THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:08

Nguyên nhân khiến vi khuẩn HP kháng thuốc?

 

Chia sẻ từ bệnh nữ Trần Thị C., 25 tuổi, ở Tiền Giang, đi khám tại phòng khám Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khi có các triệu chứng như đau bụng, đau lan ra sau lưng, cảm giác nóng rát sau xương ức, buồn nôn. Cô được bác sĩ chẩn đoán là viêm dạ dày, HP dương tính, điều trị HP theo phác đồ lần 1. Sau đó 1 tuần, người bệnh tái khám. Tuy nhiên, những triệu chứng vẫn như cũ, không thuyên giảm. Người bệnh được cho chỉ định nội soi dạ dày, PY Test, xét nghiệm HP huyết thanh (CIM và IgG). Kết quả cho thấy người bệnh vẫn viêm dạ dày, HP dương tính. Mẫu thử HP được làm kháng sinh đồ và phát hiện là kháng thuốc. Theo khai thác bệnh sử, bác sĩ dự đoán nguyên nhân có thể do việc người bệnh quá lạm dụng sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh thông thường như viêm họng, cảm cúm,…hoặc có thể do chính con vi khuẩn HP kháng thuốc ở người bệnh khi điều trị lần đầu tiên.

Qua trường hợp kháng thuốc vi khuẩn HP nêu trên PGS TS BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Từ khi phát hiện vi khuẩn này thì các phác đồ điều trị được xây dựng tập trung để diệt vi khuẩn HP. Vi khuẩn sống trong dạ dày thích nghi với môi trường nên kháng sinh rất khó phát huy tác dụng. Kháng sinh khi uống vào gặp môi trường axit trong dạ dày thì thuốc sẽ bị hủy và giảm tác dụng. Chính vì vậy, phác đồ điều trị vi khuẩn HP ít nhất phải phối hợp với hai loại kháng sinh, kết hợp thêm thuốc giảm tiết axit mạnh (thuốc ức chế bơm proton). Thuốc này giúp giảm axit trong dạ dày giúp cho kháng sinh uống vào tăng tác dụng tốt nhất.

Phác đồ đầu tiên và hiệu quả là phác đồ bộ ba:

PPI, Amoxicilin, Clarithromycin kết hợp thêm với Omeprazol. Thời  gian đầu hiệu qủa điều trị đạt trên 80- 90%. Sau 30 năm, đến bây giờ thì phác đồ này có khuynh hướng bị giảm tác dụng. Năm 2010, theo nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì tỷ lệ điều trị thành công của phác đồ bộ 3 chỉ còn 62%.  Theo nghiên cứu thì tỷ lệ kháng thuốc gia tăng, người bệnh đã chữa lần đầu tiên nhưng bị thất bại thì tỷ lệ kháng thuốc Clarithromycin lên tới 67%,  Metronidazol thì tỷ lệ kháng là 55%, Levofloxacin là loại thuốc thế hệ mới thì tỷ lệ kháng là 16%, Amoxicilin thì tỷ lệ kháng dưới 10% . Tình hình kháng thuốc tùy theo từng quốc gia. Ở các nước như Mỹ, châu Âu, tỷ lệ kháng của Clarithromycin rất thấp do vậy các nước đó vẫn khuyến cáo sử dụng thuốc này, nhưng vùng Đông Nam Á mà đặc biệt là Việt Nam tỉ lệ kháng thuốc này cao là do việc lạm dụng, sử dụng tùy tiện kháng sinh.

Theo BS Bùi Hữu Hoàng Hiện nay, việc điều trị diệt HP trong bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng đang đối mặt với nhiều thách thức mà nguy cơ thất bại rất cao do nhiều nguyên nhân: Người bệnh không tuân thủ đúng liều lượng, thời gian và cách uống thuốc do sợ tác dụng phụ của kháng sinh, hoặc sợ phải uống số lượng thuốc quá nhiều; Vi khuẩn HP đề kháng với các kháng sinh đang sử dụng do việc lạm dụng và sử dụng tùy tiện kháng sinh; Axít trong dạ dày quá nhiều làm cho kháng sinh bị phá hủy hoặc mất tác dụng hoặc do chuyển hóa ở gan làm cho các thuốc ức chế tiết axít bị giảm tác dụng.

Theo nhận định của bác sĩ quá trình chữa trị vi khuẩn HP không đúng phác đồ hoặc không chữa trị có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào nhiễm vi khuẩn HP đều sẽ bị ung thư. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, độc tính của vi khuẩn và chế độ ăn uống. Chế độ ăn như ăn mặn, thực phẩm lên men, muối chua, thịt hun khói  làm cho thực phẩm bị biến chất gặp điều kiện vi khuẩn HP thì dễ phát sinh ung thư hơn. Chính vì vậy, chế độ ăn cho người bị nhiễm HP  thì cần tránh đồ chua cay, tránh ăn mặn, nên dùng củ nghệ vì có tính chất bảo vệ chống ung thư, làm lành những tổn thương trong viêm loét bao tử. Cộng đồng cần lưu ý vi khuẩn HP có thể bị lây nhiễm qua đường ăn uống.

Lời khuyên của BS Bùi Hữu Hoàng: Người bệnh cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng liều, đúng lượng, đúng giờ. Khi có tác dụng phụ, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để có điều chỉnh kịp thời. Các bác sĩ cần cập nhật thông tin liên tục về tình hình đề kháng thuốc để tránh các thuốc có tỉ lệ kháng cao, sử dụng các loại thuốc còn hiệu quả và nếu biết người bệnh đã thất bại trong điều trị các loại thuốc thông dụng thì cần chỉ định nội soi để làm kháng sinh đồ, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Trước trường hợp người bệnh điều trị hoài mà không diệt hết vi khuẩn và bệnh cứ tái phát, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức: “Chương trình tư vấn biện pháp điều trị diệt vi khuẩn Helicobacter pylori ở những người bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng bị tái phát hoặc tái nhiễm”

Thời gian    : Thứ 2 và thứ 3 hàng tuần vào tháng 07/2016 đến tháng 08/2016

Địa điểm     : Phòng khám Tiêu hoá, lầu 1, khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM.

Điện thoại đăng ký tham dự chương trình: (08) 3952 7111

Đối tượng: Người bệnh đã điều trị diệt H. pylori nhiều lần mà vẫn bị thất bại

Quyền lợi: Người bệnh tham gia tư vấn sẽ nhận được phiếu hỗ trợ điều trị theo chương trình, mỗi phiếu hỗ trợ sẽ bao gồm:

          - Miễn phí tiền thuốc điều trị diệt H.pylori trong 2 tuần

          - Miễn phí chi phí cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ, xác định tình trạng  gen CYP2C19 giúp chuyển hóa thuốc ở gan

- Hỗ trợ 250.000 VNĐ/người bệnh cho chi phí  PY test C13 (xét nghiệm hơi thở giúp xác định vi khuẩn H.pylori còn trong dạ dày hay không).

Pha Lê/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh