THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:51

Nguyễn Thị Oanh: “Cô bé hạt tiêu” của điền kinh Việt Nam

Chiến tích không tưởng

Thành công của đội tuyển điền kinh Việt Nam với 16 HCV tại SEA Games không thể không nói tới cú "hat-trick" Vàng của Nguyễn Thị Oanh. Những giọt nước mắt và cả máu của cô gái chỉ cao 1m50 là hình ảnh tiêu biểu cho sự dấn thân, ý chí kiên cường ở môn "Nữ hoàng".

Dù là VĐV có thể hình khiêm tốn nhất đội tuyển điền kinh Việt Nam, nhưng trước giờ lên đường, Nguyễn Thị Oanh đã được lãnh đạo giao chỉ tiêu giành 3 HCV. Thách thức càng trở nên lớn khi Oanh phải thi đấu 2 nội dung liên tiếp trong ngày 10/12, còn 1 nội dung trước đó là ngày 8/12.

Nguyễn Thị Oanh: “Cô bé hạt tiêu” của điền kinh Việt Nam - Ảnh 1.

Nhưng thật kinh ngạc, Oanh đã giành cả 3 HCV đầy thuyết phục. Cô gái "hạt tiêu" của điền kinh Việt Nam để lại hình ảnh không thể nào quên với người xem trong ngày thi đấu cuối cùng, ngày mà cô làm được điều không tưởng là giành cú đúp vàng.

Đó là ngày thi đấu ở 2 nội dung "khó nhằn" 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Vào buổi sáng, Oanh gần như đã bị vắt kiệt sức ở đường chạy 5.000m với thời gian 16 phút 45 giây 98. Ngay buổi chiều, VĐV người Bắc Giang đã phải bước vào cuộc thi ở nội dung 3.000 vượt chướng ngại vật.

Thế rồi, với một cơ thể không còn nhiều sức lực, nhưng ý chí chiến đấu đáng khâm phục, Nguyễn Thị Oanh vẫn vượt qua tất cả, thậm chí còn hơn cả người chạy cuối cùng 1 vòng sân, trước khi lao về đích trong sự hò reo của ban huấn luyện, cổ động viên, giành HCV, phá luôn kỷ lục đại hội.

Trong lịch sử điền kinh Việt Nam, chưa một VĐV nào sáng chạy 5.000m giành HCV, chiều chạy tiếp 3.000 m vượt chướng ngại vật. Hai cuộc thi ấy chỉ có thể dành cho những người "đặc biệt".

Có mặt trên sân thi đấu điền kinh thành phố mới Clark, lãnh đội điền kinh Dương Đức Thuỷ đã phải thốt lên: "Oanh đã làm được điều vĩ đại, điều mà tất cả giới chuyên môn cũng như các đối thủ đều không bao giờ nghĩ tới".

Cũng theo ông Thuỷ, việc BTC xếp lịch thi đấu chẳng khác nào chơi khó với Nguyễn Thị Oanh, và ban huấn luyện cũng xác định Oanh khó đạt thành tích tốt, thậm chí có thể bỏ cuộc. Nhưng cái sự phản khoa học của lịch thi đấu ấy đã không thể cản được những bước chạy đầy nghị lực của Oanh.

Nguyễn Thị Oanh: “Cô bé hạt tiêu” của điền kinh Việt Nam - Ảnh 2.

Sau khi hoàn tất 3 tấm HCV, hoàn thành chỉ tiêu được giao, Oanh quấn lá cờ Tổ quốc quanh người và bật khóc như một đứa trẻ. Chứng kiến những hình ảnh này, một CĐV đã viết: "Thật xót xa cho những người hùng phi thường như cô gái bé nhỏ này. Chỉ nặng có 46kg nhưng đăng ký thi 3 nội dung chạy thì vô địch cả 3, thậm chí còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung thi cuối cùng, khi sức đã kiệt. Làm gì có VĐV nào sáng chạy 5000m về nhất, nghỉ xong vài tiếng lại chạy như chưa bao giờ khỏe như vậy ở cự ly 3000m vượt chướng ngại vật. Em về đích là ngã gục, người co giật. 15 phút sau, mồ hôi vẫn vã như tắm. Trả lời phỏng vấn, em nói mà như khóc "Cảm ơn cơ thể đã giúp em chịu đựng được như thế này". "Chịu đựng", chứ không phải "giành được" hay "chiến thắng". Nghe xót xa không?".

Những giọt nước mắt của Oanh không chỉ là niềm hạnh phúc, mà còn là nỗ lực vượt khó, đánh đổi và hy sinh.

Ở nhà xem con thi mà thương vô cùng

"Chúng tôi luôn động viên và theo dõi con sát sao trên con đường đã chọn. Với những thành tích con đạt được, chúng tôi không  mong mỏi gì hơn, chỉ biết động viên con cố gắng vì màu cờ sắc áo của dân tộc.

Hôm Oanh thi đấu chúng tôi nghỉ làm ở nhà để theo dõi. Khi thấy con liên tục giành huy chương cả nhà ai vui sướng, tự hào. Nhìn thấy con mệt ngã gục ra sân lòng tôi thương con vô cùng, nhưng thấy con khoẻ lại ngay cũng mừng, chỉ biết động viên con cố gắng", bà Hưởng tự hào về cô con gái bé nhỏ nhưng vô cùng nghị lực.

Trở về nhà trong vòng tay bố mẹ, Oanh chỉ biết khóc. Oanh cho biết ngày xưa bố mẹ không cho cô đi tập điền kinh, nhưng thương con quá đam mê nên đã đồng ý. "Trong đội có 8 VĐV theo tập nhưng các bạn đều bỏ nghề hết, chỉ còn lại mình em. Ban đầu bố là người không muốn em theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp nhưng được sự động viên của người thân, bố đã đồng ý. Em còn nhớ lời bố khuyên phải phấn đấu lên cao nhất. Hồi nhận tháng lương đầu, em vui lắm, mua ngay chỉ vàng về tặng mẹ. Chỉ vàng đó mẹ Oanh vẫn còn giữ".

Câu chuyện cổ tích

Từng là VĐV "thấp bé nhẹ ký" suýt không được nhận, từng là VĐV bị mắc bệnh viêm cầu thận bị trả về, nhưng vượt lên tất cả "cô bé hạt tiêu" đã làm nên chiến công vĩ đại tại SEA Games trên đất Philippines. Hành trình trở thành nhà vô địch của VĐV người Bắc Giang giống như một câu chuyện cổ tích.

Ngay từ khi còn thi đấu ở lứa tuổi trẻ, Nguyễn Thị Oanh đã liên tiếp   giành được HCV ở Giải vô địch trẻ Đông Nam Á lẫn Giải vô địch trẻ châu Á trước khi khẳng định tên tuổi với ngôi Á quân SEA Games 27 năm 2013. Trong nước, Oanh hầu như không có đối thủ xứng tầm ở nội dung sở trường, thậm chí lấn sân tốt sang một số cự ly chạy trung bình khác.

Người hâm mộ chưa quên, tại SEA Games 2017, do nội dung 3.000m vượt chướng ngại không được nước chủ nhà Malaysia đưa vào chương trình tranh tài chính thức, Nguyễn Thị Oanh được ban huấn luyện đăng ký thi đấu ở hai cự ly 1.500m và 5.000m. Cô chứng tỏ mình không phải "tay ngang" khi xuất sắc giành HCV ở cả hai nội dung không phải sở trường này.

Chính 2 tấm HCV quý hơn… vàng kể trên là tiền đề để cô gái 22 tuổi này được gọi bổ sung vào đội tuyển điền kinh quốc gia tháng 3/2018 sau khi bị "lọt tên" ở đợt triệu tập đầu năm.

Năm 2014, Oanh bị phát hiện mắc chứng viêm cầu thận, cơ thể bị phù nề, tăng cân đột ngột và gương mặt bị biến dạng. Cánh cửa tương lai dường như đóng sập lại khi cô phải nhập viện điều trị kèm lời cảnh báo của bác sĩ "Cấm tập luyện thể thao". Hàng tháng trời, Oanh phải ăn uống kiêng khem, mặt sưng phù, trong khi cơ bắp bị teo tệ hại. Thế nhưng với nghị lực phi thường, khi sức khỏe ổn định, Oanh bắt tay vào tập luyện giữa năm 2015 với quyết tâm sớm trở lại đường chạy. Chưa đầy 3 năm, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình.    

Nhà vô địch bán... hàng online

Ngoài việc tập luyện và thi đấu điền kinh, Nguyễn Thị Oanh còn kinh doanh giày và thời trang thể thao online.

Oanh chia sẻ: "Tôi bán quần áo, giày thể thao một phần để cải thiện thu nhập, một phần vì đam mê. Tôi rất thích giày dép thể thao. Cũng có nhiều người nhờ tôi tư vấn về chuyện mua giày và hỏi tại sao tôi lại không kinh doanh mặt hàng này.

Tôi quyết định thử sức và cũng có duyên với nghề này. Tuy nhiên trước mỗi giải đấu, tôi dừng mọi hoạt động kinh doanh để tập trung luyện tập".

Quang Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh