THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:41

Nguy cơ “chảy máu chất xám” từ hội nhập quốc tế

 

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ luận bàn về nguy cơ “chảy máu chất xám” giữa các nước thành viên khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong tương lai.

Chảy máu chất xám” là gì ?

Hiểu theo nghĩa đầy đủ, “chảy máu chất xám” là hiện tượng giới trí thức ra nước ngoài học tập, tu nghiệp, sinh cơ lập nghiệp tại nước đó, họ cống hiến kiến thức, tài năng họ có được cho quốc gia mà họ đến. Cùng với tự do thương mại, xóa bỏ ranh giới, sự “dư cư chất xám” giữa các nước đã trở thành một hiện tượng mang tính khách quan của thời đại. Ngành Kinh tế học, cụ thể là Kinh tế tân cổ điển, đã nhấn mạnh đến tính hợp lý của sự phân phối này vì nó tuân theo “quy luật cung - cầu” của thị trường lao động. Nói cách khác, chất xám sẽ chuyển dịch đến nơi mà hiệu năng sử dụng nó cao nhất.

Nguy cơ “chảy máu chất xám” từ AEC.

AEC là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN đã chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng Chính trị - An ninh; Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội), nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. AEC sẽ hợp nhất nền kinh tế của 10 nước thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số khoảng 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) hàng năm ước khoảng 2.500 tỉ USD. Khi AEC hình thành, lao động trong 8 lĩnh vực ngành nghề bao gồm: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ và du lịch sẽ được tự do dịch chuyển giữa các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp các nước thành viên AEC tuyển dụng được nhân sự giỏi. Tuy chưa xảy ra ngay nhưng nguy cơ “chảy máu chất xám” là khó tránh khỏi trong tương lai gần. Bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn lao động có kỹ năng, chuyên môn. Một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng sẽ nhanh chóng được hình thành trong AEC. Việt Nam là thành viên của AEC nên việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên là tất yếu đồng thời cũng là cơ hội để quá trình hội nhập và cạnh tranh trên phân khúc thị trường lao động có kỹ năng, chuyên môn. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt và sự tham gia của lao động nước ngoài trên thị trường lao động Việt Nam là điều tất yếu. Theo báo cáo vừa công bố của En World Group và Navigos Search (chuyên về tìm kiếm nhân sự cấp cao), có 71% nhân sự cấp cao và cấp trung của Việt Nam muốn chọn Singapore là điểm đến làm việc. Con số trên đã được Navigos Search đưa ra sau cuộc khảo sát về nhu cầu dịch chuyển lao động cấp cao - cấp trung người Việt sau khi AEC được thành lập. Điều này cũng cảnh báo nguy cơ "chảy máu" nguồn nhân lực đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Khảo sát được En World Group và Navigos Search thực hiện với gần 2.000 nhân sự cấp cao từ các công ty đa quốc gia (multi countries corporation), trong đó 44% người tham gia khảo sát tại Thái Lan, Singapore và Việt Nam có kinh nghiệm làm việc từ 10 năm trở lên. Kết quả cho thấy rằng có đến 67% nhân sự tham gia khảo sát tại Thái Lan và 71% nhân sự tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Singapore là điểm muốn đến làm việc. Trong khi đó Campuchia, Lào, Phillipines là ba nước ít được lựa chọn nhất, với tỷ lệ 1% - 3% những lao động tham gia khảo sát lựa chọn. Việc di chuyển lao động tạo khả năng mang lại lợi ích cho lực lượng lao động như cải thiện tiền lương, việc làm và sự ổn định cuộc sống. Di chuyển lao động còn phản ánh trình độ cao của mở cửa thị trường lao động cũng như năng lực quản lý lao động của các quốc gia có liên quan. Người lao động di chuyển giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để tạo ra giá trị cho xã hội thì họ còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống và tác phong. Vì vậy, rất dễ gây nên tính phức tạp trong quản lý di cư cũng như làm phát sinh các vấn đề xã hội khác.

