Người Việt "xấu xí": Hãy nói thẳng với nhau một lần để không thêm đau đớn!
- Văn hóa - Giải trí
- 23:06 - 04/08/2015
Đó là những ý kiến của nhà văn Trần Thị Trường xung quanh câu chuyện “người Việt xấu xí ở các nước”. Bà là người có nhiều trải nghiệm cuộc sống và từng có thời gian dài sinh sống tại châu Âu. Hàng năm, bà cũng thường xuyên đi du lịch hoặc làm việc tại nhiều nước trên thế giới. Bà cũng có một cô con gái kết hôn cùng một người Mỹ và sinh sống tại Mỹ.
Nhà văn Trần Thị Trường bên cầu Cổng vàng ở San Francissco. (Ảnh nhà văn cung cấp)
Người nghèo lấy của người giàu là không có tội?
Nhà văn Trần Thị Trường kể lại, vào những năm 1980, khi ấy bà mới chừng 30 tuổi và bắt đầu có những trải nghiệm sống ở nước ngoài. Lúc đó, bà đã tận mắt nhìn thấy rõ ràng những thói xấu của người Việt Nam ở nước ngoài. Bà kể, có lần, khi bay từ Việt Nam sang Sophia, đoàn Việt Nam quá cảnh ở một sân bay, thủ đô của một quốc gia nhỏ, trong suy nghĩ của bà đây là nơi còn lạc hậu. Vậy mà, họ có cửa hàng tự chọn, một điều ngạc nhiên cho đoàn người Việt.
Ngay lập tức, bà nhìn thấy một người trong đoàn người Việt nghiễm nhiên cầm lấy chiếc đài catsete, không qua quầy thu ngân trả tiền. Người này mang lên máy bay trong tâm trạng rất phấn khích và khoe với bạn bè mình đã lấy chiếc đài mà không ai biết gì.(!?) Có người còn đưa ra quan điểm “Mình nghèo lấy của người giàu là không có tội!”.
Nữ nhà văn kể thêm: “Trong một số lần sang Tiệp Khắc và Sophia, tôi đã chứng kiến những người tôi vốn rất nể thì lại vào shop thời trang cũng tự chọn, nghiễm nhiên khoác thêm lên người một chiếc măng- tô rồi đi ra mà không trả tiền”.
Bà kết luận: “Không phải chỉ người nghèo mới có tính tắt mắt mà đó là thói xấu của một số người ở các nước chậm tiến khi tiếp xúc với sự dồi dào hàng hóa của các nền kinh tế phát triển của thế giới. Tôi cho rằng quan niệm “người nghèo lấy của người giàu không có tội” thể hiện sự méo mó của nhân cách con người”.
Ảnh minh họa
Hệ quả của óc quan sát kém, thiếu bản lĩnh văn hóa
Một trong những thói xấu của người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế đó là sự thiếu văn hóa ứng xử, ví dụ như không biết xếp hàng hay trật tự, im lặng khi phải chờ làm một việc gì đó nơi công cộng.
Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, điều này xuất phát từ sự không có đầu óc quan sát, thiếu tinh tế bên cạnh ý muốn phải hơn người, không thua ai, phải chiến thắng cho bằng được. Trong khi Việt Nam là một đất nước đã trải qua giai đoạn “xếp hàng cả ngày”, không thể nói là “người Việt không biết xếp hàng”. Ngay cả ở sân bay – nơi chỉ một bước nữa sang đến thế giới văn minh thì người Việt cũng vẫn chen lấn xô đẩy, nói chuyện ồn ào. Thói quen này của người Việt bị nhiều người nước ngoài vô cùng khó chịu. Bà đã từng chứng kiến nhiều người lái xe bus ở các quốc gia đó tỏ rõ thái độ không hài lòng khi thấy người Việt lên xe bằng cách chen lấn. Mỗi lần như thế họ lại gằn giọng: “Người Việt ra đằng sau mà đứng!”.
Theo nhà văn thì đây là hệ quả của bản lĩnh văn hóa yếu. Những điểm sáng văn hóa trong một con người vốn mong manh, muốn có bản lĩnh văn hóa nó phải được bồi đắp bằng nhiều điều kiện, và nuôi dưỡng trong thời gian, nếu không có bản lĩnh rất dễ bị cái xấu lôi kéo. Có những người nếu tách họ ra, hoặc họ sống cùng, đi cùng với những người có bản lĩnh văn hóa thì họ cư xử rất ổn nhưng khi đi lẫn vào một đám đông xấu xí thì “cái tôi tốt đẹp” của họ bỗng biến đâu mất mà thay vào đó là sự a dua với cái xấu.
Nói về nguyên nhân của việc nhân cách người Việt có những điểm yếu, nữ nhà văn cho rằng có một phần quan trong đó là hậu quả của chiến tranh. Đất nước ta đã trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài dẫn tới không chỉ suy tàn về kinh tế mà còn kiệt quệ cả về mặt nhân cách con người. Và việc xây dựng lại cũng cần nhiều chục năm như thế.
Tấm biển cảnh báo nạn trộm cắp được viết bằng tiếng Việt tại một cửa hàng thời trang ở Nhật.
Singapore hãy phân định rõ ràng
Theo nhà văn Trần Thị Trường, hành động gây khó khăn cho người nhập cảnh từ Việt Nam của Singapore thời gian gần đây giống như một cái tát giáng vào những người có lòng tự trọng.
Bà cho rằng, mặc dù có thể hải quan các nước có quyền từ chối nhập cảnh mà không cần nêu công khai lý do cụ thể nhưng cách làm của Singapor như vậy sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của hai nước, làm người xấu - người tốt bị lẫn lộn. Việc người Việt đi du lịch không chỉ có lợi cho người Việt mà còn có lợi cho cả nơi họ đến. Việc minh định rõ ràng các điều kiện nhập cảnh để không gây ra các lãng phí không cần thiết. Không thể vì đất nước không quản lý chặt được các vấn nạn như trộm cắp, mại dâm… mà làm ảnh hưởng đến những người du lịch thực sự.
Tuy nhiên, theo nhà văn, qua sự việc người Việt bị gây khó dễ khi nhập cảnh vào Singapore hay một số quốc gia khác cũng cần rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, đối với những người gặp những rào cản ngôn ngữ quá lớn thì khi ra nước ngoài cần đi cùng với người khác thạo ngoại ngữ. Bởi khi ngôn ngữ bất đồng, bạn sẽ không thể chứng minh được điều gì để chứng tỏ bạn trong sáng khi đến đất nước của họ. Ngoài ra, việc ăn mặc cũng đóng vai trò quan trọng. Một người ăn mặc có thẩm mỹ sẽ tạo thiện cảm hơn nhiều so với những người ăn mặc thiếu lịch sự hoặc quá lố bịch.
Dĩ nhiên, để thay đổi từ một người thiếu tinh tế thành một người có thẩm mỹ và óc quan sát tốt không thể một sớm một chiều, đó là một điều khó khăn và cần có thời gian rất dài. Tuy nhiên, về trước mắt, nhà văn khuyên mọi người đi du lịch cần cân nhắc kỹ nơi đến và các tình huống vừa xẩy ra ở Singapore... Còn các hãng hàng không, công ty du lịch khi bán vé đến các nước có tình trạng khó khăn với người Việt thì cần đưa ra các khuyến cáo về trang phục, ngôn ngữ và khả năng tài chính đối với khách hàng để hạn chế những rủi ro không đáng có.