐPTSG.

Bìa cuốn sách “Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến TP. Hồ Chí Minh” là cuốn sách thứ 12 của KTS Nguyễn Hữu Thái.

Bìa cuốn sách “Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến TP. Hồ Chí Minh” là cuốn sách thứ 12 của KTS Nguyễn Hữu Thái.

Tổ chức, phân công nhiệm xong cho lực lượng sinh viên, ông Nguyễn Hữu Thái cùng với nhà báo Cung Văn (Nguyễn Vạn Hồng) và giáo sư Huỳnh Văn Tòng đi thẳng vào DĐL nhằm thuyết phục những người quen biết với Tổng thống Dương Văn Minh bàn giao chính quyền một cách êm thấm nhất, tránh đổ máu.

Trong cuốn sách viết rất chi tiết về thời khắc lịch sử này, đó là khi nhóm ông Nguyễn Hữu Thái đang ở DĐL thì tất cả mọi người cùng hướng về đại lộ Thống Nhất, chứng kiến một cảnh tượng thật hùng tráng, với hình ảnh thật ấn tượng cả một đoàn xe tăng Quân Giải phóng rầm rộ tiến về phía cánh cổng DĐL. Ngay sau đó chiếc xe tăng 390 đã húc tung cánh cổng DĐL tiến thẳng vào trong khuôn viên đến thềm thì dừng lại. Lúc này một anh bộ đội xe tăng (sau này ông Nguyễn Hữu Thái mới biết đó là Bùi Quang Thận) giật chiếc cần ăng ten gắn lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chạy vào dinh. Nhưng do không biết là cửa kính, nên Bùi Quang Thận đã lao đầu vào và bị ngã bật. Lúc này ông Nguyễn Văn Diệp (cựu Tổng trưởng tài chính, cũng là cơ sở cách mạng) đã nhanh tay kéo cánh cửa ra cho Bùi Quang Thận đi vào. Khi thấy ông  Nguyễn Hữu Thái và tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng đang đứng trên tiền sảnh đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy đề nghị được dẫn đường lên tầng 2 thì anh Thận đồng ý và lúc này Trung úy Vũ Đăng Toàn tới yểm trợ cho Trung úy Bùi Quang Thận.

Sau khi treo cờ xong trở xuống ông Nguyễn Hữu Thái đã thấy Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 và Đại úy Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ Giải phóng đứng quanh nội các của Tổng thống Dương Văn Minh.

Tướng Dương Văn Minh (phải) và KTS Nguyễn Hữu Thái (trái) ảnh chụp năm 1971.

Tướng Dương Văn Minh (phải) và KTS Nguyễn Hữu Thái (trái) ảnh chụp năm 1971.

Trong cuốn sách của mình, ông Nguyễn Hữu Thái viết: “Tình hình trước đó theo lời kể của nhà báo Tây Đức Borries Gallasch trong cuốn “Thành phố HCM – giờ khắc số 0 – những phóng sự về kết thúc cuộc chiến 30 năm” (xuất bản tại Đức tháng 9/1975, Đại úy Phạm Xuân Thệ tay cầm súng ngắn (một khẩu K54 của Nga) lên đạn. Thệ rất phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”. Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Tổng thống Dương Văn Minh đứng dậy nói với Bùi Văn Tùng: “Thưa ông chúng tôi đang chờ các ông tới để bàn giao”. Chính ủy Bùi Văn Tùng nói: “Các ông không có gì để bàn giao, các ông chỉ có thể đầu hàng vô điều kiện”.

Trước tình hình cấp bách, ông Nguyễn Hữu Thái nhanh chóng tháp tùng Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng nhà báo Tây Đức Borries Gallasch, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung… ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn để Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng.

Nói về nội dung bản tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, ông Nguyễn Hữu Thái viết: "Tướng Minh không muốn nêu chữ "Tổng thống" mà dùng "Đại tướng" quen thuộc hơn. Ông Tùng kiên quyết không chịu vì cho rằng, dẫu sao thì Tướng Minh cũng đã làm Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Loay hoay đến gần 2 giờ chiều 30/4/1975 mới phát được Chương trình đặc biệt với lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lời chấp nhận đầu hàng của đại diện quân Giải phóng – Chính ủy Bùi Văn Tùng”.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh