CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:03

Nhà báo với trận chiến Ebola

Nguyên tắc nghề nghiệp ở những vùng dịch

          Đồng hành cùng những nhân viên trợ giúp nhân đạo và các tổ chức y tế, các phóng viên cũng phải trực tiếp đối mặt đại dịch để tác nghiệp với đầy đủ trang thiết bị phòng ngừa từ găng tay, mặt nạ, ủng cao su và mỗi ngày phải rửa tay bằng chlorine  không biết bao nhiêu lần. Họ là những người bất chấp nguy hiểm để đưa những thông tin nóng nhất về dịch bệnh đến công chúng. Cây bút nữ Claire Hedon của Đài quốc tế Pháp RFI trở về từ Guinea cho biết, không khó tìm ra bóng dáng những khuôn mặt phóng viên với máy móc lỉnh kỉnh ở chiến trường Iraq, hay các nước Trung Phi, nhưng tại các quốc gia dịch Ebola tấn công, có mỏi mắt mới tìm thấy một vài người.

Dù được trang bị kỹ lưỡng nhưng nguy hiểm luôn rình rập các nhà báo

          Guinea, Liberia và Sierra Leone là cái nôi của đại dịch đã có 4.500 người chết trong tổng số 9.216 ca tử vong được tổ chức y tế thế giới (WHO) thống kê từ 7 nước nhiễm dịch. Ebola đang diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm đến nỗi Liên hợp quốc phải lên tiếng cảnh báo, đại dịch có thể truyền nhiễm và lây lan qua đường không khí. Nếu không kịp thời ngăn chặn sự lây lan với tốc độ chóng mặt của đại dịch, có thể không kiểm soát được. Trong tình hình như thế, tính đến nay ít nhất đã có 5 phóng viên bản địa gục ngã vì Ebola (3 người thuộc Liberia và 2 thuộc Sierra Leone), trong đó có cả Victor Kassim, phóng viên đã chết chung với Vợ, hai con và mẹ. Bên cạnh đó là trường hợp 3 nhân viên truyền thông đồng số phận với nhóm 5 người thuộc nhóm truyền thông quảng bá về dịch bệnh Ebola, đã bị một số người quá khích giận dữ sát hại tại một ngôi làng hẻo lánh gần trung tâm phát dịch ở Guinea. Cho đến nay mới chỉ có một trong mười mấy phóng viên phương Tây tác nghiệp ở các vùng dịch tại Tây Phi bị nhiễm Ebola, đó là Ashoka Mukpo, một phóng viên thời vụ của đài NBC. Ashoka đã được đưa về Mỹ để điều trị tại một trung tâm có trang bị y tế đặc biệt theo chế độ dành cho phóng viên, nhà báo mắc bệnh và may mắn sau một thời gian chữa trị anh đã khỏi bệnh. Tuy nhiên đối với những người còn lại, ngày ngày phải đối mặt với “ kẻ thù giấu mặt” thì mỗi cuộc phỏng vấn đều tiềm ẩn những nguy cơ chết chóc khủng khiếp. Sofia Bouderbala, Phó biên tập viên của AFP vùng châu Phi và châu Âu giải thích: “Ít có phóng viên đưa tin chiến trường sừng sỏ nào tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến này, chỉ vì họ nghĩ đến cái họa lơ lửng cho cả gia đình mình. Đó là một nỗi đe dọa vô hình, không thấy kẻ thù đâu, dù không phải chịu bom rơi đạn nổ, nhưng sự căng thẳng bao trùm mọi lúc, mọi nơi”. 

          Trên con đường lầy lội những bùn chen ổ gà tại khu ổ chuột New Kru Town, thủ đô Monrovia (Liberia), một tốp trẻ con thân hình lỏng khỏng tò mò  nhìn nhà báo Lenny Bernstein diễn trò. Đám trẻ thích thú với những diễn biến trên khuôn mặt của anh, lúc thì giận dữ, lúc thì hài hước. Rồi có vẻ như mong muốn anh trổ thêm nhiều trò vui nữa. Một cô bé 5 tuổi trông dạn dĩ nhất trèo qua bức tường thấp ngăn cách, tiến tới gần hơn chìa bàn tay nhỏ nhắn về phía Lenny mở miệng đề nghị: “Bắt tay cháu nào”. Phóng viên Lenny Bernstein rụt tay lại, lắc đầu từ chối. Đôi mắt của mọi người đang tươi bỗng sa sầm nỗi buồn. Lời cảnh báo số một cho sự an toàn của những phóng viên và cũng là quy tắc tối quan trọng mà họ phải tuân thủ là luôn giữ khoảng cách từ xa khi phỏng vấn người dân. Theo nhà báo Marc Bastia của AFP, (người vừa trở về từ Monrovia), ngoài việc giữ khoảng cách thích hợp, bạn không được đụng vào bất cứ thứ gì hay chạm vào bất cứ ai. Chuyện hai tuần không được chạm tới người nào quả là một thử thách vừa kỳ quặc vừa rất khó chịu. Phóng viên lúc nào cũng phải “kè kè bên mình” hàng lít thuốc sát trùng, giày cũng phải xịt thuốc tẩy và phải rửa tay mỗi ngày 40, 50 lần. Khi quay phim chụp hình người bệnh họ phải dùng đến các loại ống tele và đứng xa khoảng 8 mét khi phỏng vấn thu thập thông tin phải nói như quát vào tai người khác. Với những phóng viên làm việc cho đài phát thanh rất cần thu âm thanh, lời nói với kiểu làm việc trên khiến họ cuối ngày khàn hết giọng, mở miệng chỉ nghe thều thào. 

          Một loạt biện pháp an toàn đòi hỏi các phóng viên hiện trường phải ghi nhớ và tuân thủ trong môi trường tác nghiệp khắc nghiệt đầy rủi ro. Tất cả nhằm mục đích bảo vệ họ trong lúc tác nghiệp vốn đã rất nhiều thách thức. Vừa phỏng vấn vừa cố tránh nước miếng của người bệnh văng vào mình là hình ảnh có lẽ trông nhẫn tâm nhất mà các phóng viên làm việc ở vùng dịch Ebola phải chịu đựng. Thế nhưng, hiểm họa chết người lại có thể đến từ những sơ suất nhỏ nhặt như thế. Tuy nhiên, vẫn có một số phóng viên dũng cảm can đảm bắt tay người dân, tất nhiên là tay có mang găng, nhưng cũng là một chiến thắng không nhỏ trong thể hiện tính nhân văn đồng loại. 

Hình ảnh các phóng viên tác nghiệp ở những vùng đại dịch.

Trên hết là lòng cảm thông với nỗi đau

          Vào trận là như thế nhưng khi rút ra khỏi vùng dịch họ vẫn cứ phải trong “tư thế chiến đấu”, nghĩa là tinh thần tác nghiệp an toàn không chỉ kết thúc ở sân bay hồi hương. Nhiều phóng viên về nhà phải đối mặt với những thái độ đề phòng từ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, và chính họ cũng hồi hộp lo lắng không biết mình có nhiễm căn bệnh chết người hay không. Nỗi sợ đi kèm sự cách ly thể lý và tinh thần là khoảng thời gian cô đơn nhất cho những tay bút trở về từ vùng đại dịch. Phóng viên Guillaume Lhotellier tác nghiệp ở Guinea kể lại: “Suốt 21 ngày tôi phải đo thân nhiệt đều đặn, trong thời kỳ nghi ủ bệnh ấy,  bất cứ một dấu hiệu khác lạ từ cơ thể cũng khiến mình lo ngay ngáy. Cuộc sống xã hội của tôi cũng bị đảo lộn rất khó chịu. Nhiều người không dám bắt tay hay tiếp tôi dù họ biết tôi chẳng sốt hay có dấu hiệu nhiễm bệnh nào. Tôi cũng thông cảm cho nỗi e ngại “cẩn tắc vô áy náy” của họ dù họ đã được thông tin rằng chỉ có tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy cơ thể người bệnh như niêm dịch, tinh dịch, nước miếng, chất nôn mửa, phân hay máu... thì mới bị lây”. 

          Câu chuyện của  Johannes Dieterich, phóng viên người Nam Phi làm việc cho tờ nhật báo Tages-Anzeiger của Thụy Sỹ, nghe lại oái oăm hơn. Đối mặt với người vợ của mình, anh phải ngủ riêng ở phòng khách và quyết định không đụng tới ai trong gia đình suốt 3 tuần đợi cho thời kỳ ủ bệnh trôi qua. Với phóng viên nữ thì bị những thợ trang điểm từ chối make up khi biết họ từ các nước nhiễm dịch Ebola trở về là đương nhiên.

          Ngay cả trong những tổ chức truyền thông có phóng viên đi tác nghiệp cũng có những cách hành xử không giống nhau trong thời kỳ để phòng ủ bệnh ấy đối với phóng viên của mình trở về từ vùng dịch. BBC và AFP cho phép phóng viên bắt tay luôn vào việc tại cơ quan vì các sếp tin rằng họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy ước phòng bệnh khi lấy tin, không gây hại cho đồng nghiệp, vì họ không có biểu hiện nhiễm bệnh và đồng thời các sếp không muốn thấy không khí hoảng loạn ở nơi làm việc. Thế nhưng, Hãng thông tấn AP lại yêu cầu phóng viên của mình nghỉ ở nhà cho qua 3 tuần theo dõi, mặc dù đối với những người cầm bút, thà để họ lao vào nơi nguy hiểm viết bài, đưa tin, chứ 21 ngày “nghỉ ngơi bất đắc dĩ” ấy càng khiến họ bị tra tấn tinh thần hơn, từ nỗi lo cho chính họ và sự e ngại của những người chung quanh.

          Tuy nhiên, bất chấp những hiểm nguy, căng thẳng đối mặt trực diện với Ebola nơi thực địa cùng sự e dè xa lánh tới cực đoan khi trở về, giống như Clair hay Lenny, rất nhiều phóng viên khác đã và đang lao mình vào tâm dịch, song hành cùng các y bác sĩ, các nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống Ebola để đưa thông tin mới nhất, hình ảnh chân thật nhất về đại dịch. Đằng sau những câu chuyện mà họ ghi lại được nơi tâm dịch là sự cảm thông với những khó khăn, nỗi đau đớn cùng nỗ lực của người dân Tây Phi trước kẻ thù giấu mặt nguy hiểm này.

Theo WHO,  giới khoa học phát hiện virus Ebola lần đầu vào năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và tỉ lệ tử vong lên đến 88% . Sau đó, nó tấn công các nước xa hơn về phía đông như Uganda và Sudan. Virus này được đặt theo tên của con sông nơi người ta phát hiện nó lần đầu. Năm 1996: Gabon: (68% người nhiễm bị tử vong), Nam Phi (100% người nhiễm bị tử vong). Đến năm 2014, đại dịch Ebola một lần nữa nằm trong mức báo động toàn cầu với tỉ lệ tử vong khi nhiễm Ebola ở các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone là 62%. 

AN THIÊN (Theo Business Insider)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh