CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:56

Nguy cơ cháy nổ chung cư: Điểm danh các tòa nhà vi phạm PCCC

 

Những thảm họa chết người không phải mới xảy ra lần đầu
Vụ cháy rạng sáng ngày 23/3 mới đây ở chung cư Carina ở số 1648 Võ Văn Kiệt (quận 8, Tp. HCM) đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đáng nói đây không phải là lần đầu xảy ra “thảm họa” này, mà trong thời gian dài vừa qua, hàng loạt vụ hỏa hoạn tương tự đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và của.
Còn nhớ cách đây 16 năm, ngày 29/10/2002, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại vũ trường Blue, thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITC, sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội. Vụ cháy làm chết 60 người, trong đó có 4 người nước ngoài, bị thương 70 người do bỏng, ngạt và nhảy từ trên tầng cao tòa nhà xuống. Thiệt hại tài sản lên đến hơn 32 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn khủng khiếp này là khi hàn các bulong định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm gây cháy lan nhanh và cháy lớn. 

Hàng loạt chung cư có nguy cơ cháy nổ rất cao, vi phạm về an toàn phòng cháy, nhưng việc xử lý vẫn chưa triệt để khiến tính mạng người dân luôn bị đe dọa


Cũng tại TP. HCM, mới đây nhất, tối ngày 15/7/2016, tại  chung cư HQC Plaza nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM) đã xảy ra cháy, lửa bùng lên tại tủ điện ở tầng 11 tòa chung cư. Lực lượng bảo vệ của chung cư cố gắng chữa cháy tại chỗ nhưng không thành, nhiều người bị kẹt trên các tầng cao hoảng loạn cầu cứu. Điều đáng nói chung cư HQC Plaza chưa được nghiệm thu PCCC do đang trong giai đoạn hoàn thiện. rất may vụ việc không gây thiệt hại về người.
Còn tại Hà Nội, liên tiếp từ năm 2015 đến nay, rất nhiều những vụ cháy chung cư đã xảy ra với một kịch bản rất giống nhau, đó là hệ thống PCCC bị vô hiệu, chủ đầu tư vi phạm an toàn phòng chống cháy nổ. 
Điển hình vụ cháy xảy ra ngày 11/10/2015 tai tòa nhà CT4A chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) xuất phát từ tầng hầm, khiến cho tòa nhà 34 tầng chìm trong bóng tối. Tiếp đó, ngày 16/9/2017 một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư HH4 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong vụ cháy này đã có 25 người được giải cứu, 43 người thoát nạn. Đến cuối năm 2017, tại Hà Nội lại xảy ra vụ cháy chung cư Golden Westlake 162A Hoàng Hoa Thám 25/12, khiến hàng trăm người dân sống tại đây bị ảnh hưởng.
Mới đây, chỉ sau 2 ngày xảy ra vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina tại TP. HCM, thì tại Hà Nội, sáng 25/3 toà chung cư CT5A, thuộc KĐT Văn Khê xảy ra hỏa hoạn. Thông tin ban đầu khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống báo động chữa cháy tại tòa nhà này đã bị tê liệt, khiến hàng trăm hộ dân không biết tòa nhà đang bị cháy, chỉ khi nghe tiếng còi xe cứu hỏa thì mọi người mới gọi nhau bỏ chạy thoát thân.
Hàng trăm người chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do cháy nổ
Theo cơ quan chức năng, trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017,  trên địa bàn cả nước xảy ra 3.464 vụ cháy, nổ, làm 85 người chết và 220 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng.
Còn tại Hà Nội, mới đây, Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết tính đến ngày 10/1/2018, có 42/79 công trình chung cư cao tầng chưa thực hiện xong quy định về PCCC. 4 công trình chung cư cao tầng vi phạm các quy định về PCCC phát sinh mới, chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, gồm: Tòa nhà Capital Garden - ngõ 102 Trường Chinh; Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê số 4 Chính Kinh; Tòa nhà Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp số 52 Lĩnh Nam; Chung cư RubyCity CT2 - Phường Giang Biên.

Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã xử phạt hành chính 4 chung cư này, với số tiền 263 triệu đồng. Theo  UBND thành phố Hà Nội, năm 2017 có 79 chung cư vi phạm phòng cháy chữa cháy. Đến cuối tháng 11/2017  đã có 21 trên tổng số 79 chung cư vi phạm  khắc phục xong. Còn 58 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó có 13 công trình của Tập đoàn Mường Thanh. Với một số chủ đầu tư chây ỳ, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội tiếp tục củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý.
Trong số 58 công trình trên, có 26 công trình bị đình chỉ hạng mục. Các dự án này gồm: Dự án chung cư CT1, CT2,3 khu đô thị Dream Town (chủ đầu tư Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Đại Mỗ); tòa nhà Golden West (Công ty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam); Nhà ở kết hợp văn phòng Sakura Tower (Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn); Toà nhà CT8, CT10 ở Tả Thanh Oai (Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh)...
Có 17 công trình tạm đình chỉ hoạt động hạng mục gồm: dự án Chung cư CT1 Usilk City (Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư) tạm đình chỉ hạng mục tầng hầm 1,2; Tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (chủ đầu tư Công ty cổ phần thương mại Hà Tây) tạm đình chỉ hạng mục tầng hầm 1, 2A, 2B, 3 và các tầng khối đế từ tầng 1 đến tầng 5…
Việc xử lý các chung cư vi phạm về an tòan phòng cháy, chữa cháy là lẽ đương nhiên, nhưng với số lượng và quy mô vi phạm “khủng” như trên thì việc xử phạt “như muối bỏ bể”, và nói cho đúng là chỉ mang tính chất "minh họa", và tính mạng người dân vẫn đang ngày ngày bị đe dọa mọi lúc, mọi nơi.
Nhiều người đặt câu hỏi: Lý do gì mà hàng loạt chung cư vi phạm an toàn phòng, chống cháy nổ tại Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại?, hay vì do các cơ quan chức năng bảo kê, nhắm mắt làm ngơ?. Do đó, nếu không mạnh tay xử lý triệt để, thì những tai họa tương tự như vụ cháy chung cư tại TP. HCM rạng sáng ngày 23/3 khiến hàng chục người thương vong sớm muộn cũng xảy ra.
Rà soát tổng thể các công trình trên cả nước
Ngay trong ngày 23/3, sau khi xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện 359/CĐ-TTg để chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy. 
Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Sở Xây dựng TPHCM và Viện Khoa học Công nghệ xây dựng khẩn trương tiếp cận hiện trường công trình, kiểm tra hiện trạng sự cố và phối hợp xác định nguyên nhân gây cháy, đề xuất hướng dẫn các giải pháp di dời người dân, tài sản khỏi công trình bảo đảm an toàn cho người và công trình cũng như các công trình lân cận. Các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá những ảnh hưởng của sự cố đến công trình để có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người dân.
Yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương tổ chức tiến hành rà soát các công trình tương tự đã được đưa vào khai thác sử dụng để yêu cầu các chủ đầu tư công trình có giải pháp khắc phục bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Rà soát hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho các công trình xây dựng tương tự bảo đảm đầy đủ, phù hợp đồng thời hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình áp dụng nhằm bảo đảm an toàn công trình.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh