THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:01

Nhà báo chống tham nhũng: Vững bản lĩnh, giỏi nghiệp vụ, sáng đạo đức

 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

 

* Thưa ông, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trên mặt trận phòng, chống “giặc nội xâm” này?

- Từ thực tiễn cho thấy báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sự vào cuộc của báo chí không phải chỉ có tác dụng ở việc phát hiện các vụ việc tham nhũng, mà quan trọng hơn là khích lệ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong toàn xã hội để cho mọi người, các tầng lớp nhân dân được giám sát và được tham gia vào công cuộc đấu tranh này, thông qua đó thúc đẩy dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Vậy tại sao báo chí làm được việc đó. Cơ sở pháp lý để nhà báo thực hiện chức năng xã hội của mình là Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Báo chí năm 2016  (Điều 25) quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà báo trong hoạt động tác nghiệp. Điều 9 Luật phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí rất rõ: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới cũng đã chỉ rõ: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội”. Như vậy, vị trí, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được định hướng rất cụ thể trong các nghị quyết của Đảng và được quy định rõ trong hệ thống luật pháp.

Thực tiễn cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là thời kỳ đổi mới hiện nay, báo chí cả nước luôn là kênh thông tin tin cậy cung cấp cho các cơ quan chức năng, điều tra, phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng lãng phí, tiêu cực. Hàng nghìn vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ đại án trong thời gian qua đều do báo chí phát hiện, giám sát và đưa ra công luận, qua đó giúp các cơ quan chức năng có căn cứ để điều tra,  xác minh và  đưa ra xét xử đúng người, đúng tội.

Thông qua việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí đã tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lành mạnh hóa đời sống xã hội. Kết quả này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

* Được ví như là những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Theo ông, nhà báo chống tham nhũng ngoài kỹ năng nghề nghiệp còn cần những phẩm chất cá nhân gì?

- Báo chí là một hoạt động đặc biệt mang đặc tính chính trị - xã hội. Nhà báo được coi như những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng. Mỗi tác phẩm báo chí, nhất là những tác phẩm chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải, phát hành rộng rãi đều tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của bạn đọc, quần chúng nhân dân và hành vi của cộng đồng. Đặc biệt là tác động rất lớn đến đời sống cá nhân cũng như sự nghiệp chính trị hay cơ nghiệp sản xuất, kinh doanh của một con người, một doanh nghiệp. Vì lẽ đó, hơn ai hết, nhà báo chống tiêu cực trước hết phải xác định rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Tuân thủ nghiêm các quy định về đạo đức làm nghề.

Chống tham nhũng, lãng phí chính là chống lại sự tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Điều đó đòi hỏi nhà báo viết về lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực phải có những phẩm chất kiên định như: Vững về bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ và thật sự trong sáng về đạo đức nghề nghiệp. Phải có động cơ xây dựng, khách quan, trung thực.

Một phẩm chất nữa rất quan trọng đối với người làm báo chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đó là tinh thần dấn thân, đây là phẩm chất cực kỳ quan trọng. Nói đến sự dấn thân ở đây là phải chấp nhận những khó khăn, thách thức, thậm chí là hiểm nguy để đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải và làm sáng tỏ sự thật. Để làm được điều đó, mỗi nhà báo khi tác nghiệp trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng cần tích cực rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức luật pháp, tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia khi theo đuổi những vụ án lớn, có tính chất nghiêm trọng. Bên cạnh đó yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp phải hết sức khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Không bị gục ngã trước những cám dỗ, mua chuộc hoặc chùn bước trước các đe dọa của đối tượng. Đó là cái gốc và giá trị cao nhất của đạo đức nghề báo, đó cũng chính là lý tưởng làm nghề của các nhà báo, nhất là những nhà báo chân chính chống tiêu cực.

Tuy nhiên, trong một cơ quan báo chí, không phải chỉ một phóng viên dấn thân mà có được thành công. Mỗi vụ việc chống tham nhũng, tiêu cực phải là sự thống nhất chủ trương của Ban biên tập. Coi đó như “một trận đánh”, đòi hỏi phải có chiến lược, chiến thuật, một tinh thần đồng chí, đồng nghiệp ở trong cơ quan, phối hợp rất chặt chẽ, từ phóng viên, biên tập, duyệt bài, cả một hệ thống phải đồng tâm nhất trí, tạo thành một sức mạnh. Chỉ có như vậy, sức mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí không chỉ ở một người cầm bút mà là hội tụ tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của cả một tập thể làm báo, đảm bảo được sự tin cậy, chính xác, tránh được những rủi ro trong nghiệp vụ.

* Nghề báo là nghề nguy hiểm, đặc biệt là những nhà báo chuyên khai thác, thực hiện các đề tài chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông hành lang pháp lý đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này hiện đã đầy đủ chưa, và cần kiến nghị bổ sung điều gì?

- Chúng ta đã có Luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng đều có các quy định pháp lý để nhà báo tác nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực mặc dù họ tác nghiệp đúng quy định pháp luật. Họ còn bị uy hiếp tính mạng, bị khủng bố tinh thần, thậm chí người thân cũng bị đe dọa. Do vậy, việc đấu tranh, bảo vệ các nhà báo chống tham nhũng đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan báo chí đối với phóng viên của mình, các đồng nghiệp, các cơ quan bảo vệ pháp luật và hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, nhất là các tầng lớp nhân dân. Vì báo chí là một nghề hiểm nguy, các nhà báo tham gia vào lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, cần phải coi như đang thực thi công vụ và các cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu để bổ sung thêm những điều khoản pháp lý bảo vệ nhà báo khi họ thực thi công vụ.

* Báo chí được xem là “quyền lực thứ tư” nên mặt trái của báo chí dễ xảy ra là nguy cơ lạm quyền, dẫn dắt dư luận thiếu khách quan… Theo ông, cần làm gì để hạn chế mặt trái này của báo chí?

- Báo chí thực sự có quyền lực, nhưng quyền lực đó là do pháp luật quy định, do nhân dân và xã hội trao cho họ một trọng trách, một sứ mệnh để thực hiện việc cung cấp thông tin cho xã hội và định hướng thông tin dư luận xã hội. Chính vì thế nhà báo không được ảo tưởng về quyền lực của mình, bởi vì khi đã ảo tưởng dễ xảy đến nguy cơ lạm quyền, dẫn dắt dư luận một cách không khách quan, thậm chí là sai trái và hệ quả xấu là rất lớn. 

Để tránh sự lạm quyền, trước hết các nhà báo phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình. Phải nắm vững các quy định về pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và thấm nhuần một cách sâu sắc Mười điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đó là phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, đặc biệt người làm báo không được vụ lợi, không được dùng nghề của mình để mưu cầu, theo đuổi những lợi ích cá nhân sai trái, báo chí không được làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của tổ chức và cá nhân mà những quyền này là quyền được pháp luật bảo vệ.

Đặc biệt tránh hết sức việc các nhà báo dùng nghề của mình để đi làm kinh tế, việc này rất nguy hiểm. Hiện, nhiều báo giao chỉ tiêu về quảng cáo cho phóng viên nhằm tăng thêm thu nhập cho tòa soạn, đây chính là mảnh đất làm nảy sinh tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp của nhà báo. Thực tế, đã có nhiều nhà báo mang danh chống tiêu cực, nhưng lạm dụng nghề nghiệp để theo đuổi lợi ích cá nhân, vòi vĩnh, dọa nạt, tống tiền doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của báo chí và cơ quan báo chí.

* Trân trọng cảm ơn ông.

Cù Hòa (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh