CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:09

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu: Thong dong sống và đi như một cuộc chơi

 

“Ôi ta buồn ta đi lang thang…”

  Khi Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu còn khỏe, tôi ít có điều kiện tới thăm ông nhưng cứ mỗi lần tới chơi, khi ra về lần nào cũng vậy, ông cứ nắm tay tôi bịn rịn: “Hôm nào rảnh cháu lại qua chơi với bác nữa nhé”. Ông đặc biệt nhớ hầu hết tên của những người mà ông gặp mặt và khi trò chuyện bao giờ ông cũng nói với ngôi thứ hai bằng tên của họ, một cách thật gần gũi. Hôm đó, như có một linh cảm không hay, tôi cầm máy gọi cho ông. Tôi vẫn mong được nghe  thấy tiếng ông rộn ràng như mọi lần: “Cháu đấy à, cháu khỏe không? Hôm nay không đến được thì hôm nào lại qua đây chơi nhé”. Hai lần chuông đổ rơi vào im lặng, tôi gọi cho anh Phong, con trai cả, người trực tiếp và luôn cận kề bên ông, anh Phong bảo “Cụ đang bị viêm phổi”.

 Vội vã chạy qua nhà thăm ông và đó là lần cuối cùng tôi được gặp khi ông còn tỉnh táo. Lúc bị đánh thức, ông tỉnh rất nhanh như thể ông chưa hề mê man mấy ngày và nhận ngay ra tôi. Nhìn ông xanh xao, hình như ông hơi phù và trông thể trạng đúng là của người bệnh, tôi trách: “Sao bác không đi bệnh viện?”. Ông cười hồn hậu: “Ôi cái bệnh già ấy mà, bác thấy chưa cần thiết phải vào viện. Vào đó rồi ở nhà ai trông bà, lại khổ con cháu chạy ra chạy vào. Cháu cứ yên tâm, bác sẽ khỏe mà”. Rồi ông hỏi tôi, “Mấy nay cháu bận lắm à?”. Tôi bảo: “Cháu cũng bận bịu lang thang suốt ngày”. Ông sực nhớ và bảo: “À nếu vậy thì cháu phải hát: Ôi ta buồn ta đi lang thang…” (lời của bài hát Trầu Cau).

Và ông lại say sưa kể về bài Trầu cau, sáng tác đầu tay, khởi đầu chặng đường âm nhạc của người nghệ sỹ. Lấy cảm hứng từ chuyện kể Sự tích trầu cau, ông đã hoàn thành tình khúc này khi mới 16 tuổi. Chàng trai trẻ vụng về lần đầu viết ra những nốt nhạc nhưng đã biết khai thác tận cùng cảm xúc và tâm trạng của người trong cuộc, một cái cốt cổ tích nhưng là tình của câu chuyện. Một câu chuyện cũ, tích xưa nhưng tình thì mới, đó là cái mới muôn đời của nỗi đau chia ly, của tình anh em, tình chồng vợ thủy chung, son sắt.

 

Những bức hình này ông trân trọng giữ gìn

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đúng là chẳng bao giờ già, ở tuổi nào ông cũng mang một tâm hồn thật trẻ trung. Lần nào trò chuyện ông cũng nói về tình yêu, về những chuyện đời theo cách thật dí dỏm và sôi nổi. Ông kể, có một lần đi dự hội nghị của Bộ quốc phòng, khi mọi người có ý muốn hỏi tuổi nhạc sỹ, ông ứng ngay câu thơ thay cho việc trả lời: “Bạc mi, bạc tóc lại bạc đầu/ Vẫn còn có cái chẳng bạc đâu/ 70 rồi đó yêu chưa chán/ Tim còn thổn thức suốt đêm thâu.... “. Thế là mọi người cười ồ, vui lây theo cái yêu đời thật đáng quý ở ông. Còn khi bước vào tuổi 90, ông cũng chẳng nề hà khai: “Nay 90 tuổi vẫn chưa già/ vẫn còn thích ngắm những bông hoa”.

Con người ông hiển hiện thật rõ qua những sáng tác mà hầu hết lớp người trẻ của một thời gian khó đều nằm lòng. Những tình khúc ngày ấy ra đời trong hoàn cảnh không toan tính, lý tưởng và sự mê say tràn ngập trong tim, vì thế mà cảm xúc ông dành cho “đứa con” của mình bao giờ cũng trong trẻo và thuần khiết.

 

Dang dở lời ca

Một lần nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu khoe với tôi: “Bác đang viết cho Bệnh viện Thống nhất một bài cháu ạ”. Trên bàn làm việc của ông lúc này là một cuốn vở có sẵn dòng nhạc, hai cây cây bút chì và cục tẩy, có những dòng chữ viết tay, đó là bài hát đang viết dở dang mà ông nói. Không cần nhìn bản thảo, ông lẩm nhẩm hát cho tôi nghe: “Ôi yêu sao màu áo trắng thân thương/ như đêm trăng rằm mùi hoa huệ ngát hương/…”. Rồi ông bảo, bài hát này ông sáng tác riêng cho bệnh viện theo nguyện vọng của Bác sỹ Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.

Thấy tôi hồ nghi về một lĩnh vực chỉ có một “mùi” đặc trưng, đó là nỗi ám ảnh của những ai phải làm bệnh nhân, thì liệu có phù hợp để làm nên một tác phẩm nghệ thuật hay không, ông nói ngay: “Thực ra bác còn rất nhiều cảm xúc với ngành y mặc dù chả “mê” bệnh viện chút nào. Sau bài này, từ nay bác sẽ sáng tác thêm một số bài cho ngành, có thể là cho riêng nữ của ngành y nữa”.

Đúng là ít ai biết rằng, ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao được ông viết ở trong bệnh viện. “Ừ bác kể cho mình cháu biết nhé, mấy ngày nằm viện buồn lắm, bác rất cảm phục tấm lòng của cô ý tá đã “phá nguyên tắc”,  dấu cho bác chiếc đàn Madolin ở dưới giường. Dù lúc đó nhìn quanh toàn thấy người đau ốm nhưng ôm cây đàn bỗng thấy cuộc đời này thật đẹp, thật đáng yêu. Lời ca cứ từ đó mà bay ra, bay mãi”. Có lẽ hôm đó đang vui và nhờ cái “buột miệng” của ông nên tôi may mắn biết được cái tích của bài ca nổi tiếng này.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và GS Nguyễn Đức Công- Giám đốc BV Thống Nhất chia sẻ niềm vui về bài hát mà ông viết gần xong.


Tôi nhìn quanh căn phòng nhỏ nơi ông vẫn thường đọc sách, xem thời sự, sáng tác nhạc, mọi đồ đạc đều đã nhuốm màu của thời gian, nhiều nhất có lẽ vẫn sách và băng đĩa, tất cả đều được ông quý trọng và gìn giữ. Một mảnh sân bé tí cạnh phòng làm việc của ông có nhiều bông giấy luôn khoe sắc. Tôi nghĩ có lẽ mảnh sân này đã giúp ông luôn thanh thản, giữ được cái lãng du, bay bổng và trong trẻo với cuộc đời …

Gặp ông lần cuối ở nhà, ông đang rất mệt nên không thể tiếp tôi trong phòng làm việc để nhìn ra khoảng sân đầy nắng như mọi lần, ông vẫn yêu đời lắm: “Bác viết xong bài hát rồi, đã đưa cho một ca sỹ hát thử nhưng nghe nó trẻ con quá, bác sẽ cho thu lại bằng giọng của Cao Minh xem sao. Phải ưng ý đã mới giao cho Bác sỹ Công  được”. Ông vẫn thế, chẳng chịu nghỉ ngơi và vẫn nồng nhiệt mỗi khi nói về âm nhạc… Chào ông ra về, lần này lòng tôi mang một cảm giác trĩu nặng.

Dường như chẳng vội vã, chẳng buồn đau bao giờ. Ông cứ thong dong, nhẹ tênh mà sống và đi. Bên kia thế giới đón ông, chắc chắc sẽ nhiều hoa và nắng, những gì ông đã tận hiến cho âm nhạc, cho đất nước này sẽ ở lại mãi với dương gian. Viết những lời cuối này cho ông, trong tôi vẫn nguyên sự thảng thốt không thể nói lên bằng lời.  Vĩnh biệt ông, cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam!

Đinh Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh