THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:04

Người truyền lửa âm nhạc cách mạng

* Thưa anh, live show “Tổ quốc gọi tên mình” có gì mới?

- Tôi đã ấp ủ chương trình này từ lâu nhưng mấy năm vừa qua dịch dã nên không làm được. Nay dịch Covid-19 đã tạm lui, tôi muốn làm một chương trình kỷ niệm chặng đường 30 năm ca hát. Chương trình có hơn 40 người tham gia, có nhạc trưởng, người phối khí, Giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ trẻ Dương Cầm. Trước đó, tôi đã làm với anh Dương Cầm một số chương trình và nhận thấy ở nhạc sĩ này có tài năng, nhiệt huyết, đam mê, có thể đảm nhận được tốt công việc lần này.

* Trước đây live concert “Mặt trời của tôi” cũng thành công, anh còn nhớ chứ?

- Chương trình đó được làm để kỷ niệm chặng đường hơn 20 năm ca hát của tôi. Qua chương trình này, tôi muốn tri ân khán giả đã yêu mến, ủng hộ suốt mấy chục năm ca hát. Live concert “Mặt trời của tôi” đã được ấp ủ rất lâu, được chuẩn bị công phu. Thật vui là live concert “Mặt trời của tôi” đã được công chúng yêu mến, giới chuyên môn đánh giá cao. Đó là sự ghi nhận xứng đáng và khích lệ tôi rất nhiều. Thành công không phải là danh hiệu mà ở trong tim công chúng. Chắc chắn, đó là điều quan trọng nhất đối với mỗi nghệ sĩ.

* Anh đã rèn nghề thế nào để có được thành công hôm nay? 

- Dòng nhạc mà tôi chọn là dòng rất khó nên phải thật sự đam mê, nghiên cứu về dòng nhạc này rất sắc. Từ nhỏ, tôi đã yêu dòng nhạc cách mạng. Như mọi người đã biết, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã đưa tôi đến với công chúng, giúp tôi giành giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 1995”, rồi tiếp đó là những ca khúc như: “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Nếu tôi không đam mê và thổi bùng ngọn lửa đam mê, hát như lên đồng trên sân khấu thì đã không có ngày hôm nay. Ngoài học, tôi cũng phải dành nhiều thời gian học ở trường đời để thấm thía, rèn giũa khả năng, bản lĩnh. Với mỗi ca sĩ trẻ, có thể lúc mới hát đã có được thành công nhất định nhưng để đi được đường dài, giữ và khẳng định được thương hiệu thì quá trình tự học, tự trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm phải được làm thường xuyên.

* Thế mạnh của anh là nhạc thính phòng và nhạc cách mạng. Với live show lần này, anh truyền cảm hứng cho lớp trẻ về tình yêu đất nước thế nào?

- Tôi nghĩ, đây là sứ mệnh của tôi. Tôi không còn trẻ nữa và có thể nói tôi là người duy nhất suốt 30 năm chỉ theo đuổi hai dòng nhạc này, đặc biệt là dòng nhạc cách mạng. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam, những bài hát vượt qua năm tháng, đi vào lịch sử, gắn với cuộc trường chinh gian khổ và hào hùng của dân tộc. Dòng nhạc cách mạng là di sản của cha ông mà chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy, để cho lớp lớp thanh niên nhớ, khắc ghi công lao của người đi trước. Nếu chúng ta để mai một là có tội với dân tộc. Khi đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp, mỗi ngày tôi cố gắng để những bài hát đó không bị mai một, cũng là để xứng đáng với những thầy, cô đã dạy tôi và có được thành tựu như ngày hôm nay.

ca sĩ Đăng Dương 1

Việc ra mắt live show “Tổ quốc gọi tên mình” nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay cũng là muốn nhắc nhớ về Tổ quốc, về mẹ, về những hy sinh gian khổ của cha ông ta để bảo vệ mảnh đất này và cho chúng ta có cuộc sống hôm nay. Trong chương trình, tôi hát gần 30 bài hát, xâu chuỗi về cả một cuộc trường chinh của dân tộc, trong đó có ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ của Nguyễn Phan Quế Mai.  Khách mời của chương trình có nhiều thành phần vì nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng được thực hiện nhuần nhuyễn bởi công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ lưỡng.

* Trên chặng đường 3 thập niên ca hát, anh nhớ kỷ niệm nào?

- Tôi may mắn vì được nghề chọn. Lớn lên ở Hải Dương, tôi yêu âm nhạc nhưng không có điều kiện học hành bài bản. 10 tuổi, tôi đã thích và thuộc làu nhiều bài người lớn. Một lần, bạn anh cả của tôi làm trong ngành văn hóa đến nhà chơi, thấy tôi có năng khiếu nên khuyên bố mẹ cho đi học nhạc. 12 tuổi, tôi vào Khoa Đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội, học cô Thanh Tâm. Ngày tôi khăn gói lên Hà Nội, mẹ khóc sướt mướt thương con trai. Năm 17 tuổi, bố thấy ngành đàn bầu tôi học khó phát triển, khó sống được với nghề nên viết thư khuyên tôi trở về tập trung học văn hóa. Tôi xin bố cho học thêm một thời gian để thi sang thanh nhạc. Nếu trượt, tôi sẽ về ôn thi đại học một trường khác. 18 tuổi, tôi đỗ và được học hát cùng thầy Quang Thọ, sau đó là thầy Trung Kiên.

* Bố viết thư bảo về có nghĩa là gia đình khi đó còn chưa tin tưởng anh sống được với nghề?

- Phải, nhưng tôi cảm ơn bức thư của bố đã tha đổi cuộc đời tôi. Vì nỗi lo của cha mà quyết tâm theo đuổi thanh nhạc, vì nỗi lo của cha mẹ mà cố gắng đến cùng. Tôi đã chứng tỏ sự kiên định trong đam mê, trong quyết tâm của mình trước con đường mình muốn theo đuổi. Điều đó chứng minh vì sao suốt những năm qua dù từng gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn kiên định với dòng nhạc thính phòng cổ điển, với âm nhạc cách mạng, với khát vọng là người truyền lửa âm nhạc cách mạng đến công chúng, đến mọi thế hệ khán giả.

* Vợ anh ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của chồng?

- Bà xã tôi từng thuộc Đoàn Nghệ thuật Quân đội, sau khi kết hôn thì nghỉ để làm quản lý cho chồng. Chung sống 22 năm, vợ chưa bao giờ đặt nặng chuyện kinh tế, để tôi thỏa sức vẫy vùng làm những gì mình thích. Với gia đình, vợ quán xuyến từ chuyện bếp núc, nhà cửa cho đến việc học hành của các con. Chúng tôi có 2 con trai, cháu lớn đã học đại học ở Australia, cháu út học cấp hai. Các con ảnh hưởng sở thích từ bố, thích nghe nhạc giao hưởng nhưng không có ý định theo nghệ thuật.

* Theo anh, những người thầy quan trọng thế nào?

- Tôi có 3 người thầy lớn trong cuộc đời là nghệ sĩ Trung Kiên, Quang Thọ và Thanh Tâm, những người đã truyền lửa và định hướng cho tôi con đường rõ ràng. Vì thế, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù gu âm nhạc biến chuyển theo thời gian và những người bạn đồng hành của tôi đều có phần thỏa hiệp với thị hiếu để tiếp cận rộng rãi công chúng, tôi vẫn kiên định đi con đường của mình. Có thể, con đường ấy không phủ đầy hoa hồng, thậm chí khá cô đơn và lặng lẽ nhưng tôi nghĩ với niềm tin vào âm nhạc đích thực sẽ luôn sống và chạm đến trái tim mỗi người.

* Giới chuyên môn đánh giá anh đang ở độ chín của sự nghiệp, điều gì đã khiến anh giữ được chất giọng bền lâu đến vậy?

- Có nhiều thứ lắm, tôi đam mê và trau dồi, tập luyện hằng ngày. Có những tác phẩm ra đời từ rất lâu rồi giờ muốn hát lại ta phải hiểu lịch sử, không hiểu kỹ thì hát không ra được cái chất của bài hát. Vì vậy, tôi không ngừng học hỏi, tìm hiểu lịch sử thông qua đọc lịch sử, tìm hiểu văn hóa, đời sống. Khi hiểu rồi, cộng với giọng dày dặn mà ấm áp sẽ càng giúp cho ca khúc vang lên sáng khỏe.

* Xin trân trọng cảm ơn anh!

Vũ Hằng (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh