THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:28

Nhà báo chắc chắn không khóc!

 

Anh Phạm Quang Sanh, 27 tuổi quê Bến Tre, làm nghề lái ba gác ở Sài Gòn, đã bật khóc khi bị CSGT thổi phạt xe chở cồng kềnh.

Trong khi khóc, những ngón tay thô nhám và đen đúa của Sanh, bấu chặt lấy cái gấu áo nhàu nát, bẩn thỉu, như một đứa trẻ tuyệt vọng bị mẹ la. Sanh nghèo quá, không biết kiếm tiền đâu ra để nộp phạt.

Tiền công chở một chuyến hàng cồng kềnh là 50.000 – 100.000đ, nhưng tiền nộp phạt gấp nhiều lần số ấy, chưa kể phải chi tiền thuê ô tô chở số hàng đã bị dỡ xuống.

Người chớp được hình ảnh giọt nước mắt nghèn nghẹn ấy của Sanh, là một phóng viên trẻ đến từ tỉnh lẻ, cũng đang phải thuê trọ nhọc nhằn nơi thành phố phồn hoa bậc nhất nước.

Nhìn bức ảnh ấy, tôi thấy một sự sẻ chia và đồng cảm của một phóng viên đối với thân phận dưới đáy. Phía sau sự phạm luật, là những cảnh đời vật lộn mưu sinh.

Người chạy xe ba gác chở cồng kềnh bật khóc khi bị CSGT thổi phạt

Sau ngày một cháu bé và một bà cụ ở Hà Nội tử vong mà thủ phạm là thứ hàng cồng kềnh trên những xe ba gác, HN và TP. Hồ Chí Minh đã ra quân rà soát.

Mặc dù vậy, đây đó trên đường phố vẫn xuất hiện những chiếc ba gác chở hàng cồng kềnh. Chỉ có một điều khác, đầu của những thoi hàng đó đã được buộc giẻ rất kỹ để giảm nguy cơ sát thương.

Miếng cơm manh áo hàng ngày, tiền học phí của con, tiền khám bệnh của mẹ, đôi khi đè nát những lời cảnh báo về tính mạng của người khác.

Về trước mắt, chính quyền đã đúng khi không để cho những sát thủ tiềm ẩn đường phố ấy có thể gây hại cho người tham gia giao thông.

Nhưng về lâu dài, bên cạnh chế tài cứng rắn, chính quyền đã trợ giúp gì cho bước đường mưu sinh khốn khổ của những người như Đinh Ngọc Thạch - cựu binh mặt trận Vị Xuyên - chủ xe ba gác gây chết cháu bé?

Chàng trai 27 tuổi Phạm Quang Sanh đã bật khóc và nếu không muốn khóc tiếp, anh sẽ phải bỏ nghề.

Bị xử phạt hành chính lớn hơn nhiều mức phạt của Sanh, tới 14.405.000đ, nhưng chắc chắnnhà báo Quang Thế, báo Tuổi Trẻ, sẽ không khóc.

Khi bị công an lỡ "gạt tay lên má" (từ ngữ trong kết luận của công an) đến chảy máu mồm, Thế không khóc.

Dù cũng đang thực thi nhiệm vụ tòa soạn phân công, dù bất ngờ bị chính đồng chí của mình giơ chân đá "nhưng không trúng" (vẫn là từ ngữ của công an), Thế không khóc.

Bởi nếu chỉ vì một cú đánh, cú đạp, tiếng chửi mà phải khóc, thì có phóng viên sẽ phải khóc chục lần mỗi năm. Không ít nhà báo bị đánh như kẻ thù, bị lăng mạ khi tác nghiệp.

Ảnh: M.C.

Ở Việt Nam, nhà báo là nghề nhìn có vẻ oai, kỳ thực lại dính đòn nhiều nhất. Đối tượng nào cũng có thể đánh, ngăn cản tác nghiệp của nhà báo.

Quang Thế không khóc và tắt máy điện thoại, nhưng nhiều đồng nghiệp, độc giả của Thế tự nhiên thấy mình phải nuốt một khối nghèn nghẹn vào lòng.

Và họ đồng cảm với Thế bằng nhiều cách, trong đó có việc quyên góp ủng hộ anh số tiền phải nộp phạt, dù cả anh và Tuổi trẻ có thể sẽ từ chối.

Thế không khóc và khác với anh lái xe ba gác, tôi nghĩ Thế sẽ không bỏ nghề báo. Nghề báo, nhất là đối với những phóng viên hiện trường vụ nóng, tuy kiếm được chút nhuận bút, nhưng có thể nói còn cực hơn cả nghề lái xe ba gác.

Nửa đêm gà gáy, ngày nắng đêm mưa, đâu xảy ra vụ việc là họ phải lao đến. Nhiều người đến hiện trường tai nạn, làm xong cái tin thì không còn muốn ăn cơm nữa.

Nghề báo, đối với những nhà báo chân chính (không phải là những con sâu báo đang làm hoen ố hình ảnh báo chí), không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm với độc giả. Nhiều nhà báo chỉ bỏ nghề nếu độc giả không còn chờ đón tin bài của họ.

Câu chuyện công an có đánh nhà báo hay không, dù kết luận thế nào thì cư dân mạng đã có nhận định của riêng mình.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn nhận xét: "Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này".

Nếu quả thực nhà báo có lời lẽ và hành vi chưa chuẩn, thì họ cũng không đáng bị đối xử như một kẻ phạm tội như vậy.

Câu chuyện của nhà báo Quang Thế và công an, có thể cũng chỉ nóng thêm vài ngày nữa, rồi lại chìm xuống đâu đó trong dòng thác lũ thông tin.

Nhưng chắc chắn nó không vô ích: Cả nhà báo và công an sẽ phải cảnh giác hơn.

Nhà báo phải cảnh giác với những sự dễ dãi hoặc thiếu chuyên nghiệp của mình như để xe máy trên cầu khi tác nghiệp, chậm trễ trình thẻ hoặc buột ra câu nói nào đó có thể gây tâm lý không tốt cho người thi hành công vụ.

Còn công an, sự cảnh giác cũng vô cùng cần thiết. Công an là người tiếp xúc nhiều với tội phạm, côn đồ, nếu đó không cảnh giác thì có khi những thói xấu của côn đồ sẽ nhiễm sang mình lúc nào không biết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh