Nhạc sĩ Bắc Sơn: Một đời mang hồn quê thổi vào âm nhạc
- Văn hóa - Giải trí
- 13:35 - 13/09/2017
Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê (sinh ngày 25-12-1932 tại tỉnh Đồng Nai), sau một thời gian điều trị căn bệng ung thư phổi ông đã ra đi ngày 23-2-2005. Sự nghiệp sáng tác, ông đã viết 500 ca khúc với các thể loại nhạc nhẹ, nhạc âm hưởng dân ca và 80 kịch bản phim, sân khấu. Ngoài ra, ông còn là một diễn viên nổi tiếng với hình ảnh ông già Nam Bộ đầy khí khái người phương Nam.
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn
Nhạc sĩ Bắc Sơn một đời cống hiến những tác phẩm nghệ thuật đi sâu vào lòng người bởi sự bình dị, giản đơn xuất phát từ những cảm xúc thật nhất của ông. Nhắc đến nhạc sĩ Bắc Sơn, khán giả nghĩ ngay đến những ca khúc mang âm hưởng dân ca với nhiều giai điệu tuyệt đẹp. Chính vì sự đồng điệu trong tâm hồn, nên dù nội dung những bài hát nói về miền Tây, về tình mẹ và những món ăn dân dã của Nam Bộ vẫn khiến người nghe liên tưởng đến quê mình, dù có đi đâu xa, nghe ca khúc của ông vẫn cảm thấy như đang ở quê nhà.
Mặc dù chưa có may mắn được gặp gỡ nhạc sĩ Bắc Sơn khi ông còn sống, Phương Dung vẫn thể hiện rất thành công và được khán giả yêu thích mỗi khi hát các ca khúc của ông. Danh ca xúc động chia sẻ: “Nhạc sĩ Bắc Sơn là thần tượng của Phương Dung, mặc dù chưa có cơ hội gặp mặt ông, nhưng mỗi lần nghe người khác hát hoặc tự hát Phương Dung đều cảm thấy rất xúc động. Những bài hát của ông thường viết về người mẹ, quê hương… khiến Phương Dung không kìm được nước mắt, nhất là khi còn ở hải ngoại, chưa về được quê nhà”.
Ca sĩ Phương Dung
Tại đêm nhạc, khán giả được thưởng thức giọng hát ngọt ngào, dạt dào cảm xúc của danh ca Phương Dung trong hai ca khúc Bông bưởi hoa cau và Còn thương góc bếp chái hè của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Là một người con Tiền Giang, nữ danh ca không khỏi nghẹn ngào và bật khóc trên sân khấu khi hát về những ca khúc nói về miền Tây Nam bộ.
Những bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn thường hát về quê hương, về mẹ. Mỗi lần hát bài hát của ông, Phương Dung không cầm được nước mắt. Khi nghe tiếng nhạc là mình đã nao nao trong lòng, nhất là sau này khi ở hải ngoại, chưa về được quê hương. Nữ danh ca chia sẻ thêm.
Nữ ca sĩ Thùy Trang tham gia Sol vàng tháng 9 với ca khúc Sa mưa giông của nhạc sĩ Bắc Sơn, đây cũng là ca khúc từng được chị thể hiện rất thành công. Là một ca sĩ trẻ may mắn được nhạc sĩ Bắc Sơn tận tình chỉ dạy, chị chia sẻ: “Nhạc sĩ Bắc Sơn là một người thầy cũng như người cha của Thùy Trang. Trang nhớ khi hát bài Em đi trên cỏ non, chú gác hết những bộ phim chú tham gia để kêu Trang qua nhà và chỉ dạy tận tình cách hát, cách nhấn nhá làm sao hay nhất. Khi hát những ca khúc này và có chú bên cạnh nhắc nhở, Trang cảm thấy như mình được tiếp một sức mạnh để hát được hay hơn nữa. Tận đáy lòng của Trang lúc nào cũng cảm thấy biết ơn chú”.
Ca sĩ Thùy Trang
Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, không phải người con nào của nhạc sĩ Bắc Sơn cũng đi theo con đường của ông. Bích Thủy (người con thứ 9 của nhạc sĩ) hiện là một doanh nhân thành đạt với nhiều đóng góp cho xã hội, nhưng âm nhạc của người cha, những bài hát chất chứa đầy tình cảm gia đình, quê hương, đã đưa nữ doanh nhân ấy lên sân khấu Sol vàng với ca khúc Giấc ngủ trên tay.
Giấc ngủ trên tay là ca khúc nhạc sĩ Bắc Sơn viết dành riêng cho Bích Thủy. Nữ doanh nhân đã hát bằng tất cả tình cảm dạt dào của người con dành cho điều quý giá nhất cha mình để lại. Cô tâm sự: “Ngay từ nhỏ tôi đã sống với bà, cha và mẹ lâu lâu mới về thăm. Mỗi lần như thế, mẹ tôi phải hát ru thì tôi mới chịu. Sau khi biết ca khúc này, tôi đọc lại ca từ thấy rất giống với nhà ngoại ngày xưa, cũng lối đường mòn dẫn vào nhà ngoại, cũng những bụi chuối, mía lau sau hè. Do đó mỗi lần thể hiện ca khúc này, cảm xúc luôn dâng trào trong tôi”
Bích Thủy, con gái cố nhạc sĩ Bắc Sơn
Sol vàng tháng 9 mang đến những ca khúc bất hủ gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Bắc Sơn như: Đêm nghe vọng cổ, Bông bí vàng, Mùa bông điên điển, Tháng mấy em về, Về thăm quê ngoại, Ngủ bên chân mẹ,.. với sự thể hiện của danh ca Phương Dung, Chế Thanh, Bích Phượng, Đông Đào, Thùy Trang, Quốc Đại.