THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:46

Nguồn vốn chính sách: Giúp chống tái nghèo tại vùng đồng bào DTTS

Lai Châu là tỉnh miền núi, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Dân số toàn tỉnh có khoảng 456.000 người với 20 dân tộc cùng sinh sống.

Nhằm nâng cao đời sống người dân, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh triển khai , trong đó nguồn vốn tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao.Từ nguồn vốn được vay, các hộ đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa), đào ao nuôi trồng 30ha thủy sản; trồng rừng, trồng cây ăn quả; sản xuất rau, trồng hoa ứng dụng công nghệ có giá trị kinh tế cao … Qua đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho những hộ mới thoát nghèo và  giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Vào những ngày này, đội ngũ cán bộ NHCSXH trong toàn tỉnh Lai Châu vẫn đang gấp rút triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển SXKD, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Gia đình anh Đèo Văn Dưng ở thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ  đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phong Thổ giải quyết cho vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Nhờ vậy anh  đã có vốn để tái đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc. Cũng như  gia đình anh Dưng mà nhiều hộ dân được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đều vui mừng phấn khởi, bởi họ đã có vốn để mua trâu, bò; trồng rừng và cho con cái ăn học, tập trung phát triển kinh tế.

Nhiều mô hình chăn nuôi đã được  các gia đình triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhiều mô hình chăn nuôi đã được các gia đình triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao

Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu, Nguyễn Thanh Hà cho biết, để Nghị quyết 11/NQ-CP sớm đi vào cuộc sống, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với trong việc tổ chức triển khai và tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Chi nhánh cũng chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát đối tượng, xác định và tổng hợp nhu cầu vay vốn từ cơ sở. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện theo dõi riêng dư nợ cho vay thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện về hồ sơ thủ tục, quy trình nghiệp vụ cho vay để giải ngân các chương trình, đảm bảo kịp thời đúng đối tượng, theo đúng tinh thần chỉ đạo và mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.Đồng thời, mở rộng cho vay đối với người lao động là thành viên của hộ mới thoát nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đối với NHCSXH tỉnh để nâng mức đầu tư cho vay theo nhu cầu và dự án của hộ mới thoát nghèo.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh