CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:23

Người trồng phúc cho đời

 

 

Rừng keo trên đất đồi Lục Ngạn sẽ cho thu hoạch vài năm tới. 

Trong câu chuyện với tôi, chị đưa ra một triết lý độc đáo: “Chúng tôi quan niệm, trồng cây là trồng cái “phúc” cho đời!” Vậy thì, với số tài sản kếch xù về cây trồng các loại, chị đã trồng được bao nhiêu cây “phúc” cho đời? Chỉ tính trong vòng 5 năm gần đây, chưa đạt tới ngưỡng phúc đẳng hà sa nhưng là một kho vàng xanh khổng lồ không dưng mà có được. Tất cả đều gắn với địa danh "Rừng": Rừng keo, rừng xoan, rừng ổi, rừng bạch đàn... Bưởi thì có bưởi Diễn, bưởi Da xanh. Cam thì có cam Vinh (15.000 cây), cam Canh...

Theo lời giám đốc Hiệp, toàn bộ diện tích trồng keo, bạch đàn, xoan ở đây vốn là "đất chết". Bà con dân tộc Tày, Mường trong vùng từ xưa đã quen với lối sống được đâu hay đó chứ chưa có ý thức lo xa, càng không biết tận dụng đất đồi làm giàu. Cũng một phần do ngại tiếp xúc với cái mới, với cái ngoài suy nghĩ thường tình. Thấy dân dưới xuôi lên khai phá đất hoang thì một số người phát sinh tư tưởng kỳ thị, sợ thua thiệt từ que củi. Biết chuyện đó, chị đã xuống tận bản, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, giúp lãnh đạo địa phương tìm nguồn tài trợ cho chương trình xóa đói, giảm nghèo. Chị mạnh dạn trình bày ý định và lợi ích của việc trồng keo cho mọi người hiểu. Và chị là người đầu tiên thử trồng keo - trồng cây “phúc”.

Keo là loại cây họ đậu, giữ độ ẩm tốt, trồng bằng hạt, khi cây cao chừng 1,5cm thì đánh lên trồng vào hố đã ủ phân từ trước. Thấy khả quan, chị cho nhân rộng ra. Hiện, chị đã có trong tay 32.000 cây keo trên năm tuổi. Keo đúng là cây “phúc” theo đúng nghĩa của từ ấy. Keo đang từng ngày sinh sôi sự sống. Keo gắn kết con người với đất và gieo trong họ biết bao ước mơ từ đất. Keo trồng sau 7 năm thì được khai thác gỗ (6 triệu đồng một khối); còn cành và lá thì dùng làm nguyên liệu giấy. Chuyện cứ như trong mơ.

Nhìn những cánh rừng keo bạt ngàn xanh mà mừng cho bà chủ ít trải nghiệm nhưng dám nghĩ, dám làm. Có cảm giác chị sinh ra để thích nghi với rừng, để gánh vác những việc không nỡ dành cho chị em. Mồ hôi công sức và sự tháo vát trong toan tính của chị đã được đền đáp xứng đáng. Vậy mà khi nói về công việc của mình, chị lại có phần dè dặt. Quả thật, chẳng mấy ai biết, để có được những cây “phúc” như ý, chị đã phải hàng đêm thức trắng, lực bất tòng tâm, đuối sức, nhiều lúc bật khóc như đứa trẻ khi hàng loạt keo mới trồng bị sâu bọ phá nát hoặc thời tiết mưa nắng thất thường khiến cây dễ chết yểu. Có lúc chị đã nghĩ đến chuyện chuyển sang kinh doanh đất, mua đi bán lại kiếm lời. Ai hay chị đã liều lĩnh bỏ ra một lúc hàng tỷ đồng vay nợ chỉ để thuê 300 công nhân chuyên một việc chăm sóc cây bởi dân địa phương chỉ có thể thuê theo thời vụ.

Chị Vũ Thị Hiệp giới thiệu những ý tưởng của mình.

Từ hai bàn tay trắng, chị đã dần dà vào vai "bà chủ". Nổi lên trong các thảm xanh cây ăn quả là những túp nhà nho nhỏ, mái lợp phibrôximăng nhìn thấy cả mây trời, bốn phía thưng vách nứa, gió lùa thông thống tứ mùa. Đó là nhà riêng của những cặp vợ chồng trẻ bốn phương về đây làm thuê cho bà chủ Hiệp, rồi tính chuyện định cư lâu dài. Vợ chồng Tuyên - Lan (quê Phú Thọ), là một trong nhiều ví dụ như thế. Tuyên thấp người, miệng nói, tay làm. Còn Lan thì vừa mới qua tuổi thiếu nữ. Họ sống hồn nhiên như trời đất. Dường như cả hai luôn tỏ ra bằng lòng với cuộc sống hiện tại, lấy kết quả lao động trên vỡ đất khô cằn làm nguồn động viên. Họ căn cơ đến từng đồng tiền, bát gạo, phòng khi trái gió, giở giời. Bàn tay vàng của họ đã và đang tiếp sức trồng cây “phúc” theo kế hoạch của bà chủ. Khi tôi tới thăm anh chị thì hai con chó vàng béo mũm mĩm từ trong nhà chạy ra sủa mấy tiếng vu vơ.

- Hỗn nào!

Nghe tiếng quát nhẹ nhàng của chủ, đôi chó ngoan ngoãn lủi vào vườn chanh leo kín đáo trong tư thế chờ cơ hội hành động.

- Ở đây vui quá nhỉ!.

Tôi thốt lên và bất chợt trong đầu tôi hiện ra hình ảnh chàng Rôbinsơn thui thủi một mình trên hoang đảo. Khác chăng là vùng "đất chết" đã được con người biến thành vùng “đất sống” và mỗi ngày trở nên trù phú, hấp dẫn nhờ có thêm tiếng nói ngọt ngào của các cô phát thanh viên nhà Đài phát ra từ những chiếc máy thu hình cũ kỹ, tiếng rú ga ầm ĩ của những chiếc xe máy tróc sơn, bết bát đất rừng đỏ ối do mấy gã tóc râu ngô trổ tài điều khiển xe có động cơ, tiếng cuốc, xẻng, dựa phát, xe cải tiến, tiếng nồi niêu, xoong chảo chưa kịp rửa va nhau loảng xoảng. Rồi tiếng mấy con gà trống cồ cao hứng vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy ran cả một góc đồi. Tất cả như còn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng dấu hiệu về một cuộc sống mới tràn trề sinh lực rõ ràng đang được bắt đầu. Hình tượng cây phúc - cây đời mà Vũ Thị Hiệp là tác giả cứ trở đi trở lại mãi trong tâm trí tôi.

 

 

Đàn lợn rừng mang lại doanh thu 500 triệu đồng/năm.

- Thưa chú nhà văn! - Tuyên nói với tôi trong khi một bàn tay vẫn đặt trên ghi đông xe máy - Chiếc xe tuy xấu mã nhưng rất được việc. Nó đã theo vợ chồng cháu đi khắp rừng cạn, suối sâu chuyên chở gỗ, củi, rau qủa. Có lần cháu toan xúi bà giám đốc: "Nếu bà định kỷ luật một ai đó, xin cứ bắt ngồi lên cái xe này chạy một lượt xuống phố chợ là biết mặt ngay!"

Phố chợ cách nhà anh chị Tuyên chừng hai cây số nhưng là "con đường đau khổ" của những người đi xe gắn máy. Như phần đông những lứa đôi khác, vợ chồng Tuyên cũng là những người làm thuê tự giác và chăm chỉ. Tôi quay sang hỏi Lan: "Thế chú ấy có ghiền rượu không?". Lan lấy tay bụm miệng cười: "Nhà em bảo, rượu là vợ kế!". Anh chị em công nhân hầu hết đều nghèo, cả về vật chất lẫn tinh thần. Dân trong vùng cũng chẳng mấy nhà khấm khá. Thế nhưng tình hình trật tự trị an trong vùng lại rất yên hàn. Những va đập không đáng kể về quyền sở hữu đất đai, thậm chí xung quanh mấy cây gỗ dựng nhà, vài khối củi... cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa. Bây giờ, bà con các dân tộc địa phương đã trở thành "tai mắt" tin cậy của công ty do bà giám đốc họ Vũ quản lý.

Trưa hôm ấy, Hiệp tiễn chân khách Hà Nội bằng một bữa thịt lợn rừng đặc sản. Bữa ăn càng trở nên ngon miệng hơn khi bát cơm gạo quê nức tiếng được mấy đầu bếp khéo tay thổi nấu hãy còn nóng sốt. Con lợn chừng 25 kg thịt mềm và ngọt. Chị cho biết, trong số 230 con toàn trại thì con này bất trị nhất. Hay nhảy khỏi chuồng về đêm để đi hoang. Khu chăm nuôi chiếm hẳn một diện tích rộng, xa nơi đông dân. Chuồng trại dù đã được chia thành từng ô riêng thông thoáng; có chuồng dành cho lợn dẫu, lợn nái, lợn thịt, không kể chuồng nuôi cầy hương nhưng giống lợn rừng lại không thích bị giam chân trong bóng râm mà ưa phơi mình ngoài thiên nhiên, bất kể nắng mưa. Chúng khoái ăn tạp, kể cả cây chuối rừng, ổi chín, lá keo. Lẫn trong số đó là những chú lợn đực cao lừng lững, nanh dài, trông hiền lành chứ không hung dữ.

- Theo chị, nuôi lợn có phải là một cách "trồng phúc" không ?

Hiệp ngạc nhiên một cách chân thành trước câu hỏi của tôi.

- Sao lại không? Mới rồi, doanh thu 500 triệu đồng! Cây - con, tuy hai mà là một. Lợn nái 4 tháng cho một lứa đẻ. 150 ngàn đồng một kg lợn hơi. 300 ngàn đồng/kg lợn thịt.

- Chị đã chạm trán lợn rừng lần nào chưa?

- Chưa! Nhưng nếu chẳng may gặp nó thì phúc mạng cũng khó mà giữ được, nói chi đến phúc cây. Cách đây không lâu, vùng này bỗng xuất hiện một con lợn đực rất hung dữ. Nó thường đợi lúc đêm hôm khuya khoắt nhảy qua hàng rào thép gai cao ba mét vào chuồng “à ơi” với các ả lợn choai choai, thỏa mãn rồi thì lại quăng mình qua rào biến mất. Chúng tôi rình mãi vẫn không bắn hạ được nó. Phải mời thợ săn Thanh Hóa ra mới trị được nó đấy!

Thói đời, đâu phải đất nào cũng “lành” và chim khôn chỉ việc tìm đến “đậu”. Đất đồi Phong Minh, một xã vùng cao hẻo lánh của Lục Ngạn không nằm ngoài cái dớp ấy. Được chứng kiến tận mắt những quả đồi trùng điệp, đất khô như rang, chỉ lơ thơ mấy khóm cỏ dại đến trâu bò cũng chẳng màng đang bắt đầu bén rễ cây trồng, bà con mới vỡ ra một sự thật: Trồng keo đúng là trồng “phúc”! Nhưng muốn trồng được phúc thì phải nhờ Vũ Thị Hiệp, một thiếu phụ vừa có tâm đức vừa có tầm nhìn. Được lời như cởi tấm lòng, Hiệp đã miệt mài biến vùng đất bị bỏ quên này thành bến đỗ an lành của đời mình tự lúc nào chính chị cũng không hay. Tổ ấm gia đình chị ở thành phố Bắc Giang nườm nượp tàu xe nhưng tình yêu những năm tháng nhọc nhằn nhất của đời chị thì lại nghiêng nhiều về Phong Minh. Thương chồng con bởi những bữa ăn thiếu vắng sự chăm sóc thường tình của người vợ, người mẹ. Biết làm sao được khi mái tóc tém ngắn của chị dường như lúc nào cũng phảng phất hương rừng, khi đêm đêm chị vẫn nằm mơ thấy tiếng hạt mầm bật vỏ, đội đất cằn mà vật vã chui lên.        

NGUYỄN VĂN TOẠI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh