Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về hộ khẩu, quản lý cư dân xưa và nay
- Tây Y
- 13:25 - 07/11/2017
Quản lý theo sổ đinh
Liên quan đến vấn đề Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu đang được nhân dân quan tâm, chiều 6/11, dưới góc nhìn của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc đem đến những lát cắt lịch sử trong quá trình quản lý cư dân ở Việt Nam từ thời phong kiến, đến thuộc địa và sau khi Việt Nam giành được chính quyền.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết nhiều điều thú vị về quản lý dân cư xưa và nay
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nước phong kiến chỉ quan tâm đến sổ đinh. “Tức là ghi tên những người đàn ông ở độ tuổi lao động, cũng là độ tuổi phải đóng thuế, và Nhà nước chỉ quản lý cư dân để đáp ứng được 3 yêu cầu thôi. Thứ nhất, là để thu thuế. Thứ hai, là để bắt phu, lao dịch. Thứ ba, là để đi lính”, ông Dương Trung Quốc cho biết.
“Cho nên, chủ yếu, phần lớn việc quản lý cư dân ở nông thôn là do làng xã tự quản lý. Nhà nước không quan tâm đầu đinh, mà quan tâm tổng số nguồn nhân lực mà thôi”, ông cho biết thêm.
Trong khi đó, ở đô thị, tuy gọi là đô thị, nhưng cũng gần như là cộng đồng cư dân ở nông thôn, tổng hợp ở những phường, hội. Bấy giờ, những người lao động tự do, di cư rất ít, không đáng kể. Vì thế, việc cần đến sổ sách, giấy tờ là không có mấy. Người nông dân chủ yếu sống trong làng quê của mình.
“Cho đến khi người Pháp đô hộ nước ta, họ quản lý theo cung cách của Châu Âu, và họ rất quan tâm đến từng con người một. Nông thôn vẫn giữ trong một thời gian khá dài kết cấu truyền thống của nó và người Pháp cũng chỉ áp đặt vào đó một số yếu tố chỉ để khai thác nguồn nhân lực mà thôi, như: đi phu, đi lính, hoặc nộp thuế. Cộng thêm yếu tố an ninh nữa để quản lý cư dân, để bảo đảm an ninh trong chế độ thuộc địa”, nhà sử học cho biết.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho hay, lúc ấy, về căn bản, sổ sách cũng không có. Dần dần, sự lưu thông bấy giờ của cư dân bắt đầu nhiều lên. Từ nông thôn ra thành thị, rồi từ thành thị lại di cư về nông thôn, từ vùng này sang vùng khác… Khi đó, bắt đầu có hình thức thẻ căn cước.
“Ban đầu chỉ là thẻ thuế đinh thôi. Thẻ này chứng minh là tôi đã nộp thuế. Đấy là vấn đề quan trọng. Về sau, xã hội phát triển hơn, yêu cầu quản lý ngày càng chặt, bảo đảm an ninh cho chế độ thuộc địa, thì thẻ căn cước dần được áp dụng”, nhà sử học phân tích thêm và cho biết, khi đó bắt đầu sử dụng sổ sách và các khu phố quản lý theo từng hộ một. Nhưng yếu tố quản lý theo hộ về nhân khẩu cũng không quan tâm nhiều. Pháp chỉ quan tâm đến an ninh thôi.
Sổ hộ khẩu ràng buộc con người rất lớn
Cho đến thời kỳ chiến tranh bùng nổ năm 1939, do khó khăn về mặt vật chất, giống như sau này, Pháp quản lý từng hộ dân để đáp ứng một số yêu cầu về đời sống. Lúc đó Pháp ra tem phiếu để cung cấp hàng hóa. “Họ cung cấp hàng hóa cho anh, nhưng quản lý anh, và anh bị phụ thuộc vào nó. Như phiếu đường, phiếu vải, phiếu gạo… Ngay từ thời kỳ những năm 40 của thế kỷ trước, tem phiếu đã có rồi”, ông Dương Trung Quốc nói.
Hình ảnh cuộc sống xưa
Ông cho biết, còn đến chế độ chúng ta thì quản lý chặt chẽ. Bảo đảm đầu tiên là an ninh. Sau năm 1946, sau khi giành chính quyền, toàn quốc kháng chiến. “Cho đến khi hòa bình lập lại, Nhà nước quản lý cư dân rất chặt, bảo đảm các yêu cầu về an ninh, nhất là sau này chúng ta phải khai thác nhiều nhân lực, đi làm kinh tế mới, làm nông trường, công trường”.
“Lúc đó sổ hộ khẩu gần như trở thành một yếu tố quyết định. Ràng buộc con người rất lớn. Và bên cạnh đó, cộng với chế độ tem phiếu, đặc biệt là sổ gạo, quản lý từng hộ, để Nhà nước nắm được từng nguồn nhân lực. Và trong chừng mực nào đó, dưới chính sách bao cấp, trách nhiệm của Nhà nước cung ứng cho người dân điều kiện, nguồn sống tối thiểu cho họ, nên dần dần về sau họ cảm thấy, hộ khẩu là không thể không có được để quản lý”, nhà sử học cho hay.
Tất nhiên, bên cạnh ưu điểm, theo ông Dương Trung Quốc, hộ khẩu thời đó cũng đem lại hệ lụy là ràng buộc con người rất lớn. Đi cùng với nó là cả vấn đề quyền di trú cũng bị ảnh hưởng, rồi liên quan học hành, thi cử… “Mọi cái, kể cả dịch vụ xã hội đều bị khoanh lại trong không gian cư trú của anh. Quá chặt. Điều đó làm cho xã hội phức tạp thêm”, vị đại biểu Quốc hội này phân tích.
“Thí dụ như tôi ở phố Hàng Đường, thì con tôi chỉ được học ở mấy cái trường quanh khu vực đấy thôi. Đứng về mặt quy hoạch thì tốt, nhưng nó ràng buộc con người. Không có sự lựa chọn nữa”, nhà sử học nêu.
Do đó, ông Dương Trung Quốc bày tỏ, việc Chính phủ đồng ý bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý, việc bỏ sổ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục chứ không phải bỏ giấy tờ là bỏ quản lý.
“Bớt đi những giấy tờ, bớt đi những quan liêu. Thì rõ ràng việc bỏ hộ khẩu, thậm chí Chứng minh thư là điều cần thiết”, đại biểu Dương Trung Quốc nhận định.
Cũng theo nhà sử học, việc quản lý bằng công nghệ số, thực chất con người ngày càng bị ràng buộc chặt, “nhưng bằng số hóa sẽ bớt cho con người những phiền phức, không gian hoạt động sống rộng rãi, ít ràng buộc hơn, tạo ra các thói quen mới, ý thức mới. Đó cũng là quá trình chúng ta hội nhập với thế giới” ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.