CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Yêu Đảng, yêu chế độ thì phải nói thẳng, nói thật


  • Tôi biết ông nhiều năm nay, từ thời còn đương chức Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng biên tập báo Biên phòng, thấy càng ngày ông càng viết khỏe, ngòi bút càng sắc sảo, mạnh mẽ, quyết liệt. Cuộc sống với sự phong phú về đề tài hay thời gian dành cho nghề viết của ông nhiều hơn?

Đúng là bây giờ tôi đã đỡ bận rộn hơn trước nên có nhiều thời gian để viết những điều mình vẫn đau đáu suốt nhiều năm qua. Cuộc đời quân ngũ với 43 năm là bộ đội biên phòng, tôi từng có thời gian 15 năm làm Tổng Biên tập báo Biên phòng, từng ấy năm tâm huyết với việc tuyên truyền xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

Từ khi về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 8/2016), với cương vị là Giám đốc Cổng TTĐT của Hội, lại là Chủ tịch Hội CCB của cơ quan, tôi nhận thấy trên vai những trách nhiệm của một nhà báo, cựu chiến binh càng lớn. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có vai trò vận động các CCB tham gia tuyên truyền và bảo vệ Đảng, chế độ, làm trong sạch bộ máy, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước. Hơn thế nữa, trong đời sống chính trị, xã hội còn nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó có vấn đề chống tham nhũng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ... Và có lẽ nhìn thấy những “nhiễu nhương” ấy, người làm báo, người cựu chiến binh như tôi phải lên tiếng.

Do vậy, mấy năm gần đây, tôi bắt đầu xây dựng những tác phẩm về đề tài này để hy vọng góp phần hoá giải những nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đi lên mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Từ đó giúp người đọc, cán bộ, đảng viên, công chức nhìn nhận, cảnh tỉnh và phấn đấu hơn nữa.

 - Ảnh 1

  • Cũng bởi còn những “nhiễu nhương” trong đời sống xã hội mà người cựu chiến binh như ông đã lên tiếng đấu tranh với cái xấu, chống “giặc nội xâm”. Nhiều bài viết của ông đã có sức nặng va hiệu ứng rất cao trong xã hội, đặc biệt là đoạt các giải thưởng cao quý. Ông có thể chia sẻ thêm về các tác phẩm này?

Tôi đã viết nhiều tác phẩm xung quanh câu chuyện này, trong đó có 3 tác phẩm đoạt giải cao trong các Giải báo chí về phòng chống tham nhũng, Giải báo chí Búa liềm vàng, Giải báo chí Quốc gia. Đó là tác phẩm “Chống được “chạy” sẽ thành công”, 8 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo. Tác phẩm đề cập đến thực trạng về những bất công xã hội, những bất cập, rối loạn kỷ cương do tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp… “Chạy” đang như là một phương thức mua bán sinh lời của ba yếu tố: Quyền - Tiền - Tình, ba yếu tố này cứ đảo chiều, đổi ngôi làm vô hiệu chủ trương, pháp luật về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đang tiếp sức cho cả “giặc nội xâm”. Tôi đã nêu ra thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp giải quyết vấn đề này, chủ yếu là sửa đổi công tác cán bộ, phát huy dân chủ của truyền thông cũng như là việc thay đổi thể chế pháp luật.

Tác phẩm thứ hai là “Binh pháp chống giặc nội xâm”, 5 kỳ đăng trên Tạp chí điện tử Người Làm Báo, trong đó khái quát, trang bị cho người đọc nhận thức về cuộc chiến rất phức tạp, rất cam go, khốc liệt, nhưng cũng đầy tính nhân văn này. Có thể nói cuộc chiến chống "giặc nội xâm" nói chung, chống tham nhũng nói riêng không có chiến tuyến rõ ràng. Cùng trong một bộ máy, người không có quyền lực chống người có quyền lực. Người không tham nhũng chống lại người tham nhũng. Người tham nhũng ít chống lại người tham nhũng nhiều. Người tham nhũng chống lại người tham nhũng… Muốn chống tham nhũng thành công phải đổi mới toàn diện và triệt để về kinh tế và chính trị.

Trong hai vấn đề này, tìm lời giải chính là thay đổi, sửa đổi hệ thống pháp luật, nghĩa là làm mới thể chế hiện nay để bảo vệ Đảng, chính thể, chế độ. Muốn đi đến thắng lợi cuối cùng phải chuẩn bị lực lượng, kiên trì đến cùng, chống tham nhũng từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.

Tác phẩm thứ ba là loạt bài “Hoá giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn”, 5 kỳ đăng trên báo điện tử Nhà báo & Công luận, tập trung vào góp xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Trong đó có vấn đề giàu nghèo và câu chuyện lợi ích nhóm; hợp thức hoá dân chủ; thanh lọc, sàng lọc cán bộ đảng viên; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và ngăn chặn quyền lực không chính danh.

Tôi thấy rất vui khi những bài viết này được trao giải và nhiều người đọc, có tác dụng tích cực cho đời sống. Từ khi là thành viên của Hội viên Hội Cựu chiến binh đến giờ, tôi đã có 4 giải thưởng mà 3 chủ đề liên quan tới chống “giặc nội xâm”. Từ các nguồn thông tin phản hồi về, tôi được biết phần đa bạn đọc, nhất là người cao tuổi, cán bộ hưu trí rất đồng thuận với các đánh giá, phân tích, nhận định, bình luận mà tôi đã nêu ra trong các tác phẩm. Những bài viết tâm huyết đặc biệt là loạt bài đoạt giải cao, được dư luận quan tâm như vậy đã là động lực giúp tôi tiếp tục thực hiện nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

 - Ảnh 2 Năm 2016, đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn (trái) vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng 


  • Càng khó lại càng say mê... tôi luôn hình dung về ông như vậy. Sự gai góc trong cách viết, tỉnh táo trong góc nhìn ở từng bài viết có lẽ chính là sức hấp dẫn trong các tác phẩm của ông?

Đó chỉ là một phần. Hầu hết các tác phẩm của tôi đều là những bài viết có tính chuyên luận, chính luận đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội nhưng lại không dễ có được người đọc. Điều này đòi hỏi người làm báo phải có sự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật thông tin để có dữ liệu chính xác đưa vào bài viết, đảm bảo tính chân thực, thời sự mà vẫn đầy thuyết phục. Muốn vậy, tôi phải tham khảo thông tin từ nhiều chiều, báo chí và cả MXH. Một sự kiện đặt ra thì thấy mạng xã hội (MXH) thường theo tâm lý đám đông, nhiều khi sai lệch, nhưng mình phải tỉnh, nhìn thấy thực chất đằng sau nó là gì. Mình hiểu thực chất thì đánh giá, phân tích vấn đề thì mới trúng và đúng.

Nhiều vấn đề có thể không mới nhưng làm thế nào để làm mới những đề tài đã cũ. Tôi luôn học hỏi, tham khảo những cây bút hay, học theo và biến hóa chứ không sáo rỗng, cứng nhắc hay lên gân lên cốt. Tất nhiên, tâm thế của người viết bài cũng rất quan trọng. Đó là ngoài năng lực thì phải là người có lập trường vững vàng, có lý luận sắc bén và có năng lực phát hiện, nhận diện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Tôi luôn thấy mình ở hai vai, một là người CCB và hai là người làm báo nên có phần nào đó là một sự may mắn. Hai môi trường đó đều rèn giũa cho tôi tâm thế và lập trường mạnh mẽ để lên tiếng.

Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chiến “giặc nội xâm” nói chung và xây dựng Đảng, chống tham nhũng nói riêng, báo chí có vai trò rất quan trọng và những người cầm bút vì lẽ đó cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình. Tất nhiên,  muốn chống tham nhũng triệt để được thì vẫn phải quay trở lại câu chuyện thể chế, cần tạo môi trường để báo chí hoạt động, tiếp cận được các thông tin từ nhiều phía. Đặc biệt, người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có văn hóa tiếp thu, lắng nghe báo chí góp ý, có nghĩa là ứng xư với báo chí vừa trách nhiệm chấp hành đúng pháp luật, vừa là nhu cầu thông tin để lảnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

 

  • Viết về những vấn đề liên quan đến thể chế, chính trị thường không dễ, đôi khi có những vấn đề đặt ra khá nhạy cảm. Ông có bao giờ lo ngại chuyện “sự thật mất lòng”, “đấu tranh, tránh đâu” không?

Nói thật là đã có nhiều lúc đặt bút viết mà đầy trăn trở, phải cân nhắc lắm chứ vì lẽ có rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết được. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, nếu mình yêu Đảng, yêu chế độ thì mình phải nói thẳng, nói thật. Nếu không nói thẳng nói thật bây giờ thì không có cơ hội nói và tôi sẽ còn nói. Tôi đến nay đã 43 năm tuổi Đảng, luôn xác định tinh thần cống hiến, bảo vệ Đảng, dùng ngòi bút của mình lên án những thế lực xấu, phá hoại Đảng và chế độ. Trước kia, tôi cũng từng e sợ khi viết ra, các cơ quan thẩm định là có những cán bộ không đủ kinh nghiệm thẩm định tác phẩm, không phân biệt được đâu là nội dung phản biện, đâu là xuyên tạc chống phá, có khi có những người nghĩ mình “lề trái” rồi rỉ tai, đặt điều làm sai lệch đi tâm ý và thiện chí của mình, có khi lảnh đạo cấp trên cũng nghe theo. Nhưng giờ thì khác, tôi đã vững tin hơn nhiều vì Hội đồng Giải báo chí Quốc gia – giải thưởng danh giá bậc nhất hiện nay cùng nhiều hội đồng giải khác đều ghi nhận những tâm huyết của tôi. Tôi sẽ viết tiếp là tiếng nói có trách nhiệm chứ không đả phá, viết hết sức thẳng thắn để góp ý với tinh thần xây dựng.

Xin cảm ơn ông, chúc ông luôn vững tay bút, cho bạn đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Hà Vân (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh