CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:03

Nhà thơ Lê Văn Tuấn: “Mẹ là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn”

 

Sinh năm 1953, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, Lê Văn Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò là nhà thơ Lê Tuấn; nhà văn Mark Lê Twain; nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn; kỹ sư năng lượng; kỷ lục gia Việt Nam - kỷ lục gia châu Á - kỷ lục gia Thế giới về sự sáng tạo âm nhạc CROR; người được Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) vinh danh là nhà Khoa học, thành viên Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Uỷ viên BCH Hội Kỷ lục Việt Nam, Uỷ viên BCH Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, Tổng giám đốc Trung Tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng, Tổng đại diện Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam tại phía Nam…

Chia sẻ về hành trình đi đến niềm đam mê hiện tại của anh, nhà thơ Lê Văn Tuấn cho biết:“ Trước đây tôi học ngành năng lượng là do yêu cầu của ba, nhưng bản thân tôi từ nhỏ lại rất yêu nghệ thuật. Mẹ tôi thì ủng hộ tôi đi theo con đường này, bà thích đọc thơ, văn, nhất là nghe những sáng tác âm nhạc của tôi. Tôi đã làm tốt vai trò một kỹ sư năng lượng cho đến ngày ba mất, mẹ khuyên tôi nên trở lại với niềm đam mê từ nhỏ của mình mặc dù bà biết, làm nghệ thuật rất gian nan và khó kiếm được nhiều tiền...”.

Anh Lê Văn Tuấn luôn bên mẹ mọi lúc mọi nơi.

Cũng chính tình yêu thương của mẹ đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn để có những thành công như hôm nay, Lê Văn Tuấn chia sẻ: “Tôi từng du học 7 năm tại đại học ở   Belarus (Liên Xô cũ), trong 7 năm ấy tôi không có thời gian  về thăm nhà. Nhưng  trong lòng tôi lúc nào cũng như có mẹ bên cạnh, mẹ là động lực để giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, nỗi nhớ quê hương để ăn học thành tài…”

Lập gia đình khá sớm nhưng có lẽ không có “nợ” nhau nên Vợ chồng anh đã ly hôn. Rồi anh ở vậy “gà trống nuôi con” và chăm sóc mẹ già.  Hai đứa con đi du học và hiện chúng đang làm việc ở nước ngoài. “Lúc trước mẹ tôi rất minh mẫn, sống chan hòa nên bà con hàng xóm ai cũng yêu mến. Biết mẹ thích ăn trầu nên tôi trồng trước nhà một bên là cau và một bên trầu để hàng ngày hái cho mẹ ăn. Mỗi ngày nhìn thấy mẹ ngập tràn niềm vui ngồi dưới bóng cau râm mát, tôi tự nhủ thầm đây chính là “nơi chốn linh hồn” của mẹ. Từ tình cảm đó, tôi đã thực hiện DVD âm nhạc “Nơi chốn của linh hồn” như một món quà tặng mẹ cũng như tặng cho tất cả những bà mẹ Việt Nam, một đời vì nước, vì chồng, vì con...”, Lê Văn Tuấn chia sẻ.Năm 2009, bà bị bệnh nặng đột ngột, nằm mê man suốt một tháng trời trong Bệnh viên nhân dân Gia Định, bác sĩ điều trị đã khuyên anh chuẩn bị tâm lý và chuẩn bị lo hậu sự cho mẹ. “Nhưng tôi nghĩ “còn nước còn tát” nên quyết định bán căn nhà lớn ở quận Bình Thạnh, mua căn nhà nhỏ ở quận 10 để dư ra số tiền chạy chữa cho mẹ. Đồng thời, tôi cũng có một chút tâm linh là muốn “thay đổi tọa độ” (chỗ ở) cho mình và mẹ để tìm một tia hy vọng…”, Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Rồi anh đưa mẹ về nhà mới đúng ngày 29 Tết để chuẩn bị ra Giêng đưa mẹ qua nước ngoài chữa trị. Nhưng giống như một phép lạ, sáng mùng một Tết, mẹ anh bỗng mở mắt và cất tiếng thều thào gọi tên anh. Đến ngày mùng 8 Tết sức khỏe của bà tốt dần lên, bà con họ hàng ai cũng mừng cho gia đình, mọi người nghĩ rằng chính chữ hiếu của anh đã “kéo” mẹ trở lại…

Để tiện cho việc vừa chăm sóc mẹ, vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật, anh đã thuê một người giúp việc hỗ trợ, nhưng việc cho mẹ ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, tiêu tiểu của mẹ đều do anh đảm nhiệm. Ngoài việc điều trị bằng thuốc tây, nhưng hễ nghe có ai mách ở đâu có loại thuốc nam tốt cho sức khỏe người già, anh đều tìm đến mua cho bằng được. Để tiện chăm sóc cho mẹ anh kê luôn chiếc bàn làm việc cạnh giường ngủ của mẹ. Ban ngày, anh có thể đi đó đi đây vài tiếng đồng hồ để lo công việc, nhưng nhất định buổi tối là anh luôn túc trực ở nhà, ngồi trò chuyện, đọc thơ, truyện của anh cho mẹ nghe cũng như mở các băng DVD nhạc của anh sáng tác cho mẹ xem. Khi nào mẹ ngủ, anh mới tranh thủ lấy laptop ra làm việc đến khi mệt mỏi thì chợp mắt luôn trên bàn làm việc.

Hai mẹ con dù tóc đã bạc như nhau nhưng mỗi khi có việc ra khỏi nhà, anh đều xin phép mẹ. Và khi anh trở về, bà đều gọi anh lại ôm hôn anh như một đứa trẻ. Vốn có biệt tài nấu ăn nên hễ mẹ bảo thèm ăn món gì là anh nhờ người giúp việc đi chợ mua đồ, rồi chính anh tự tay vào bếp nấu cho mẹ thưởng thức.

 Trong hầu hết những sáng tác thơ văn và âm nhạc của anh từ trước đến nay, phần lớn đều có bóng dáng của người mẹ thân yêu. Trong đêm nhạc Cror của anh với chủ đề “Sa mạc còn xanh” tổ chức tại Nhà hát TP vừa qua, anh cũng đã đưa mẹ đến dự và tự hào giới thiệu mẹ với khán giả. Bà đã ngồi xem cho đến cuối chương trình. Nhìn thấy con trai được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố xác lập kỷ lục cho cuốn sách Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc Cror, mắt bà rưng rưng vì sung sướng... “Với tôi, mỗi năm đến mùa Vu lan, được cài lên ngực đóa hoa hồng thắm vì còn có mẹ bên cạnh, đó là một may mắn lớn lao. Dù có cực khổ để chăm sóc cho mẹ hơn thế nữa, tôi vẫn vui lòng...”, Lê Văn Tuấn tâm sự.

PHA LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh