CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Nguyên mẫu ni cô Huyền Trang nhà tu hành chiến sĩ

 

Gia đình kiếp tu

Bà là Phạm Thị Bạch Liên, quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Từ nhỏ, Bạch Liên sống với mẹ cùng 9 anh chị em trong ngôi chùa của gia đình. Cha là công nhân thợ nước ở Sài Gòn, uất hận trước cảnh áp bức bất công nên đã lên núi theo nghiệp tu hành. Sau đó mẹ bà và lần lượt tất cả những đứa con đều xuống tóc đi tu. 7 tuổi,  ni cô Bạch Liên bắt đầu làm quen với những bài kinh cầu nguyện, chính thức bước vào con đường “sa di”, rồi thọ giới Tì Kheo mang pháp danh Diệu Thông sau vài năm. Vì muốn con mình theo con đường đạo trọn vẹn, cha đã gửi Diệu Thông theo học ni trường Diệu Đức ở Huế. Năm ấy, miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lụt lội hoành hành. Trong cảnh đói kém, Diệu Thông tham gia cùng các tăng ni theo xe của chùa đi phát gạo, phát thuốc cho dân nghèo. Lợi dụng hoạt động hợp pháp, đoàn xe của chùa chạy thẳng lên chiến khu tiếp tế gạo cho bộ đội.

Hôm ấy, cả một quãng đường xa, lầy lội, đoàn vừa chạy vừa cảnh giác giặc phát hiện, lái xe lại không quen đường nên đến đoạn cua không kịp trở tay, xe bị lật. Mọi người hoảng loạn, nhưng không ai bị sao, riêng ni cô Diệu Thông kẹt trong ca- bin và bị thương ở đầu, máu thấm đẫm chiếc khăn trùm. Tai nạn dù được che đậy kín đáo nhưng vẫn bị nhà cầm quyền tình nghi. Chúng có cớ buộc trường phải đuổi học một số tăng ni trong đó có Diệu Thông.

Ni cô Huyền Trang thời trẻ...   (ảnh tư liệu).

 

Trở về Sài Gòn trong khi vết thương trên đầu còn chưa lành hẳn, ni cô Diệu Thông mang theo nỗi buồn sâu thẳm. 3 năm tu nghiệp, văn hóa mới học đệ nhất đành gác lại, buồn hơn nữa là đã không làm tròn ý nguyện của cha. Sài Gòn và cả miền Nam thời gian này đang có những chiến dịch tố cộng diệt cộng đẫm máu. Trên đường từ Sa Đéc về nhà ở xã Tân Dương, ni cô Diệu Thông bàng hoàng khi tận mắt nhìn thấy những cái máy chém của luật 10/59 lê khắp nơi. Trong những bài cầu kinh đêm đêm thường bị cắt ngang, phân tâm bởi những gì ni cô tận mắt nhìn thấy. Cuối cùng ni cô hiểu ra rằng, cái cốt của đạo là cứu khổ cứu nạn, nếu ngồi tu trong nhà mà ngoài kia dân mình gặp khổ hạnh bởi chiến tranh thì coi như việc tu chưa thành, là chưa đúng với những điều Phật dạy. Diệu Thông đã quyết chí lên Sài Gòn, sống cuộc đời tu hành tự lập và nuôi dưỡng một ý định táo bạo được cho là bứt phá trong giới tu hành.

Bí danh Huyền Trang - nhà tu chiến sỹ

Ni cô Diệu Thông cùng người cháu là Thích Viên Hảo xây dựng ngôi chùa đặt tên là Bổn Nguyện tọa lạc tại số 82B Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2, P.12, Q.11). Trên góc đường này trước kia chỉ toàn nước và sình lầy với những ngôi nhà mái lá lụp xụp mà người ta gọi là khu ổ chuột của những người cùng khổ. Vùng sình ẩm ướt này đã mọc lên một ngôi chùa mái lá ngày ngày tỏa khói hương nghi ngút ấm áp. Từ đây, chùa Bổn Nguyện còn là nơi may cờ, in ấn tài liệu, truyền đơn cho cách mạng.

Chùa Bổn Nguyện bắt đầu có nhiều phật tử lui tới thường xuyên hơn. Đó là một mạng lưới cách mạng đang phát triển lớn dần lên trong vỏ bọc nhà chùa dưới sự chở che và trực tiếp chiến đấu của ni cô Diệu Thông. Kiếp tu hành của ni cô Diệu Thông từ đây chính thức bước sang một chương mới, để rồi bí danh Huyền Trang trở thành một mắt xích không thể thiếu trong trang phục nhà tu chiến sĩ. Đêm đêm trong mái chùa văng vẳng tiếng cầu kinh niệm Phật, dưới bóng đèn vàng vọt của căn buồng nuôi giấu cách mạng, ni cô Huyền Trang cùng các chị cần mẫn đánh máy, in truyền đơn bằng bột và bí mật đem rải ngoài phố. Ni cô hăng say làm việc, tích cực đưa thư từ giao liên trong nội thành. Được một thời gian, khi chùa Bổn Nguyện đi quá sâu vào con đường ngoại đạo nên cảnh sát bắt đầu theo dõi. Chúng tìm đủ mọi cách phá hoại chùa và để dằn mặt những nhà tu đang cố tình hướng ngoại, tiếp tế, che chở Việt cộng.

... và hiện tại.

 

Những trận đánh lịch sử

Trong mỗi trận đánh, ni cô Huyền Trang luôn là người dẫn đường, chỉ điểm. Những trận xuất phát tại chùa mỗi ngày một dày đặc hơn, mạnh mẽ hơn. Chùa Bổn Nguyện cũng là nơi đầu tiên chứng kiến cảnh những chiến sĩ ra đi không bao giờ trở về. Đó là Tám A và Tám Ngoan, hai chiến sĩ biệt động gan dạ, trung kiên từng tham gia nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ở Sài Gòn. Trong trận đánh xe bus từ cư xá đường Nguyễn Văn Thoại đến phi trường, khi xe Honda hai ni cô vừa tới nơi thì xe chở sĩ quan Mỹ cũng vừa lăn bánh. Không thể để mất cơ hội, Tám A lái xe đuổi theo và cập vào hông xe bus, rút chốt trái nổ trực tiếp và hai ni cô đã anh dũng hy sinh. Nghe tiếng nổ giống với những trận đánh thường diễn ra trong nội thành, ni cô Huyền Trang lao ra đường xem tình hình. Tới nơi thấy người đứng xúm lại đông nghẹt, rẽ dòng người vào hiện trường chợt mắt ni cô sụp xuống khi nhận ra hình dạng không lành lặn của hai đồng chí mình. Không thể lại gần thi thể kia bởi cảnh sát đang phong tỏa hiện trường, ni cô Huyền Trang lấy lại bình tĩnh để không bật khóc rồi chạy một mạch về chùa thông báo cho mọi người biết hung tin. Tám A hy sinh ngẫu nhiên giống với chồng của cô trông một lần nổ bộc phá tại Biên Hòa. Vậy là hai vợ chồng cùng là biệt động, cùng hy sinh trong hoàn cảnh vô cùng anh dũng. Họ để lại đứa con gái đang gửi ở chùa. Ngày mẹ đi đánh trái nổ, nó đã khóc thét níu áo không cho đi. Vậy mà người mẹ cắn răng, dứt vạt áo ra đi và không bao giờ trở về với nó nữa. Ni cô Huyền Trang thường tâm sự chân tình với những người bạn vong niên của mình rằng cuộc đời bà là một nhà sư, nhưng từ khi dấn thân theo con đường cách mạng thì thấy đời sáng tỏ ra nhiều thứ. Bà có tình yêu thật sự với những người cách mạng, tình yêu đã phát triển lớn dần lên thành tình yêu đất nước sâu nặng. Điều ấy đã thôi thúc bà vượt ra khỏi phạm vi ràng buộc của một người tu hành. Chính thuyết “vô ngã” đã chinh phục lòng tự nguyện của ni cô Diệu Thông từ trong vòng tay của Phật. Vậy là năm 1982, bà để tóc và hoàn tục.

Cuộc đời của ni cô Huyền Trang cùng với những trận đánh đã đi vào lịch sử. Chiếc áo nhà tu cùng chiếc khăn trùm màu vàng úa của bà được đặt trang trọng trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ như một chứng nhân có thật của lịch sử. Chiếc Honda mà ngày xưa bà từng rong ruổi khắp Sài Gòn chở đội quân biệt động đi đánh Tòa đại sứ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh do Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh tặng, nay kỉ vật ấy bà muốn gửi lại Bảo tàng làm tư liệu. Cuộc đời bà còn được xây dựng thành nhân vật chính trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Huyền Trang - nhân vật tạo dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả xuyên suốt câu chuyện.

Bộ phim có sức lan tỏa rộng lớn và cho đến nay, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc đến điện ảnh thủa ấy, người ta vẫn nhớ một “Biệt động Sài Gòn” hào khí và oanh liệt. Trong bộ phim, ni cô Huyền Trang đã hy sinh, nhưng nguyên mẫu ngoài đời vẫn đang sống. Chiến tranh kết thúc, ni cô từng di chuyển nhiều nơi, trải qua nhiều công việc nhưng cuối đời lại nương mình tại một ngôi chùa ở Long Xuyên (An Giang). "Niềm vui lớn nhất của tôi lúc này là đạo pháp, hàng ngày được gần Phật, được nghe tiếng chuông, tiếng mõ để cầu mong tự giải thoát cho mình và giải thoát cho những vong linh. Vậy thôi, bởi dù sao tôi thấy mình cũng đã không chọn sai đường...", bà nói và nhìn xa xăm.

SONG HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh