“Sao lại sử dụng người mặc bikini bưng đồ ăn, rót bia...?”
- Văn hóa - Giải trí
- 20:31 - 14/05/2016
Trước vụ việc siêu thị, nhà hàng tại Hà Nội để nhân viên mặc bikini tiếp thị sản phẩm, rót bia, bưng đồ ăn đang gây ồn ào với những ý kiến trái chiều trong dư luận, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện ngắn TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
Dư luận chưa hết ồn ào với vụ một siêu thị điện máy cho dàn người mẫu mặc bikini tiếp thị sản phẩm, giờ một quán ăn khác tại Hà Nội lại cho nhân viên mặc bikini bưng đồ ăn, rót bia cho khách. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu phát triển xã hội, bà có thể nói gì trước hiện tượng “phô diễn thân thể” này?
Dưới góc độ xã hội, thì đây là một xu hướng đang phát triển trong thương mại, quảng cáo, tiếp thị và việc sử dụng phụ nữ và trẻ em tiếp thị không phải là mới mẻ. Tuy nhiên việc mặc bikini bán hàng, bưng đồ ăn ở ta như thế này có thể coi là “hiện tượng xã hội mới”. Nó thách thức quan niệm văn hoá truyền thống của Việt Nam về trang phục của phụ nữ và thái độ đối với thân thể phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam vốn được trông đợi là phải ăn mặc kín đáo ở nơi công cộng thì nay lại sử dụng trang phục tối thiểu để tham gia hoạt động thương mại ở chốn đông người.
Dưới góc độ giới thì xu hướng sử dụng hình ảnh phụ nữ để bán hàng bị chỉ trích nhiều trong những năm gần đây. Vụ việc mặc bikini vừa qua đã lạm dụng thân thể phụ nữ trong mục đích thương mại hơi quá mức.
Một câu hỏi đặt ra là, sao lại sử dụng bikini?
Nếu như sản phẩm tốt sao nhà kinh doanh không tìm cách nhấn mạnh vào chất lượng của sản phẩm mà lại lôi kéo sự chú ý của khách hàng vào... thân thể người phụ nữ?
Thiếu gì cách sáng tạo để chào hàng mà lại sử dụng thân thể phụ nữ để gây sự chú ý. Điều này, ở một nền văn hóa cởi mở đã không được hoan nghênh huống hồ là ở Việt Nam. Việc lạm dụng thân thể người phụ nữ như những trường hợp trên với phần lớn công chúng là không phù hợp, phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng người phụ nữ.
Ngay sau khi siêu thị điện máy bị phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikini đón khách, tiếp thị sản phẩm thì một quán ăn khác lại lặp lại hình ảnh phản cảm này. Họ nhờn luật, hay bất chấp tất cả vì mục đích lợi nhuận? Ý kiến của bà trước việc này?
Có thể coi đây là chiêu thức gây chú ý tương kế tựu kế. Họ sẵn sàng chấp nhận bị phạt để gây nên sự ồn ào nhằm mục đích thu hút khách hàng.
Trong vụ việc này, nhiều người cũng chê trách những cô gái trẻ chấp nhận xuất hiện với hình ảnh phản cảm và ở nơi không phù hợp vì vật chất...
Thực ra số các cô gái chấp nhận công việc như thế này không phải nhiều, không thể coi là đại diện cho phụ nữ Việt Nam, kể cả đại diện cho lớp phụ nữ trẻ. Một số người lựa chọn công việc này vì muốn kiếm tiền. Họ có thể nghĩ đó là công việc nhẹ nhàng, không mất sức mà kiếm được nhiều tiền, vì thế họ chấp nhận trả giá mà khi quyết định họ chưa chắc đã hiểu rõ cái giá đó là gì... Tôi không lên án họ mà chỉ muốn nói, các cô gái trẻ nên thận trọng, cái gì cũng có giá của nó, trong nền văn hoá Việt Nam, sự phán xét đối với phụ nữ thường rất khắc nghiệt.
Có người cho rằng, việc bất chấp tất cả- kể cả việc khoe thân, chấp nhận tai tiếng để đạt được mục đích quảng cáo, lợi nhuận như những trường hợp này thể hiện sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức. Con người ta ngày càng coi nhẹ giá trị bản thân - giá trị thẩm mỹ để mưu cầu vật chất và sự nổi tiếng, bà nghĩ sao?
Tôi cho rằng xã hội ngày càng cởi mở hơn, nhiều “sáng kiến” có cơ hội được thực hiện. Nền thương mại của Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm trước nhưng chưa bao giờ những chiêu thức tiếp thị tương tự được sử dụng cho dù cạnh tranh thì thời nào cũng có. Đây có thể coi là một chiêu thức kinh doanh nhưng nó có sống lâu hay không còn phụ thuộc vào công chúng. Nếu như nó không phù hợp thì công chúng sẽ phản ứng, tẩy chay ngay.
Còn với các cô gái mặc bikini trong vụ việc này, cũng có thể có người sẵn sàng đánh đổi để được lên hình, để được biết đến, được nổi tiếng. Trong nền điện ảnh thế giới đã có nữ diễn viên nổi tiếng từng đi những bước đầu từ những công việc tương tự. Nếu bạn lựa chọn cách này để thử vận may thì hãy tìm hiểu cho kỹ và lường trước những hệ luỵ có thể xảy ra và sẵn sàng đương đầu với nó.
Theo bà, để tránh những hình ảnh phảm cảm này thì cần phải hành động như thế nào?
Điều này phụ thuộc vào công chúng và các nhà quản lý. Nếu công chúng thấy không có vấn đề gì thì những sáng kiến này sẽ vẫn tiếp tục và ngược lại. Các nhà quản lý thì nên rà soát lại các quy định pháp lý cho trường hợp này nhằm đưa ra cách xử lý nhất quán. Không nên nơi thì phạt nơi thì không. Mặt khác, nếu các quy định còn thiếu mà dư luận phản ứng tiêu cực thì nên xây dựng các quy định mới. Xã hội thay đổi thì các quy ước điều chỉnh hành vi xã hội cũng cần phải được đổi mới cho phù hợp.
Xin cám ơn bà!