Nguồn vốn vay giải quyết việc làm: Tạo sức bật cho vùng DTTS và MN
- Bài thuốc hay
- 11:11 - 05/10/2023
Pa Tần là xã biên giới duy nhất của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ nguồn vốn vay, các hộ được vay đã đầu tư vào mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt và mua máy móc sản xuất mở rộng ssanr xuất kinh doanh…
Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như gia đình chị Vũ Thị Ngọc ở bản An Tần vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đầu tư mua 15 con lợn giống, hơn 200 con gà, vịt và sửa sang, xây dựng mới chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Từ nguồn vốn đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.
Chị Vàng Thị Loan - bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên thì chia sẻ: “Khi nghe Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản thông tin về chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm tôi rất phấn khởi. Gia đình tôi dành toàn bộ vốn vay đầu tư làm chuồng kiên cố, chăn nuôi trâu bò. Chủ động phòng chống dịch bệnh và chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ thú y, từ 6 con trâu, bò đến nay đàn gia súc sinh trưởng phát triển thành 10 con. Nhìn đàn trâu, bò con nào con nấy béo tốt, tôi vui lắm. Nhờ đồng vốn ngân hàng, cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều, có tiền nuôi con ăn học. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”.
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến các điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.
NHCSXH tỉnh Lai Châu chỉ đạo NHCSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Ở Lai Châu, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm; chế biến miến dong, bún, bánh đa… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên.
Có thể nói, các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn vốn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của người dân tộc thiểu số như vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, , góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới NHCSXH mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang NHCSXH để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.