Nguồn cung thiếu hụt, giá lợn, gia cầm tiếp đà tăng
- Huyệt vị
- 18:38 - 12/09/2019
Giá gà, lợn đồng loạt tăng
Theo Bộ Công thương, trong tháng 8 vừa qua, giá lợn hơi tại các địa phương trên cả nước có xu hướng tăng mạnh so với cuối tháng 7/2019 do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường tăng.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục duy trì mức cao, ngày càng nhiều địa phương xuất hiện mức giá lợn hơi trên 50.000 đồng/kg, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện giá lợn hơi tại miền Bắc trung bình nằm trong khoảng từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Các địa phương như: Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ và Thái Nguyên, giá lợn hơi đạt mốc 48.000 đồng/kg, một vài khu vực giá lợn lên tới 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá cũng trong xu hướng tăng mạnh so với cuối tháng 7, với mức tăng khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi ở miền Trung, Tây Nguyên dao động quanh mức 35.000 - 47.000 đồng/kg, nhiều nơi đang được đẩy lên cao ngang bằng so với miền Bắc. Tuy nhiên, mặt bằng chung vẫn thấp hơn khu vực phía Bắc một vài giá.
Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng mạnh so với cuối tháng 7, với mức tăng từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng từ 33.000 - 45.000 đồng/kg.
Giá lợn giống cũng đang tăng mạnh theo nhu cầu tái đàn. Theo đó, lợn giống loại 6 - 6,5 kg/con, bình thường có giá từ 700.000 - 900.000 đồng/con, nay đã lên tới 1,2 - 1,5 triệu đồng/con.
Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm nay, giá lợn hơi sẽ còn tăng cao bởi nguồn cung bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, quan sát của các chuyên gia ngành chăn nuôi cho thấy, hiện có tới 30% lượng lợn đưa vào giết mổ ở các cơ sở giết mổ lớn là lợn cỡ 50 - 60 kg/con. Lợn cỡ này đã đưa vào giết mổ chủ yếu là được bán sớm để chạy dịch. Điều này cũng sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể tình trạng thiếu hụt thịt lợn cuối năm nay.
Còn theo Bộ Công thương, những tháng tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt. Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Mỹ và xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác, trong đó có nhập tiểu ngạch từ Việt Nam, cũng sẽ góp phần làm tăng giá lợn nước ta. Trong khi đó, lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều.
Cùng với đà tăng giá của lợn hơi, giá gà thương phẩm cũng tăng nhiều trong thời gian qua, với mức tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ 2018. Giá gà, vịt giống cũng tăng khá mạnh. Hiện gà giống lông màu có giá khoảng 10.000 đồng/con, cao gấp đôi so với giá thành. Giá vịt con giống từ 24.000 - 26.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá thành (từ 12.000 - 13.000 đồng/con).
Hiện trứng vịt được bán lẻ với giá 2.500 - 2.700 đồng/quả; trứng gà ta 3.500 - 4.000 đồng/quả; trứng gà Ai Cập đỏ từ 2.300 - 2.500 đồng/quả; trứng cút có giá 5.000 - 6.000 đồng/chục... Như vậy, so với cuối tháng 7, trứng gia cầm đã tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/chục. Nguyên nhân khiến trứng tăng giá một phần do thời tiết nắng nóng nên năng suất gia cầm đẻ trứng giảm. Mặt khác, do thời gian trứng giảm giá kéo dài nên nhiều chủ trại đã chủ động giảm đàn. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng trứng làm nguyên liệu cho mùa bánh Trung thu và xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ăn trứng do thịt lợn tăng giá cũng là nguyên nhân đẩy giá trứng lên cao.
Thương lái lùng mua lợn để xuất khẩu sang Trung Quốc
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Hoa Kỳ và xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong khi, lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều. Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, với đà tăng này, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg trong năm nay.
Điều này trùng với dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cục này dự báo, giá thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm với ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khu vực miền Bắc và thị trường Trung Quốc. Hiện giá bán thịt lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc cao hơn các tỉnh phía Nam từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Giá lợn hơi bình quân tại thị trường Trung Quốc cao hơn tại Việt Nam. Hiện thương lái tích cực lùng mua lợn đạt trọng lượng theo yêu cầu của Trung Quốc còn sót lại để xuất tiểu ngạch sang nước này. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều do chính sách siết chặt nhập khẩu biên mậu của nước bạn.
Thực tế, một số trang trại và thương lái ở khu vực các tỉnh biên giới cho biết, từ đầu tháng 8, một lượng lợn sống, thịt lợn mảnh đã được họ gom mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi, thị trường này đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng do dịch tả châu Phi và các đơn hàng nhập khẩu thịt lợn lớn từ Mỹ bị hủy, trong khi giá thịt lợn tại Việt Nam lại thấp hơn nhiều.
Theo ước tính của FAO, tổng số lợn bị hao hụt của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều, với khoảng 200 - 250 triệu con đã bị tiêu hủy. Do nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, giá lợn hơi ở Trung Quốc đã tăng lên rất cao, tới xấp xỉ 100.000 đồng/kg hơi. "Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong những tháng tới được dự đoán sẽ tăng 70% so với năm trước, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ lớn hơn và là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra nhận định.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2019, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 182,23 nghìn tấn thịt lợn từ thị trường nước ngoài trong tháng 7/2019, tăng 107% so với tháng 7/2018; lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 1 triệu tấn thịt lợn, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công thương cho rằng, thời điểm này, người chăn nuôi nên tập trung giữ ổn định đàn, bởi từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trứng nói riêng và thực phẩm nói chung sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên sẽ thiếu hụt một lượng lớn thịt lợn. Đây sẽ là thời cơ của ngành chăn nuôi gia cầm.