CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:10

Văn học chúng ta không lớn, vì...

 

* Những tác phẩm của ông khá đa dạng và có thể nói là có giá trị văn học cao. Để viết những tác phẩm đó chắc ông phải có vốn sống, kiến thức và sự đầu tư rất kỹ càng?

 - Nói theo kiểu văn chương xã hội chủ nghĩa thì mình cho đó là sự rèn luyện, tăng cường khả năng học hỏi... mà loại mất yếu tố năng khiếu, yếu tố trời cho đi.

Có nhiều nhà văn Việt Nam cho rằng: “Thiên tài do 99% là lao động, 1% là do năng khiếu bẩm sinh”. Nhưng bây giờ, gần cuối đời rồi, tôi mới thấy rằng năng khiếu chiếm đến 60 -70% của sự thành công.

Nhưng có năng khiếu vẫn cần phải biết dung nạp những kiến thức, học hỏi... chứ không phải là anh chỉ dựa vào năng khiếu thôi. Nhưng khi anh đã có khiếu văn chương thì khi anh tiếp xúc với cuộc sống xung quanh, anh nhạy cảm hơn người khác, nhận ra nắm bắt được vấn đề nhanh và sâu sắc hơn người khác. Rồi sau đó anh phải có khả năng thể hiện những vấn đề đó.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

* Việc đi tìm tư liệu, đề tài và cảm hứng để viết của ông như thế nào?

 - Bây giờ người ta viết đều có một tâm lý là dựa vào vốn sống, tức là đi theo những cuộc sống xung quanh mình. Thí dụ như là khi viết về nông thôn thì anh về nông thôn để tìm hiểu. Cái đó cũng tốt.

Nhưng đó là những cái thụôc về sẵn có. Thế nhưng nhà văn là phải có những cái không sẵn có. Cái vốn sống thuộc về cái sẵn có. Cái không sẵn có thuộc về kiến thức của đời sống. Kiến thức của đời sống bắt buộc anh phải học mới có được.

Những tác phẩm của tôi đa dạng là vì tôi không chỉ dựa vào cái sẵn có mà còn vào kiến thức để lý giải những vấn đề về kinh tế, tình yêu... trong các tác phẩm đó. Anh phải có đủ khả năng để lý giải nó.

Chứ còn phần để miêu tả nó, phần thực đó chỉ thuộc về vấn đề vốn sống, vấn đề cảm nhận của anh. Nó có tính trực quan chứ nó không thuộc về kiến thức. Còn anh chọn một dòng văn chương theo khuynh hướng lý giải thì anh phải có kiến thức. Nếu không có kiến thức anh viết sẽ không “tới”(không sâu sắc, không có tầm nhìn xa - PV) được.

* Một số người than phiền là Việt Nam chúng ta không có tác phẩm văn học lớn, nhà văn lớn. Là một nhà văn, ông nghĩ sao?

- Chúng ta đừng ngạc nhiên, đừng sốt ruột vì điều đó. Tác phẩm văn học lớn, nhà văn lớn sinh ra là do thời đại, hoàn cảnh của thời đại. Nhà văn lớn là do trời sinh, thì chúng ta gọi họ là thiên tài mà.

Chuyện tác phẩm hay nhà văn lớn hay không thì đâu ai biết trước. Một số tác phẩm văn học của chúng ta chỉ có tính miêu tả, dừng lại ở miêu tả nên không có giá trị lâu dài. Chẳng hạn, hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra bao nhiêu vấn đề xã hội về người nông dân; chuyện lấy chồng Đài Loan; làm gái... mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư miêu tả lại chuyện (làm gái và sự bần cùng hóa) đó trong “Cánh đồng bất tận”. Nhưng nó chỉ dừng lại ở miêu tả, nêu lên nỗi đau chứ không giải quyết được vấn đề.

Chỉ thiên về miêu tả, nên nền văn học của chúng ta không lớn, không có những nhà văn lớn.

Cảnh phim “Hướng nghiệp 2” do Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản.

Cảnh phim “Hướng nghiệp 2” do Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản.

* Tại sao đang là một nhà văn nổi tiếng, sách bán chạy, ông lại chuyển qua viết kịch bản phim?  

- Mặc dù sách tôi bán khá chạy nhưng tiền nhuận bút chẳng là bao. Một tập phim tôi viết chỉ mất khoảng 1 tháng. Trong khi đó, một tập truyện ngắn phải viết trong vòng nửa năm hoặc 1 năm mới xong. Mà một tập phim truyện lúc ấy, (năm 1992, nhà nước trả 5 triệu đồng, tư nhân trả 7 triệu đồng.

Lúc tôi chuyển qua viết kịch bản, bạn bè tôi khuyên không nên viết vì như thế là hạ mình. Vì họ cho rằng viết kịch bản phim không danh giá bằng viết văn. Nhưng tôi vẫn viết. Bởi vì tôi cần tiền để nuôi vợ con, và tôi không sống bằng hư danh, ảo tưởng. Có người cho tôi thực dụng. Nhưng tôi tự thấy điều đó không có gì là xấu.

Tôi sống bằng chính ngòi bút của mình, không ăn xin, cầu cạnh ai, việc gì phải xấu hổ.

* Ông đánh giá đội ngũ viết kịch bản phim hiện nay của ta?

- Đội ngũ viết kịch bản phim của chúng ta còn thiếu rất nhiều, thiếu người tài, thiếu chuyên nghiệp. Vì thế, những người viết được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm nay, chúng ta hầu như ít chú ý đào tạo đội ngũ này biên kịch. Ở nước ngoài, họ rất chú trọng đào tạo, đề cao đội ngũ biên kịch này.

Tôi đã từng qua Trung Quốc tham quan. Tôi thấy họ tuyển chọn, đào tạo biên kịch rất kỹ. Học biên kịch phải là những người đã tốt nghiệp đại học. Trong 100 người thi, họ chỉ chọn lấy 50. 50 người này ra trường, may mắn có 2 người giỏi. Còn lại chỉ là hạng tầm tầm, đủ khả năng làm biên kịch.

Có lẽ chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ viết kịch bản. Chúng ta thiếu một chiến lược đào tạo lâu dài, chuyên nghiệp cho đội ngũ này và cả nền nghệ thuật điện ảnh nói chung.

ĐỨC KHÔI (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh