THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:31

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc: 25 năm “khởi nghiệp” từ không đến có

 

 

* Ngay từ ngày đầu thành lập báo LĐ-XH, ông đã luôn nhắc nhở anh em phóng viên phải luôn bám sát nhiệm vụ của ngành. Tuyên truyền phát triển kinh tế phải đi đôi với việc ổn định, bảo đảm công bằng xã hội. Tư tưởng ấy đã được báo đặt thành mục tiêu “Vì sự tiến bộ và công bằng xã hội”. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện mục tiêu đó của báo? 

- Quán triệt quan điểm đi đôi với phát triển tăng trưởng kinh tế, cần quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội là song hành với phát triển kinh tế, có như vậy đất nước mới ổn định và phát triển bền vững. Từ yêu cầu đó đặt ra cho ngành LĐ-TB&XH những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Toàn ngành phải tập trung sức lực và trí tuệ để giải quyết những vấn đề bức xúc và quan trọng như lao động, việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, tăng tỷ lệ thời gian lao động ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo nghề để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xuất khẩu lao động; tấn công mạnh vào đói nghèo để nâng dần mức sống về vật chất, tinh thần cho nhân dân; tập trung giải quyết cho được những vấn đề tồn đọng của cuộc chiến tranh để người có công sớm được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ngày vì người nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội, trước hết nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, thúc đẩy tiến trình cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Báo đặt tiêu chí hành động “Vì sự tiến bộ và công bằng xã hội” lúc đấy là rất trúng và được bạn đọc đón nhận.

* Thời kỳ ấy có nhiều bài viết sâu về đối tượng chính sách, người có công; giải quyết khó khăn cho đồng bào vùng sâu, vùng xa vậy là tờ báo của ngành đã hoàn thành nhiệm vụ ngay từ ngày đầu. 

- Trong cuộc chiến tranh giữ nước trường kỳ và gian khổ của dân tộc, vùng đồng bào dân tộc là những căn cứ địa cách mạng vững chắc, là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên hay Tây Nam bộ, đồng bào dân tộc Thái, Mèo, Tày, Nùng, Pa cô, Êđê, Bana hay Khmer đều có những đóng góp to lớn, chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh, che giấu, bảo về cán bộ, củ sắn chia đôi, bát cơm  sẻ nửa… góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hơn ai hết, ngành LĐ-TB&XH có trách nhiệm tham mưu cho Đảng, Nhà nước nghiên cứu xây dựng, trình ban hành những chính sách xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là những chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có đồng bào dân tộc, vùng căn cứ cách mạng, miền núi biên giới, hải đảo. Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN, tập trung giải quyết cho được những vấn đề xã hội bức xúc như nhà ở, đất sản xuất, vấn đề học hành, khám chữa bệnh. Lúc ấy Bộ đã tham mưu Chính phủ  ban hành nhiều chính sách ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng dễ bị thiên tai… trong đó có việc lập Quỹ xã hội dự phòng ở xã để chính quyền xã, thôn bản chủ động, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như đói do thiên tai, đói giáp hạt, ốm đau bệnh tật để ổn định cuộc sống cho đồng bào…Và báo đã vào cuộc rất tốt thời điểm đó.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt nam Đàm Hữu Đắc trả lời phỏng vấn Báo LĐ&XH.

 

* Ông cho một ý kiến về thời gian tới LĐ-XH phải làm gì? 

- Công tác thông tin tuyên truyền nói chung, hoạt động báo chí của ngành nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây đã có nhiều cố gắng, đã bám sát được những yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Bộ. Tuyên truyền phản ánh kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách ưu đãi người có công, phòng chống tệ nạn xã hội… Phản ánh kịp thời những mô hình, điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, kinh nghiệm làm ăn có hiệu quả trên từng lĩnh vực, gương tốt, việc tốt ở từng địa phương, cơ sở. Nhiệm vụ của ngành hết sức nặng nề đòi hỏi báo ngành không ngừng đổi mới, có bước chuyển cơ bản để đăng tải đầy đủ, kịp thời những chủ chương của Đảng, Nhà nước đến với người dân góp phần đưa chính sách, luật pháp vào cuộc sống.

* Ông đánh giá thế nào về đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhất là đội ngũ phóng viên trẻ của báo?

 - Để có những bài viết hay, sắc nét phóng viên trẻ phải khẳng định được vị trí của mình, hiểu thấu đáo nhiệm vụ chính trị của ngành, nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ bức xúc trong từng giai đoạn, thời điểm… Phải đi sâu, đi sát cơ sở, hòa mình với các phong trào, phải đặt mình vào trong điều kiện, hoàn cảnh đối tượng, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, không ngừng tìm tòi sáng tạo, phát hiện khám phá những nhân tố mới. Để có bài viết hay, phóng viên trẻ phải có tâm huyết với công việc, có lòng đam mê, trăn trở, lăn lộn với thực tế, không ngừng học hỏi người đi trước; có chí tiến thủ; đặc biệt phải không ngừng học hỏi để nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Từ vị trí, yêu cầu, nhiệm vụ của ngành tạo ra môi trường rộng lớn cho các phóng viên vùng vẫy thể hiện mình. Phóng viên, biên tập viên hiểu ngành, hiểu công việc địa phương cơ sở đang triển khai là nhân tố quyết định chất lượng, sự tồn tại và phát triển của tờ báo ngành. Mặt khác, Bộ cũng cần tăng cường thông tin định hướng, tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận, đi sát thực tế, tham dự các hội nghị, hội thảo. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức làm báo, tăng cường các hoạt động giao lưu, tạo cơ chế thông thoáng để cán bộ, phóng viên, biên tập viên phất huy tính năng động, sáng tạo; đồng thời có chính sách động viên khen thưởng kịp thời, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, phóng viên.

*Ông có nhận xét gì về chặng đường 25 năm phát triển của báo LĐ-XH và ông nhắn nhủ gì tới đội ngũ cán bộ, phóng viên của báo hôm nay?

- 25 năm xây dựng và phát triển của báo LĐ-XH là một chặng đường khởi đầu, từ không đến có. Được như ngày hôm nay cũng là niềm tự hào của mỗi chúng ta. Phải khẳng định báo đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp công tác của ngành LĐ-TB& XH. Thực hiện đúng tôn chỉ mục đích tờ báo, đúng hướng của Bộ, đã góp phần tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về LĐ-TB&XH phản ánh kịp thời những gương người tốt việc tốt, tâm tư nguyện vọng của dân, của đối tượng chính sách, của cán bộ viên chức trong toàn ngành. Báo LĐ - XH ngày càng có vị trí xứng đáng trong làng Báo chí Việt Nam. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, báo LĐ-XH hãy phát huy và kế thừa truyền thống, khắc phục khó khăn và phát triển hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của bộ, ngành. Cán bộ phóng viên, biên tập viên tiếp tục học hỏi vươn lên, nâng cao trình độ năng lực, sáng tạo để chất lượng bài viết ngày càng cao, nội dung phong phú, được đông đảo bạn đọc gần xa và các bộ viên chức trong toàn ngành tin yêu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

TRUNG CHÍNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh