CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:22

Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Thái Bình "biến tướng' thành công ty gia đình?

Bị tố "lùm xùm" thu chi và quản lý

Theo phản ánh của cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Thái Bình, Nhà văn hóa Thiếu nhi là nơi vui chơi, giải trí, học tập cho các em thiếu nhi trong toàn tỉnh, nhưng thực chất đã bị biến tướng thành điểm kinh doanh của gia đình ông Đồng Xuân Thiện (nguyên giám đốc đã về hưu) trong nhiều năm liền, như việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, bổ nhiệm con cháu, thu chi tài chính có nhiều dấu hiệu mập mờ... Những sai phạm này xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được các cấp chính quyền, các ngành chức năng giải quyết, gây bức xúc cho nhiều cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây.
Cụ thể, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Thái Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh đoàn Thái Bình, nhưng ông Đồng Xuân Thiện đã tự ý ký hợp đồng cho các hộ tư nhân thuê mặt bằng của Nhà văn hóa thiếu nhi trong nhiều năm như cho thuê làm gara ô tô, hiệu cầm đồ, trò chơi liên hoàn và công ty quảng cáo.
Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Thái bình

Không những thế, mặt bằng nhà văn hóa đáng lẽ ra là sân chơi cho các em thiếu nhi, nhưng lại được cho một số đơn vị khác thuê mướn với nhiều hình thức như nhảy múa, trò chơi mà không có cơ quan nào quản lý việc thu chi. Người dân bất bình hơn, con gái ông Thiện là bà Đồng Thu Hà (vợ ông Chu Hữu Thông), đã tận dụng 1 phòng trong nhà văn hóa để làm nơi trưng bày, cho thuê trang phục quần áo mà không có hợp đồng thuê mướn nào. Có rất nhiều chương trình, sự kiện của nhà văn hóa thuê trang phục của bà Hà với giá thuê cao hơn nhiều so với mua đồ mới, trong khi đồ cho thuê toàn là đồ cũ.

Đặc biệt, trước khi nghỉ hưu 1 tháng, ông Thiện tiếp tục ký cho thuê tiếp khu vui chơi nhà sắt giữa sân nhà thiếu nhi trong khoảng thời gian 5 năm, với giá 6 triệu đồng/tháng.  Đồng thời ông Thiện bố trí cho con rể là Chu Hữu Thông thế chân ông làm giám đốc ngay sau khi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, giá vé để các cháu thiếu nhi vào chơi là 25.000 đ/cháu nhưng không hề có cơ quan giám sát quản lý, không có phát vé mà thu tiền tươi. Đơn cử như 1 lớp học bơi với hơn 90 cháu học buổi chiều từ 18 giờ đến 19 giờ, mức thu 1.050.000đ/cháu/tháng =94.500.000đ/lớp. Trong khi đó có tất cả 5 lớp bơi thì số tiền thu được sẽ là 472.500.000đ, chưa kể bơi tự do mức thu là 15.000đ/vé/cháu. Thực tế mức thu và chất lượng học thì tỷ lệ nghịch vì số người học (quá đông lội nước còn chưa xong thì hỏi bơi làm sao?).
Cấp trên đã đồng ý?
Theo phản ánh thì những sai phạm trên nếu không có sự bao che, dung túng thì không thể tồn tại cho đến tận bây giờ.
Ngoài những sai phạm trong thu chi tài chính, vào buổi tối trong và ngoài khuôn viên Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, ông Thiện đã bật đèn xanh cho người nhà vào kinh doanh nhiều mặt hàng nhưng không phải trả tiền điện nước mà lại được Nhà Văn hóa bao điện nước miễn phí trong nhiều năm. Việc làm đó còn tồn tại cho đến tận bây giờ, thế nhưng Giám đốc nhà văn hóa là ông Chu Hữu Thông (con rể ông Thiện) vẫn cho tồn tại đến nay.
Trụ sở Cty quảng cáo thuê mặt bằng của Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Thái Bình đến nay chưa giải quyết xong
Làm việc với chúng tôi, ông Chu Hữu Thông, Giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Thái Bình thừa nhận, việc có người nhà làm trong nhà văn hóa là có thật. Ông Thông cho biết đã nắm được những nội dung đơn thư phản ánh này, và hiện Tỉnh Đoàn Thái Bình cũng đã vào cuộc xử lý.
Theo ông Thông, mỗi năm nhà văn hóa tổ chức học khoảng 2,5 tháng với 20 bộ môn, chủ yếu là học hè, trong đó những khoản thu không đáng kể chủ yếu dùng để chi trả lương cho giáo viên, cộng tác viên, tiền điện, nước... Liên quan đến việc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại nhà văn hóa, ông Thông khẳng định việc này đã được cấp trên đồng ý. Việc cho thuê mặt bằng phải lên đề án từ trước, hiện tại một số mặt bằng đang cho thuê thời hạn 1 năm, còn mặt bằng đang cho công ty quảng cáo thuê với thời hạn 5 năm. "Theo quy định mới là 1 năm nên chúng tôi đang đàm phán với Cty này để làm lại hợp đồng nhưng hai bên chưa thống nhất được"- ông Thông giải thích. 
Tuy nhiên, theo phản ánh thì do những mập mờ trong giá thuê nên hiện phía đơn vị này không chịu trả lại mặt bằng cho nhà văn hóa. Về việc bà Đồng Thu Hà (vợ ông Thông) lấy văn phòng của nhà văn hóa để làm nơi trưng bày, cho thuê trang phục, ông Thông xác nhận có sự việc này, tuy nhiên vợ ông chỉ tận dụng một phòng nhỏ có diện tích chỉ khoảng 8m2 dưới chân cầu thang, và phòng nay trước nay vẫn bỏ trống nên chỉ tận dụng làm nơi để đồ cho thuận tiện. 
Mặt khác, để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến đơn thư tố cáo tiêu cực trong vấn đề thu chi, chúng tôi đã đề nghị ông Thông cung cấp bảng lương của cán bộ, nhân viên cũng như các khoản thu, chi, trong đó có khoản chi cho việc thuê trang phục của bà Hà, thế nhưng ông Thông đã từ chối.
Những mập mờ trên khiến dư luận đặt câu hỏi: Những sai phạm liên tục và có hệ thống nói trên tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Thái Bình chậm bị xử lý, liệu phải chăng có sự bao che, dung túng? xem thường luật pháp?. 

Thái Bình - Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh