Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Con ông cháu cha mà giỏi thì tốt quá!
- Văn hóa - Giải trí
- 18:39 - 27/06/2016
Chuyện này, chúng ta cũng đã bàn nhiều rồi. Rầm rĩ trên những trang báo giấy, báo mạng và cả những trang điện tử cá nhân suốt mấy tháng nay. Bản thân lão già hâm hâm này cũng đã nói rất nhiều lần rồi. Chuyện đề bạt, cất nhắc cán bộ, khi xảy ra sự cố, thường người ta lại mang “quy trình” ra để biện hộ. Mấy năm trước, vụ bổ nhiệm, luân chuyển ông Dương Chí Dũng từ Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines về làm Cục trưởng Cục Hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng thế, khi đơn vị do ông này điều hành làm ăn thua lỗ, bê bết, với hàng đống tiêu cực, sai phạm, ông không bị xử lý, kỷ luật, mà còn được luân chuyển sang vị trí mới, với chức tương đương, hoặc “đá lên” cái ghế lại còn cao hơn. Người ta vẫn bảo bổ nhiệm ông ấy là rất đúng quy trình.
Quy trình chỉ là từng bước của những thủ tục mang tính hành chính trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ. Vấn đề là việc chọn người. Tuyển chọn đã sai người thì mọi “quy trình” thủ tục đều vô nghĩa. Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng vậy. Chuyện bắt đầu từ chiếc xe tư nhân khá sang Lexus lại được chuyển sang biển kiểm soát xanh 95A-0669. Khi bị báo chí phanh phui chuyện bất thường này, ông bảo chiếc xe ấy là của một tư nhân cho ông mượn. Liệu có “tư nhân” nào có chiếc xe riêng sang trọng với trị giá trên 5 tỷ đồng lại cho người khác mượn để chuyển làm xe công của nhà nước không?
Rồi khi công luận vào cuộc mới hay ông Thanh không phải chỉ có chuyện chiếc xe mà còn nhiều chuyện khác nữa. Ở cấp Phó Chủ tịch, nếu tỉnh nào thiếu có thể tự đề bạt từ cấp dưới lên, hoặc xin ở đâu đó về cũng được. Quy định rất thoáng như thế. Và lợi dụng cái “khe hở” này, ông Thanh đã có những đường lượn vô cùng ngoạn mục. Chỉ đảo đi, đảo lại qua mấy lần “luân chuyển” ở cấp Bộ, ông đã vào được một vị trí vô cùng tốt đẹp. Trước mặt là bao điều tốt lành. Ông còn được bầu vào Quốc hội, lại là Đại biểu dẫn đầu tỉnh Hậu Giang về tỷ lệ phiếu bầu. Điều đó đủ thấy khâu tổ chức bầu cử ở địa phương của chúng ta cũng chưa phải đã chặt chẽ và chuẩn xác.
Chúng ta hãy nghe ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương – Nguyên Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội Bộ, Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương. Cứ như quan điểm của ông Nguyễn Đình Hương, việc đề bạt ông Thanh là sai: “Sai là sai từ khi còn làm lãnh đạo công ty xây dựng dầu khí, làm thất thoát 3262 tỷ đồng, mà không bị kỷ luật, lại được điều về Bộ Công thương, rồi luân chuyển qua hàng loạt vị trí trong vòng 3 năm… và về Hậu Giang, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tỉnh. Việc điều chuyển một cán bộ bê bết từ Bộ về tỉnh đã là sai rồi. Từ cái sai thứ nhất là đưa ông Thanh về Bộ, từ đó dẫn đến cái sai thứ 2, thứ 3 như ta đã thấy. Cho nên, đưa ông Thanh về làm Phó Chủ tịch Tỉnh là một sai lầm nghiêm trọng”.
Sở dĩ có chuyện lình sình vì trong khâu đề bạt, cất nhắc, ở một số trường hợp, chúng ta không chọn những người thực tài, thực sự có năng lực mà chỉ chọn theo lợi ích nhóm, hay chỉ tìm những người cùng phe cánh với mình. Vì thế mới có những chuyện đáng tiếc. Và còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp khác nữa. Nếu chúng ta minh bạch trong khâu đề bạt, có lẽ tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều.
Đề bạt nếu muốn minh bạch tôi nghĩ cũng không khó lắm. Chỉ cần công bố khả năng, thành tích của người được đề bạt trong quá trình công tác của họ trên các kênh truyền thông. Người được đề bạt có những thành tích cụ thể thế nào trong quá trình công tác? Nếu đưa công khai trên các kênh truyền thông, tôi tin chúng ta sẽ nhận được ngay những phản hồi chính xác của nhân dân trên các trang mạng xã hội. Việc các ông làm lãnh đạo ở cơ sở có sai phạm thế nào, để thất thoát tiền của dân ra sao, rồi cả những người giải cứu cho các ông ấy nữa, sẽ có rất nhiều người biết, chỉ người đề bạt cho các ông ấy là “không biết” thôi. Công khai, minh bạch sẽ tránh được rất nhiều rủi ro, chí ít chúng ta không còn phải lâm vào cái cảnh dở cười dở khóc...
Còn chuyện các “thế tử”, hay việc đề bạt “con ông cháu cha”, mà dư luận có những ý kiến trái chiều, tôi lại nghĩ khác. Con cái các vị lãnh đạo cũng là công dân. Vậy thì họ có quyền bình đẳng như mọi công dân khác. Việc cất nhắc, đề bạt họ vào các vị trí lãnh đạo là hết sức bình thường. Vấn đề là họ có tài và có năng lực thực không? Nếu họ không có năng lực thì quả là một thảm họa. Nhưng nếu họ có tài thực sự thì đó là hồng phúc của đất nước chứ. Vì họ có truyền thống gia đình, lại tận dụng được kinh nghiệm của bậc sinh thành trong việc điều hành quản lý công việc được giao thì quá hay chứ.
Trên thế giới, ở các nước dân chủ và phát triển, cũng có không ít trường hợp bố làm Tổng thống, con cũng lại làm Tổng thống, như Mỹ và Hàn Quốc. Hiện trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Hillary Clinton cũng rất được dân Mỹ yêu mến. Nếu người dân Mỹ bầu cho bà, thì bên cạnh nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên, còn có thêm người giúp việc đắc lực là Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã đem lại vinh quang cho nước Mỹ suốt hai nhiệm kỳ liền. Hillary là một Luật sư, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng, trong đó có chức Ngoại trưởng cho Tổng thống B. Obama. Ngoài đời, bà cũng là một người vô cùng thông minh và sắc sảo. Bà từng “giải cứu” cho chồng trong vụ lình sình trai gái của ông Bill mà dư luận Mỹ sôi sục. Bà cười rất vui: “Nếu ông Bill có chuyện trai gái thật thì người nổi khùng sẽ là tôi chứ. Trong khi tôi chẳng thấy có gì mà các vị lại cứ tức tối thay tôi thì buồn cười quá!”.
Người ta cũng truyền tai nhau một giai thoại vui về họ rằng, một lần, trong ngày nghỉ, vợ chồng Tổng thống Bill Clinton đi chơi bằng xe riêng do chính ông tự lái. Họ tạt vào trạm mua xăng. Thật bất ngờ khi người bán xăng lại là người yêu cũ của Hillary. Bill Clinton bảo: “Đấy em thấy không! Lấy anh, em mới thành Đệ nhất Phu nhân Mỹ. Còn lấy người bán xăng, không biết bây giờ, em sẽ như thế nào nhỉ?”. Hillary cười lớn: “Anh lại nhầm lẫn rồi! Nếu em lấy người bán xăng thì bây giờ anh ấy đã là Tổng thống rồi, còn anh lại ra đường bơm xăng đấy! ”