Nhà báo Lê Bình: 'Tôi không diễn kịch ở Syria'
- Văn hóa - Giải trí
- 14:36 - 27/07/2016
Ngày 26/7, nhà báo Lê Bình có cuộc tiếp chuyện phóng viên ngay tại nơi làm việc của VTV24, thẳng thắn trả lời những câu hỏi từ truyền thông và khán giả.
Nhà báo Lê Bình và các cộng sự đã có cuộc gặp mặt báo chí sau khi Ký sự Syria lên sóng và nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Quang Đức
"Có thể chúng tôi đã thiếu chuyên nghiệp"
- Năm 2014, chị và cộng sự đã đến Syria để thực hiện phóng sự ‘Hành trình sự sống và cái chết’ xoay quanh hành trình tị nạn của người Syria. Lý do gì thôi thúc chị trở lại Syria để kể tiếp câu chuyện đau thương về đất nước này?
- Tôi và các cộng sự quyết định quay trở lại Syria bởi nhận được tin vui từ Lãnh sự quán Việt Nam đặt tại Li-băng, họ thông báo cho chúng tôi rằng, họ đã thu xếp được cuộc phỏng vấn với Tổng thống Syria Bashar al – Assad.
Với tất cả máu nghề nghiệp, chúng tôi rất vui và hứng khởi khi nhận được thông tin này. Chúng tôi dày công chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, gấp rút làm visa, và có mặt ở Li-băng ngày 24/6. Sau đó, chúng tôi đi đường bộ sang Syria và có mặt ở thủ đô Damascus ngày 28/6, với hy vọng sẽ được thực hiện cuộc phỏng vấn.
- Ngay từ trailer, việc chị nhắc đến cuộc phỏng vấn với Tổng thống Syria Bashar al – Assad đã được ví như một chiêu PR cho ký sự. Đến những hãng thông tấn lớn nhất thế giới cũng không thể thực hiện phỏng vấn với Bashar al- Assad. Thực hư thế nào?
- Chúng tôi có một năm kết nối với Lãnh sự quán Việt Nam tại Li-băng để nhờ họ giúp đỡ trong việc thực hiện cuộc phỏng vấn với Tổng thống Syria Bashar al - Assad. Và khi nhận được thông báo cuộc phỏng vấn đã được đồng ý, chúng tôi rất vui mừng. Chính tôi cũng không thể tin được.
Sự thật phụ thuộc vào bằng chứng. Các bạn hoàn toàn có thể gửi mail bằng tiếng Anh cho Lãnh sự quán Việt Nam tại Li-băng để hỏi về thông tin này. Tôi tin họ sẽ trả lời.
Hình ảnh nhà báo Lê Bình xuất hiện trong Ký sự Syria. Ảnh trích từ Ký sự.
-Ngay khi phần 1 của ký sự lên sóng, đã có rất nhiều ý kiến phản biện. Nhiều khán giả phản biện khi chị mặc đồ ton sur ton, đội mũ thời trang, đứng trò chuyện giữa khung cảnh hoang tàn của thành phố Homs. Chị nói gì?
- Chúng tôi sang Syria với mục đích ban đầu chỉ để thực hiện một cuộc phỏng vấn, như tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, có rất nhiều chuyện đã xảy ra, và ngồi kể sẽ rất dài dòng.
Chỉ biết, thực hiện thủ tục cho cuộc phỏng vấn khá rắc rối, và chúng tôi phải chờ đợi. Trong những ngày chờ đợi, chúng tôi đã thực hiện Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến.
Chúng tôi không có sự chuẩn bị nhiều về trang phục. Quần áo sạch còn rất ít. Có gì mặc nấy. Mục đích chính của chúng tôi là muốn kể cho khán giả nghe những câu chuyện mà chúng tôi được mắt thấy tai nghe ở Syria. Chỉ như vậy thôi.
Ban đầu, chúng tôi cũng đã mượn áo chống đạn, tuy nhiên phía Lãnh sự quán Việt Nam ở Li-băng thông báo rằng chúng tôi không được phép mang áo chống đạn vào Syria.
Có thể, chúng tôi còn thiếu chuyên nghiệp những khâu hậu cần, trang phục khi thực hiện ký sự này.
"Tôi làm không để nghe khen, cũng không sợ bị chê"
- Từ lâu, Aleppo đã trở thành điểm nóng kinh hoàng của cuộc nội chiến ở Syria. Lý do gì, chị và cộng sự lại chọn Homs - nơi phiến quân gần như đã rút đi, để làm bối cảnh của 1 ký sự được mang tên Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến?
- Chúng tôi đến Homs không phải để quay những cảnh chiến tranh khốc liệt, mà để kể về những câu chuyện khốc liệt đã từng diễn ra ở nơi đây. Chúng tôi được phía chính phủ thông báo rằng Homs là thành phố an toàn, chúng tôi có thể quay phim ở đó.
Còn những cảnh quay dưới hầm, chúng tôi thực hiện ở Jorbar – một vùng ngoại ô của thủ đô Damascus, nơi vẫn còn những cuộc giao tranh và những tay lính bắt tỉa.
- Nhiều ý kiến cho rằng chưa từng có phóng sự chiến trường nào nhà báo lại xuất hiện nhiều như thế, nói nhiều như thế, khóc lâu như thế. Họ nghi ngờ cả ê-kíp đã… diễn xuất, dàn dựng khi thì thào về sự nguy hiểm ở trong hầm. Phản hồi của chị ra sao?
- Câu chuyện ở thể loại ký sự được phép kể theo cảm xúc và cảm nhận của tác giả. Chúng tôi không làm một phóng sự chiến trường, chúng tôi đã làm một ký sự truyền hình về Syria để khán giả có thể thấy được một cách thật nhất những gì chúng tôi đã làm.
Khi ở dưới hầm, các bạn cho rằng chúng tôi dàn dựng? Nếu vậy các bạn đánh giá chúng tôi quá cao. Chúng tôi chỉ là 4 phóng viên ở Việt Nam chân ướt chân ráo sang Syria, chúng tôi liệu có thể điều khiển được cả Bộ quốc phòng Syria để họ bày binh bố trận quay phim không?
Ở dưới hầm ấy, nói thật, chúng tôi sợ quên cả quay phim. Mỗi người chạy một hướng. Quay vội được cái gì hay cái đó, rồi về ghép dựng.
Nhà báo Lê Bình hiện là Giám đốc kênh VTV24 thuộc VTV. Ảnh trích từ Ký sự
- Cho dù vậy, khán giả đã không thấy được sự sợ hãi, không cảm nhận được sự nguy hiểm như cách mà chị và các cộng sự đang cố thể hiện trong ký sự khi nó phát sóng.
- Mỗi người có cảm nhận và suy nghĩ riêng. Tôi hoàn toàn tôn trọng. Chúng tôi cũng theo dõi và đón nhận tất cả ý kiến của khán giả khi xem ký sự này. Trên kênh You Tube riêng của VTV24, có nút Like (thích) và Dislike (không thích). Trong đó, số người Dislike ít hơn so với những người đã Like.
Trong những chia sẻ của độc giả cũng vậy, có ý kiến chê, cũng có ý kiến đã bày tỏ với chúng tôi sự xúc động, rằng họ cũng khóc trước những câu chuyện của chúng tôi.
Hơn tất cả, chúng tôi đã làm ký sự này với tất cả tấm chân tình. Chúng tôi đã đến Syria và muốn kể câu chuyện ấy, muốn làm ký sự ấy. Chúng tôi không làm vì hy vọng được ngợi khen, hay sợ bị chê trách. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến khán giả.
- Quan điểm chính trị của chị và cộng sự khi làm ký sự tài liệu về cuộc nội chiến này?
- Chúng tôi chỉ muốn kể những câu chuyện đã thấy, chúng tôi không có ý định cắt nghĩa về cuộc chiến tranh này. Không ai hiểu được cuộc chiến này, ngay cả các nhà chiến lược quân sự.
"Về nhà - là khát khao lớn nhất"
- VTV24 đã bỏ ra chi phí như thế nào để thực hiện được loạt ký sự này?
- Chi phí là vấn đề mà chúng tôi muốn giữ bí mật.
- Năm 2015, cuộc nội chiến ở Syria với cuộc khủng hoảng di cư từng khiến cả thế giới rúng động khi bức ảnh cậu bé 3 tuổi nằm chết trên bờ biển được công bố. Đề tài này, cuộc chiến này có phải vì thế bỗng trở nên hấp dẫn?
- Khi đến biên giới Syria để thực hiện phóng sự về Hành trình sự sống và cái chết, tôi đã bị ám ảnh về số phận của những đứa trẻ nơi đây. Khi chứng kiến cuộc sống khốn cùng của họ ở những trại tị nạn, tôi đã đặt câu hỏi, vì sao – dù biết có thể sẽ chết, những ông bố bà mẹ Syria vẫn dắt díu con cái tìm mọi cách để thoát khỏi vùng đất ấy?
Cuộc sống thực sự đang diễn ra ở Syria kinh khủng đến mức nào? Chính vì câu hỏi ấy, chính vì lý do khiến những người Syria phải tìm cách ra đi, chúng tôi đã tìm cách đến đó.
- Trước những phản ứng của khán giả ở phần 1 của ký sự, khi chưa ai cảm nhận được ‘3 lần thoát chết’ của Lê Bình và cộng sự, chị định kể tiếp điều gì ở phần 2?
- Chúng tôi sẽ giữ bí mật cho đến khi phần 2 phát sóng.
- Với những chuyến đi công tác dài ngày, lăn mình vào những nơi có chiến sự như Syria, như chị nói – 3 lần thoát chết. Khi đó chị nghĩ như thế nào về gia đình?
- Sau khi đối mặt với cái chết, chúng tôi đã quyết định từ bỏ cuộc phỏng vấn. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, để có được một cuộc phỏng vấn, 4 chúng tôi hoặc một trong 4 chúng tôi phải chết ở đây, liệu có đáng không? Và chúng tôi quyết định trở về. Khi rời khỏi Syria, đến biên giới Syria và Li-băng, tôi nhắn tin cho chồng: "Em đã an toàn".
Khi ấy, về nhà trở thành niềm khao khát lớn nhất. Và về được đến nhà là thành công lớn nhất của chúng tôi sau chuyến đi này.