Ảnh hưởng của “chảy máu chất xám” đến phát triển kinh tế.

Ngày nay, thuật ngữ “chảy máu chất xám” dần được thay thế bằng thuật ngữ “luân chuyển chất xám”. Sự luân chuyển này diễn ra trên diện rộng, từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (tư nhân) cho đến luân chuyển chất xám từ khu vực doanh nghiệp trong nước (cả quốc doanh và tư nhân) sang khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, đáng lo ngại hơn là “luân chuyển chất xám” từ trong nước ra nước ngoài thông qua con đường du học, tu nghiệp và du lịch. Chưa có thống kê chính thức về số lượng du học sinh, nghiên cứu sinh, chuyên gia ra nước ngoài học tập, tu nghiệp rồi ở lại làm việc và sinh sống tại đất nước họ đến. Giống như bao hiện tượng khác, hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng có hai mặt của vấn đề, mặt tích cực và mặt tiêu cực do những điều kiện khách quan và chủ quan tạo nên.

Về mặt tích cực, “chảy máu chất xám” là hiện tượng tất yếu của tiến trình toàn cầu hóa. Nó làm gia tăng chất lượng của nguồn nhân lực tại chỗ, tức là nơi được chất xám “chảy” đến. Ngoài ra, hiện tượng này còn thiết lập và làm chặt chẽ hơn mối quan hệ khoa học, chuyên môn và kinh tế giữa các nước với nhau. Chúng ta cùng nhìn lại sự phát triển thần kỳ của các quốc gia Đông Nam Á (trước hết là Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc), phần đáng kể là do những chuyên gia của các nước đó mang tài năng, vốn tri thức quay trở về đóng góp cho quê hương sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và sinh cơ lập nghiệp ở các nước phát triển. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là “brain gain”, tức sự quay trở về của chất xám hay thu thêm chất xám. Điển hình như trường hợp của Ấn Độ, người Ấn vốn rất thông minh, họ giỏi Toán học và Anh ngữ (ngôn ngữ giao tiếp chính tại Ấn Độ). Các du học sinh, chuyên gia Ấn Độ sang du học và tu nghiệp tại Mỹ. Sau đó họ ở lại Mỹ, sinh cơ lập nghiệp, làm việc cho thung lũng Silicon (Silicon valley) trong nhiều năm dài. Khi Ấn Độ tuyên bố lấy chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT) làm trọng tâm, những chuyên gia CNTT Ấn kiều đã quay về phục vụ cho quê hương của họ. Từ đó, Ấn Độ đã ghi tên mình vào bản đồ CNTT của thế giới và trở thành một trong số ít các quốc gia có nền CNTT phát triển bậc nhất trên thế giới. Về mặt tiêu cực, quốc gia bị “chảy máu chất xám” sẽ phải mất đi một nguồn kinh phí đào tạo và nguồn vốn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển đất nước, đặt biệt là các nước kém phát triển. Mặt khác, “chảy máu chất xám” còn làm giảm đi tính hiệu quả của chính sách thu hút nhân tài của quốc gia.

Tóm lại, nguy cơ “chảy máu chất xám” giữa các nước trong khối AEC vừa là thách thức lớn đồng thời cũng là cơ hội trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng khan hiếm. Chính phủ cũng như các tập đoàn kinh tế trong nước cần có những chính sách đúng đắn, kịp thời nhằm giảm thiểu những tổn thất do “chảy máu chất xám” gây ra. Bên cạnh đó, các tổ chức, tập đoàn cũng cần phải chú ý đến việc điều chỉnh, thay đổi phương pháp quản trị và điều hành sao cho phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tổ chức, quản trị quốc tế,  phong tục tập quán của các nước nhằm thu hút chất xám từ các nước thành viên trong khối AEC sẽ “chảy” vào nước ta trong thời gian tới.

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh