Nguyễn Quang Lập: Võ Lão Nông, tình anh bán chiếu
- Văn hóa - Giải trí
- 21:07 - 29/03/2015
Từ ngày mình vô Sài Gòn chỉ nhậu loanh quanh với năm, bảy anh em trong đó có nó. Lúc mình ở Miếu Nổi bên này kênh Nhiêu Lộc, nó ở bên kia kênh Nhiêu Lộc, hú cái là nó vọt sang ngay. Bây giờ mình về Thảo Điền thì nó về Nhà Bè làm cái nhà vườn đẹp mê tơi, cứ một tháng đôi lần mình lại về nhà nó nhậu. Ngồi nhậu ở đấy thật đã.
Nhà vườn Võ Đắc Danh thật đặc sắc, có hồ cá ao sen, hoa quả sum suê mùa nào thức ấy, có nhà nuôi yến mỗi tháng kiếm được vài ba cân. Đặc biệt có cái nhà rường là bảo tàng nông cụ miền Tây, ở đấy có cái cày, cái cối xay, cái xe trâu đã mấy trăm năm, có cối đá người Chàm chí ít cũng 500 năm có lẻ. Có lẽ đại gia địa chủ ngày xưa cũng khó có được ngôi nhà vườn như nó. Rõ là ông nông dân cầm bút, sống ở thị thành vẫn cố mang hương đồng gió nội từ chốn quê Cà Mau về nhà của nó.
Mình quen Võ Đắc Danh từ lúc nào không nhớ nữa, chỉ nhớ lần đầu mình ngồi nhậu với nó vào năm 2009. Khi đó vào dịp cuối năm, một hôm nó gọi điện cho mình, nói tuần tới anh đi đâu không. Mình nói không. Nó nói rồi, mấy ngày nữa em ra Hà Nội nhậu với anh. Mình hỏi ra Hà Nội làm gì. Nó bảo nhận cái giải bút kí “Cổ tích trên đỉnh mồ côi” của báo Văn Nghệ. Mình hỏi giải mấy. Nó cười khì khì, nói hỏi chi kì vậy ta, không giải nhất thì giải gì nữa.
Võ Đắc Danh thời còn là anh bán chiếu và cô bồ cũ
Trước đó mình không đọc của nó bất kì cái gì, nó có gửi tặng hai tập sách mình cũng chưa đọc. Mấy món bút kí phóng sự hồi nhỏ mê lắm, về già hết hứng thú. Thú thật ngoài kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tuân, Phan Nhật Nam mình không đọc kí của ai nữa. Biết nó sắp ra, bạn bè không đọc của nhau ngồi với nhau khó nói chuyện, mình tắc lưỡi tìm đọc cái giải nhất của nó xem thế nào, chẳng ngờ đọc xong lại ngồi ứa nước mắt.
“Cổ tích trên đỉnh mồ côi” kể về hai má con dì Ba và anh Bông đã nhận nuôi 12 đứa trẻ bị bỏ rơi từ các bệnh viện. Cái kí đọc một lần là nhớ đời. Mình là chúa hay quên tên, đến tên nhân vật tiểu thuyết của mình cũng phải nhờ thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) nhắc giùm nhưng tên hai má con dì Ba và anh Bông khiến mình nhớ mãi. Thằng này viết thật khéo, nó cứ kể tưng tửng vậy thôi mà ứa nước mắt. Nhớ nhất câu nói của anh Bông, khi người ta hỏi sao không lấy vợ, anh nói: “Tụi nó đã khổ từ trong bào thai rồi, tôi không muốn tụi nó phải khổ vì mẹ ghẻ”. Cái câu này mình cũng nhớ như in, vì lời nói chân chất của anh Bông lại chính là một câu thoại rất đặc sắc, nó vừa đưa thông tin, vừa thể hiện tính cách nhân vật và chứa đựng cái “ý tại ngôn ngoại” về tấm lòng một người cha của những đứa trẻ mồ côi.
Mình tìm lại hai tập bút kí nó tặng mình, Nỗi niềm U Minh Hạ và Đồng cỏ chat, đọc một lèo trắng đêm. Tuổi già đọc vài chục trang đã mỏi mắt đau lưng nhưng đọc hai tập sách của nó mình không biết mỏi mệt là gì.. Đồng cỏ chát, Thà đui mà giữ đạo nhà, Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Chuyện cũ, Gã khùng, Nỗi niềm sinh tử bên rìa công thổ quốc gia, Đứa con nuôi, Đất lên, tình người xuống, Nữ hoàng áo bà ba, Chị Phượng, Ông Kỳ Phùng, Thế giới người điên, Bần nông lên ngôi vua, Bà chúa vỉa hè… quá nhiều những số phận lạ lùng, chắc chắn nó đã tìm thấy chứ nó không bịa, dù giàu tưởng tượng đến mấy cũng khó bịa ra được những số phận như vậy.
Hôm nó nhận giải tại Nhà hát lớn mình cũng đến, vì nó nhận giải mình mới đến chứ chẳng mấy khi mình đến mấy nơi đông vui công cộng thế này. Người ta xướng tên, vẫn mặc bộ đồ lùi xùi hôm qua nó vừa xuống sân bay nó lúi húi lên sân khấu, nhận xong cái bằng nó lúi húi về chẳng phát biểu phát beo gì cả. Đang khi người ta thi nhau phát biểu về sự thành công của giải, nó bấm mình, nói đi anh. Mình kéo áo nó rỉ tai, nói mày không ngồi lại nghe khen à, người ta đang khen mày ầm ầm đó kìa. Nó cười khì chặc lưỡi, nói chà, biết rồi khổ quá nói mãi… rồi kéo mình ra khỏi hội trường.
Bây giờ Võ Đắc Danh là anh bán yến, đem bồ cũ ra Quảng Bình quê tui hú hí
Bữa hôm đó ở Cá lăng Toàn Thắng mình với nó nhậu say sưa với Phạm Ngọc Tiến, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Hà. Mọi người khen nó viết kí thân phận số một Việt Nam. Nó xua xua tay, nói thôi thôi, em lạy các bác, các bác đừng cho em lên mây nữa. Chẳng qua kiếp trước em sống không ra gì kiếp nay trời mới hành em vậy. Mọi người cười, nói thôi đi ông ơi, tụi này chán món khiêm tốn lắm rồi. Nó nhìn mọi người rất nghiêm túc, nói em nói thiệt đó, nhiều khi nghĩ đến những gì mình đã viết thấy mắc cỡ muốn chết, không dám đọc lại. Bảo Ninh trợn mắt lên, nói viết thế còn mắc cỡ thì viết thế nào để tự hào đây, ô kìa! Nó rầu rầu nhìn Bảo Ninh, nói là em mắc cỡ với nhân vật của mình. Mỗi lần mình viết vể họ tên tuổi mình lại nổi lên chút đỉnh trong khi họ vẫn vậy, vẫn khổ đau, vẫn oan ức, vẫn bị đày đọa… cực thấy mồ.
Nói đến đó thì nó im, mắt rưng rưng. Như sực nhớ ra, nó gạt nước mắt cười cái xoẹt, nói thôi nói chuyện chi cho vui đi, chuyện nghề ngỗng buồn lắm. Rồi nó ép người này uống người kia uống, nói uống đi uống đi rồi tui ca vọng cổ cho nghe.
Ngồi nhậu nó thường ít nói nhưng khi đã nói thì nói rất nhiều, sướng lên nó còn ca vọng cổ rất hay, mình nghe nó ca đi ca lại Tình anh bán chiếu không biết bao nhiêu lần vẫn cứ thích nghe nữa. Nó có cả kho chuyện tiếu lâm đời mới, chuyện nào chuyện nấy cười vỡ bụng. Một hôm ăn cháo hàu, nó hỏi anh biết cháu hàu còn gọi là cháo gì không. Mình nói không. Nó bảo cháo l. ngâm, mình ôm bụng cười rũ. Nó nói cười cái gì, dân mình hay đặt tên gần gũi họ thôi chứ hàu là cái gì ai biết. Nó kể có ông chồng bảo vợ nấu cháo l. ngâm đãi bạn. Mấy ông bạn ăn xuýt xoa khen ngon. Bà vợ thích lắm, nói em mới ngâm có nửa tiếng phải vội đi đón cháu, nếu để em ngâm lâu chắc còn ngon nữa. Hi hi.
Tan cuộc nhậu nào nó cũng lừ đừ khật khừ, cứ tưởng thằng này rồi phải nằm bẹp mấy ngày, té ra không, sáng sớm gọi uống cà phê nó đã vọt đi miền Tây từ hồi nào. Cái nhà vườn đẹp thế cũng chỉ là chỗ tạm trú, đất sống của nó là những nơi những người nông dân đau khổ đang sống, ấy là nơi bùn lầy, chỗ hoang vu, chốn xơ xác, bến tiêu điều… Lắm kẻ chỉ nghĩ đến việc phải đến đó thôi cũng đã phải rùng mình kinh sợ. Suốt đời nó gắn bó với những người bất hạnh, đói rách lầm than, bị vùi dập - bị lừa đảo - bị đổ oan - bị đày đọa… Nó vừa viết vừa làm phim. Dòng phim tài liệu thân phận của nó cũng hay không kém hơn trăm cái bút kí thân phận của nó. Không phải bạn bè rồi tâng nhau, nói thật ai đã từng xem mấy phim Con trâu, Nỗi niềm U Minh Hạ, Nhức nhối một vùng quê của nó nếu không chảy nước mắt cũng đêm về khó ngủ.
Một lần ở Miếu Nổi, đang đêm xem ti vi phát lại phim Con trâu, phim làm đã khá lâu, được giải liên hoan phim Bông sen vàng lần thứ 12 từ năm 1998 thì phải. Xem xong ngồi ngẩn ngơ, xem lại vẫn cứ hay như thường. Mình gọi nó sang quán 36, nói vừa xem xong Con trâu, bỗng dưng muốn nhậu với mày quá. Nó cười khì khì, nói anh tính kêu tui sang để khen phải không. Chà, biết rồi khổ quá nói mãi.
Mình cụt hứng, cáu, nói tao thèm vào nịnh mày, nịnh mày thì được cái éo gì. Nó cười khì khì cúi mặt uống, hồi sau nó ngước lên thấy mắt nó ướt sũng nước. Mình hỏi sao khóc. Nó cười không nói gì. Ngồi im hồi lâu nó mới lau nước mắt thở dài, nói ai không thích khen. Viết văn làm phim loại cà mèng như tui được khen sướng lắm chứ. Nhưng lạ lắm anh ạ, cứ ai khen tui là tui lại nhớ nhân vật của mình, tự dưng buồn nẫu ruột.
Quán nhậu đêm vắng khách. Hai anh em ngồi nhậu cho tới khuya, chẳng ai nói với ai. Khi rượu đã ngấm nó mới thủ thỉ tâm sự, khi em khi tui, nói hồi mới vào nghề, còn trẻ hăng máu vịt lắm, tui nghĩ mình phải giống ông Lục Vân Tiên “cứu nhơn độ thế”. Tui say sưa kiếm những số phận hẳm hiu để mong làm cho họ đổi đời. Nhưng càng về sau thì càng nhận ra rằng đó chỉ là điều hoang tưởng. Rốt cuộc mình không cứu được đời họ, chưa gặp mình họ đã khổ đau, gặp mình rồi họ vẫn khổ đau, có khác chi đâu. Nó ngừng lại khẽ thở dài, nói nhiều khi em muốn bỏ nghề nhưng trời không cho bỏ, cực quá trời luôn.
Nó im lặng uống nốt chén rượu rồi đứng dậy, nói thôi em về đây, xỉn rồi. Vừa đứng lên nó lại rơi phịch xuống ngồi ngẩn ngơ, nói anh biết vì sao tui hay ca Tình anh bán chiếu không. Cái anh bán chiếu giống anh cầm bút vậy. Yêu đời thương đời nhưng thấy đời cực quá mà mình chẳng làm gì tốt để giúp đời thì xấu hổ muốn chết luôn, muốn chết luôn anh ạ. Nó cầm chén rượu không còn một giọt rượu lên soi đi soi lại, chừng muốn uống thêm chừng muốn úp chén. Và nó hát, hát say sưa. Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,/ công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. /Chiếu này tôi chẳng bán đâu…
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc