THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:00

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên mặt trận báo chí 100 năm trước

Để góp phần thực hiện Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người đã đặt vấn đề truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương nói riêng và vào châu Á nói chung. Và báo chí được Người xem là một mặt trận tiên phong nhất trong cuộc chiến đặc biệt này.

Vâng, tròn 100 năm trước đây, Người chính thức trở thành người cộng sản và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đứng cùng hàng ngũ của những người Nga vừa tiến hành thành công cuộc cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Người phấn khởi và cảm tưởng cả thế giới loài người tiến bộ sẽ đứng cạnh dân tộc Việt Nam với tình thân thiện giúp đỡ. Để có được điều này, ngay trên đất Pháp, Người đã bắt tay đưa vấn đề thuộc địa vào chương trình hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Thời điểm này, báo chí tiến bộ Pháp đã bắt đầu viết những bài tố cáo quyết liệt chính sách thực dân của đế quốc tại các thuộc địa. Tuy nhiên, vấn đề Đông Dương lại chưa được chú ý. Thời gian này, Người thường đến trụ sở báo Le Libertaire để lấy báo gửi về cho đồng bào. Ngay trên tờ báo này, Người cũng đã có những bài viết và bức họa vẽ một bản đồ Đông Dương bị xích sắt quấn chặt như một con vật, bị trói bên trên bản đồ, phía miền Bắc có một chai rượu đang đổ vào, ý nói con vật đang bị ép uống thuốc độc; bên cạnh có một tên thực dân đang giơ gậy vẻ đe dọa. Bên trên bức vẽ có đề là "Máu của dân quê". Bên dười có hàng chữ: Thuốc phiện và rượu, thứ thuốc độc mà bọn khai hóa đã chế tạo ra ...

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên mặt trận báo chí 100 năm trước - Ảnh 1.

Nguồn ảnh internet.

Đặc biệt, trên tạp chí Cộng sản - một tạp chí có uy tín thời ấy ở Pháp, người ta thấy bài của Nguyễn Ái Quốc. Bài của Người đăng trong mục: Phong trào Cộng sản quốc tế. Tạp chí số 14 ra ngày 14-4-1921 và số 15 ra ngày 15-5-1921, đăng liên tục hai bài báo của Người đều với tiêu đề "Đông Dương"... Mở đầu bài báo thứ nhất, Người phê bình một số đảng Cộng sản chưa quan tâm đến vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa. Người viết: "Mặc dầu Quốc tế Cộng sản đã đặt vấn đề thuộc địa xứng đáng với tầm quan trọng của nó, bằng cách đưa vào chương trình hành động cấp thiết nhất, trên thực tế, các chi bộ ở các cường quốc thực dân cho đến nay vẫn chưa quan tâm đến vấn đề đó. Các chi bộ đó vẫn chưa nghiên cứu vấn đề một cách nghiêm túc". Tiếp đó, Người phê phán hai quan điểm sai lầm về Đông Dương: "Nói rằng đất nước này-gồm 20 triệu người bị bóc lột- ngày nay đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng là sai. Nhưng nói rằng, Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ-như các ông chủ của chúng ta vẫn thường nghĩ- thì lại càng sai hơn nữa". Người tố cáo sự áp bức bóc lột, sự đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện của đế quốc Pháp đối với nhân dân Đông Dương và khẳng định tinh thần cách mạng của nhân dân Đông Dương: "Không! Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi... Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng, từ Ấn Độ chiến đấu, đang thổi đến giải độc cho những người Đông Dương". Nhân dân Đông Dương tuy không được học tập bằng sách vở hay bằng diễn văn, nhưng họ được sự giáo dục bằng cách khác: "Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ... Người Đông Dương cứ tiến bộ một cách mầu nhiệm và khi cơ hội cho phép, họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ". 

Bài báo kết thúc với một ý mang tính tiên đoán, dự cảm tài tình: "Người Đông Dương che dấu một cái gì đang sôi sục, đang gầm thét, và khi thời cơ đến, nó sẽ bùng nổ mãnh liệt. Những người tiên phong phải thúc đẩy cho thời cơ mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất: chủ nghĩa xã hội chỉ việc gieo hạt giống".

Mở đầu bài báo thứ hai, Người nêu vấn đề: "Chế độ Cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?... Trả lời câu hỏi đó, chúng ta có thể khẳng định rằng có(...). Do lịch sử cho phép, chủ nghĩa Cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á hơn là châu Âu". Để làm được điều đó, Người nêu trách nhiệm của những người cộng sản phải truyền bá chủ nghĩa Cộng sản vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng: "...Chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế". Và Người kết luận: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn".

Thời kỳ này, Người không chỉ viết bài về Đông Dương, về đất nước mình, Người còn viết về các thuộc địa khác nữa, như khi đề cập đến phong trào cách mạng tại Ấn Độ, Người lược qua lịch sử của những cuộc nổi dậy kể từ cuối thế kỷ XIX. Người đề cập đến nhiều chi tiết liên quan mà chỉ độc giả Ấn Độ đọc thì mới hiểu rõ. Điều cảm động là cuối bài, Người vẫn tìm cách đưa vấn đề Đông Dương vào, để nhắc nhở độc giả đừng quên thuộc địa xa xôi này. Nơi ấy quê hương và đồng bào của Người đang quằn quại dưới ách của thực dân. Tháng 9-1921, Người viết bài "Nền văn minh thượng đẳng", mỉa mai, nhạo báng lớp người đội lốt văn minh, nhưng thực sự là những kẻ hết sức tàn ác, tham lam, đi ăn cướp ở thuộc địa. Tháng 10 năm này, Người lại viết bài "Sự quái đản của nền văn minh". Bài viết có đoạn: "Trong mọi bài diễn văn, trong mọi báo cáo, ở mọi nơi, cứ có cơ hội được mở miệng và có kẻ đi nghe, là những nhà chính khách của chúng ta không ngừng khẳng định rằng: chỉ có nước Đức man rợ là đế quốc và quân phiệt. Còn nước Pháp-cái nước yêu hòa bình, nhân đạo, cộng hòa và dân chủ này... chẳng hề đế quốc lẫn quân phiệt. Ôi! đâu phải như vậy. Neeuss cũng chính những vị chính khách này gửi binh lính-con cái của công nhân và bản thân những người công nhân nữa đi tàn sát công nhân của những nước khác, thì chỉ đơn giản là được để dạy cho họ biết sống tốt. Chỉ có thế thôi". Còn bài "Hãy yêu mến nước Pháp đang bảo vệ các người" có giọng điệu vừa mỉa mai, vừa nhạo báng rằng: "... ở Đông Dương những trường học hiếm có tới mức phải hơn một trăm quán rượu và thuốc phiện mới có một trường học". Do đó, số tiền họ kiếm được từ việc bán các loại thuốc độc đó nhiều gấp hàng trăm lần số tiền họ chi cho giáo dục trong một năm. Cả ba bài báo này đều đăng trên tờ Le Libertaire. Những bài báo này như những mũi chông nhọn hoắt chĩa thẳng vào bọn thực dân đế quốc. Đây là những bài báo tuy được trình bày lý luận có phần đơn giản, nhưng nội dung những sự kiện nêu lên trong bài thì thật đanh thép, sâu sắc, giữ được ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc. Cũng trong tháng 10-1921, Người tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, với mục đích là giải phóng những dân tộc thuộc địa và có ý định lập tờ báo Người cùng khổ bằng tiếng Pháp để làm cơ quan tuyên truyền của hội. Nhưng với nhiều lí do khác nhau, tờ báo mãi đến năm 1922 mới ra đời...

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người và Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), lần giở những dấu son của Người trên mặt trận báo chí 100 năm trước để một lần nữa giúp ta cảm nhận thêm sâu sắc về tầm tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cách đây tròn thế kỷ. Nhớ Người, tìm hiểu những bài viết của Người 100 năm trước, cũng là một cách để những người làm báo tri ân, tiếp thêm năng lượng từ tâm hồn, trí tuệ, phong cách của Người trong lĩnh vực mà mình yêu thích.

CTV Nguyễn Thị Thọ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh